Muốn tránh kẹt xe - tắc đường, cần tránh “dồn cục” vào trung tâm TP

Nạn kẹt xe đang làm đau đầu nhiều người, tiêu tốn nhiều tiền bạc của nhà nước và người dân, là đề tài tốn giấy mực cho báo chí, là nhiều câu hỏi chất vấn nóng bỏng tại Quốc hội và các HĐND của những thành phố lớn.

Những người có trách nhiệm đã, đang và sẽ đề ra nhiều biện pháp để khắc phục. Nhưng có một vấn đề mà khi theo dõi các biện pháp giải quyết nạn kẹt xe, tôi chưa thấy các cấp có thẩm quyền nhắc tới, đó là việc qui hoạch sắp xếp lại các trung tâm tài chính, kinh tế, xã hội và các cơ quan công quyền cũng như các khu dân cư cho hợp lý, tránh tình trạng dồn cục vào trung tâm như hiện nay.

 

Tại sao chúng ta không xây dựng những thành phố vệ tinh khép kín để người dân không phải đổ vào trung tâm để làm việc như bây giờ? Ngay như khu Nam Sài Gòn, một khu đô thị lớn và được coi là qui hoạch tốt nhất, cũng chỉ là một khu dân cư chứ chưa đảm đương được vai trò khu đô thị vệ tinh với chức năng giải tỏa dòng người dồn vào trung tâm. Tương tự, khu Trung Hòa - Nhân Chính ở Hà Nội là một khu mới hoàn toàn hiện nay cũng chỉ tập trung xây dựng nhà ở là chủ yếu.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Theo thiển ý của tôi, nếu chúng ta xây dựng những cụm đô thị vệ tinh mới với các trung tâm thương mại, tài chính, xã hội được qui hoạch hoàn chỉnh và một hệ thống giao thông công cộng hoàn thiện (chủ yếu là các loại giao thông ngầm hoặc trên cao) nối liền các trung tâm này thì sẽ giải tỏa được áp lực cho các tuyến đườg trung tâm vốn đã chật chội và không có khả năng mở rộng.

 

Trước mắt chúng ta nên khuyến khích đầu tư vào các đô thị vệ tinh này thay vì cấp phép cho những tòa nhà vĩ đại (trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng…) trong trung tâm thành phố như đang làm. Tất nhiên những khu đô thị này cũng phải được thiết kế, qui hoạch hợp lý và lâu dài chứ không phải chỉ là phân lô, bán nền như hiện tại. Cần phải phân công một cơ quan làm chức năng đầu mối điều hành xây dựng tổng thể các khu đô thị mới, tránh tình trạng xây dựng những khu dân cư cục bộ. Cơ quan này sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về qui hoạch cũng như thực hiện các dự án.

 

Song song với việc xây dựng những khu đô thị mới, chúng ta sẽ xây dựng những đường cao tốc vành đai nối liền các khu này lại với nhau và các loại đường ngầm và đường trên cao nối liền các đô thị vệ tinh với trung tâm và nối chúng với nhau xuyên qua trục trung tâm. Như vậy chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn để đi từ khu này đến khu khác mà không nhất thiết phải dồn vào trung tâm.

 

Sau khi đã hình thành được những cụm đô thị mới như trên (ít nhất là trên qui hoạch), chúng ta sẽ có định hướng phát triển lâu dài và có thể dựa vào đó để sắp xếp lại lưu thông trên các con đường hiện tại cho hợp lý. Tôi nghĩ rằng trước mắt chúng ta nên nghĩ đến việc sắp xếp các con đường song song với nhau thành đường một chiều ngược chiều nhau để tránh được kẹt xe cục bộ trước mắt, mở rộng các ngõ, hẻm để nối các đường này lại tạo điều kiện cho người dân không phải đi quá xa mới có thể vòng lại về nhà… Nếu các luồng tuyến được sắp xếp hợp lý thì sẽ chỉ ùn chứ không tắc đường như hiện nay.

Có thể nhiều người cho rằng chúng ta đang cần những giải pháp cấp bách chứ không phải giải pháp lâu dài như đề xuất trên. Tuy nhiên, nếu chúng ta không định hướng phát triển lâu dài mà đề ra toàn những giải pháp ngắn hạn như hiện nay thì chắc chắn sẽ giải tỏa được chỗ này thì sẽ lại tắc chỗ khác mà thôi.

 

Lê Trọng Sánh

 

LTS Dân trí - Trước những vấn đề nan giải như tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn hiện nay, bao giờ cũng cần thực hiện hai loại giải pháp - đó là giải pháp lâu dài và giải pháp tình thế (giải pháp trước mắt).

 

Ý kiến đóng góp của tác giả bài viết trên đây muốn bàn về công tác điều chỉnh quy hoạch tổng thể, nhằm khắc phục tình trạng “dồn cục” về trung tâm thành phố bằng cách phát triển hoàn chỉnh các “thành phố vệ tinh”. Đó là đề xuất thuộc loại giải pháp có tính cơ bản, lâu dài. Trên cơ sở đó, thực hiện đồng thời và đồng bộ các giải pháp tình thế để từng bước giảm bớt và tiến tới khắc phục về cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông.

 

Hy vọng rằng bài viết trên đây cũng là ý kiến đóng góp hữu ích cho các cơ quan làm công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý các mặt hoạt động của những thành phố lớn, trước hết là Hà Nội và TPHCM.