Muốn được tôn vinh phải nộp tiền “tự nguyện”… có nên không?

Từ năm 2004 (cách đây 13 năm) Báo điện tử Dân trí - cơ quan ngôn luận của Hội Khuyến học Việt Nam có sáng kiến hằng năm cùng với Đài truyền hình Việt Nam; Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức tôn vinh danh hiệu “Nhân tài đất Việt”.

Từ đó đến nay, năm nào Báo Dân Trí cũng tổ chức lễ trao giải thưởng "Nhân tài đất Việt" trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Ngày 29/6/2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định số 36722/QĐ-SHTT về việc chấp nhận đơn hợp lệ đối với nhãn hiệu “Nhân tài Đất Việt, hình”. Danh hiệu “Nhân tài đất Việt” của Báo Dân trí vừa có tính pháp lý vừa trở thành tên quen thuộc trong nhiều năm qua.


Nhãn hiệu “Nhân tài Đất Việt của Báo Dân trí được đăng ký hợp pháp tại Cục sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Báo Dân trí)

Nhãn hiệu “Nhân tài Đất Việt" của Báo Dân trí được đăng ký hợp pháp tại Cục sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Báo Dân trí)

Từ tên chương trình gây sự nhầm lẫn

Song theo phản ánh của một số bạn đọc, ngày 5/12/2016, Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam (VSATH) ban hành giấy mời các nhà khoa học dự hội thảo giải pháp thu hút và trọng dụng nhân tài, chuẩn bị cho lễ tôn vinh có tên “Nhân tài Đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh” “Nhà quản lý vì cộng đồng”. Liên quan đến vấn đề này, có nhiều ý kiến cho rằng việc VSATH sử dụng tên “Nhân tài Đất Việt” trùng với tên của Báo điện tử Dân trí đã sử dụng và đã đi vào cuộc sống xã hội trong nhiều năm nay, đặc biệt là đã được đăng ký bảo hộ tại cục Sở hữu trí tuệ là vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng “Nhân tài đất Việt” là danh từ chung không của riêng ai!

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), chương trình “Nhân tài Đất Việt” là Chương trình do Báo Dân trí tổ chức đã đi vào hoạt động nhiều năm nay, được nhiều người biết đến, được các cơ quan nhà nước quan tâm ủng hộ. Do đó, việc VSATH sử dụng tên “Nhân tài Đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh” rất dễ gây nhầm lẫn với chương trình tôn vinh “Nhân tài Đất Việt” do Báo Dân trí đang thực hiện nhiều năm qua. Mặc dù VSATH có sử dụng kèm theo cụm từ “Thời đại Hồ Chí Minh” và không hoàn toàn sử dụng toàn bộ nhãn hiệu “Nhân tài Đất Việt” mà Dân trí đã đăng ký bảo hộ nhưng việc sử dụng cụm từ trên là tương tự, tạo nên sự nhầm lẫn về chương trình, điều này thể hiện sự không minh bạch. Vì vậy, tránh hiểu lầm của các nhà khoa học, quần chúng nhân dân, Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam (VSATH) không nên sử dụng cụm từ “Nhân tài Đất Việt” cho chường trình này.

Đến khoản tiền tự nguyện phải nộp

Đáng chú ý, kèm theo giấy mời tham gia hội thảo, bản mẫu đăng ký tham gia Chương trình “Nhân tài đất Việt - thời đại Hồ Chí Minh” “Nhà quản lý cộng đồng”, Hội VSATH còn kèm Bản gọi là Bản đăng ký hỗ trợ tự nguyện gồm 5 điều. Đây thực chất là hợp đồng dân sự đóng tiền giữa Ban tổ chức và nhà khoa học tham gia tôn vinh danh hiệu "Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh". Nội dung của bản Hợp đồng này là nhà khoa học tham gia tôn vinh danh hiệu Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh phải tự nguyện đóng góp cho Ban tổ chức chương trình với 4 mức kinh phí là 16.000.000 đồng; 18.000.000 đồng; 20.000.000 đồng; 25.000.000 đồng. Mặc dù có tiêu đề là “Bản đăng ký hỗ trợ tự nguyện” nhưng đọc các tài liệu trên của Ban tổ chức chương trình ai cũng hiểu rằng muốn được Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam (VSATH) tôn vinh danh hiệu cao quý “Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ chí Minh”, nhà khoa học bắt buộc phải bỏ ra ít nhất là 16 triệu đồng.

Muốn được tôn vinh phải nộp tiền “tự nguyện”… có nên không? - 2
Muốn được tôn vinh phải nộp tiền “tự nguyện”… có nên không? - 3

Báo Bảo vệ pháp luật số ra thứ 6 ngày 10/3/2017 đăng tải bài viết :Muốn được tôn vinh phải nộp tiền “tự nguyện”… có nên không?.

Báo Bảo vệ pháp luật số ra thứ 6 ngày 10/3/2017 đăng tải bài viết :"Muốn được tôn vinh phải nộp tiền “tự nguyện”… có nên không?".

Luật sưTrương Anh Tú cho rằng, việc tôn vinh các các nhân tài của đất nước là việc nên làm và đáng được ủng hộ. Tuy nhiên, tôn vinh mà yêu cầu người được tôn vinh phải đóng tiền là không phù hợp, không nên làm. Đây là yêu cầu vô cùng phản cảm khiến người được tôn vinh cảm thấy bị xúc phạm. Vấn đề tài chính được đề cập trực tiếp với các nhà khoa học khiến người ta hoài nghi về tính minh bạch của chương trình này. Thông thường khi tổ chức chương trình tôn vinh thì đơn vị tổ chức có trách nhiệm bố trí kinh phí từ các nguồn tài trợ của các doanh nghiệp hoặc các mạnh thường quân mà không thu bất kỳ kinh phí nào từ người được vinh danh. Việc VSATH gợi ý các nhà khoa học hỗ trợ kinh phí tự nguyện theo từng mức tiền cụ thể làm mất đi giá trị cũng như ý nghĩa việc tôn vinh biến vinh danh thành mua danh.

Nhận xét về vấn đề này, ý kiến của một nhà giáo (xin không đăng tên) đặt câu hỏi: VSATH đã có tên mang tính pháp lý: "Nhân tài Việt Nam”. Khi tôn vinh nhân tài tại sao không dùng ngay tên pháp lý của chính mình (Nhân tài Việt Nam) mà dùng tên "Nhân tài đất Việt", cái tên đã trở nên quen thuộc và đã được đăng ký bảo hộ của báo điện tử Dân trí?

Bà Nguyễn Thị Nga - nguyên là cán bộ Văn phòng Chính phủ (đã nghỉ hưu), trú tại phường Láng Thượng cho rằng: Đành rằng văn bản đóng góp có nêu là "tự nguyện" nhưng Ban tổ chức (VSATH) đặt 4 mức từ 16.000.000 đồng; 18.000.000 đồng; 20.000.000 đồng; 25.000.000 đồng hoặc cao hơn nữa nhà khoa học tham gia tôn vinh là không thể chấp nhận được. Thực chất đây là việc mua bán danh hiệu. Thử đặt câu hỏi: Nhà khoa học thực tài đóng góp nhiều công trình khoa học có giá trị cho đất nước nhưng còn nghèo không có tiền đóng góp "tự nguyện" kể trên thì rõ ràng không bao giờ được VSATH tôn vinh, như vậy có công bằng không? Và danh hiệu cao quý nhưng nhà khoa học "phải bỏ tiền mua " mới có thì còn gì là cao quý?

Nước ta hiện có hàng trăm tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp, nếu hội nào cũng lấy tên là: Tôn vinh "Nhân tài đất Việt", cũng đều thu một khoản tiền gọi là "tự nguyện" như Hội VASTH đang làm thì việc tôn vinh danh hiệu “Nhân tài đất Việt” còn gì là ý nghĩa?

Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét sự việc trên để tránh xảy ra hiện tượng thu tiền bán danh nhằm trục lợi.

Theo Tuấn Thanh

Báo Bảo vệ Pháp luật

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm