Bạn đọc viết:

“Muối lòng” nghe chuyện nhập siêu

(Dân trí) - Đất nước ta “rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu” là điều ai cũng biết từ bài học vỡ lòng. Biết không chỉ để tự hào mà còn để trân trọng, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, vị trí địa lý thuận lợi thiên nhiên ban tặng.

“Muối lòng” nghe chuyện nhập siêu - 1
Cuộc sống của diêm dân luôn đối mặt với vất vả, lo toan bộn bề.
 
Liên quan đến vấn đề này, dư luận mấy hôm nay đang bàn tán nhiều xung quanh thông tin Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam vừa ký hợp đồng mua than của Indonesia, và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang rục rịch đề nghị được nhập khẩu muối ăn.
 
Trong bối cảnh ngành than nước nhà đang có những chuyện rất không hay, đời sống khốn khó của người làm muối liên tục được đề cập, nhập siêu 5 tháng đầu năm đã xấp xỉ 14 tỷ đô la - vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế, thì tất cả những gì liên quan đến nhập khẩu nói chung, cũng như nhập khẩu than và muối nói riêng luôn gây nên bàn tán là điều đương nhiên.

Lý do để Tập đoàn Than và Khoáng sản quyết định nhập 3, 5 triệu tấn than là để chạy nhà máy điện Nghi Sơn 2 (Thanh Hoá). Nếu than của nước ngoài có giá rẻ hơn than trong nước và việc nhập khẩu này mang lại hiệu quả cao cho sản xuất điện trong nước, thì không có gì phải bàn cãi. Mặt khác, than cũng như tài nguyên thiên nhiên là thứ của để dành, không dùng lúc này sẽ dùng vào lúc khác.

Tuy nhiên, cái mà người ta băn khoăn lại là việc than trong nước thời gian qua bị khai thác và xuất khẩu bất hợp pháp hàng triệu tấn một năm. Nếu không quản lý chặt chẽ để xảy ra tình trạng ai xuất cứ xuất, ai nhập cứ nhập đối với than, thì việc đi mua than như thế này quả là một nghịch lý.

Việt Nam có gần 3.000km bờ biển, những tưởng chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng được nhu cầu muối trong nước. Thế nhưng, một việc tưởng như đơn giản là múc nước biển lên làm muối cũng có quá nhiều vấn đề để nói, khi đời sống của người làm làm muối vẫn chưa hết nhọc nhằn. Thế mà lại phải bỏ ngoại tệ ra để mua những thứ chúng ta có thể tự làm được.

Việc nhập khẩu muối có gì đó giống với thời người ta đi nhập khẩu tăm tre của Thái Lan. Cùng là chuyện nhập khẩu, nếu với than thì có thể chấp nhận được và cái người ta băn khoăn chỉ là việc quản lý chặt chẽ khai thác và xuất khẩu. Nhưng với việc nhập khẩu muối thì rõ ràng là điều khó có thể chấp nhận.
 
Có thể giá muối nhập khẩu sẽ rẻ hơn giá muối trong nước, nhưng đằng sau sự tính toán về lợi nhuận đó, cuộc sống của hàng triệu diêm dân đã lao đao chắc càng thêm khốn khó khi không cạnh tranh được với giá muối nhập khẩu. Từ đây, đặt ra trách nhiệm của những người làm công tác quy hoạch và dự báo tình hình thị trường trong ngành nông nghiệp đối với nghề muối nước nhà.

Nhập siêu đang là vấn đề nan giải đối với nền kinh tế nước ta lúc này. Hậu quả là chúng ta đang phải chắt chiu từng đồng ngoại tệ để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu hàng hoá và nguyên liệu. Chính vì vậy, cắt giảm việc nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ, chưa cấp bách để hạn chế nhập siêu là chủ trương của Chính phủ đang được các cơ quan, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng.

Tuy nhiên, đây đó vẫn thấy có những doanh nhân ra nước ngoài tậu máy bay, nhiều xe ô tô hàng độc trị giá hàng triệu đô tiếp tục được nhập về, bên cạnh thông tin nhập khẩu muối ăn... Điều đó khiến nhiều người đang vật lộn với khó khăn không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến cái gọi là sự gương mẫu của cơ quan công quyền, trách nhiệm công dân và văn hoá ứng xử của những người có tiền.

Đinh Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm