Bạn đọc viết:
Diêm dân với nỗi lo bỏ nghề
(Dân trí) - Nghề muối vốn là một nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Nhưng trong những năm qua, muối liên tục rớt giá, khiến hàng nghìn diêm dân vùng muối “điêu đứng” trước nỗi lo bỏ nghề.
“Đã từ lâu, thanh niên trai tráng trong làng cứ lớn lên là đi làm ăn xa quê, người vào Nam, người ra Bắc, làm bất cứ công việc gì miễn là kiếm được tiền. Bởi, không có đất ruộng làm nông nghiệp, gia đình nào mà chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền muối thì có mà đói cả nhà”, chị Bùi Thị Hương, thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc tâm sự.
Những năm gần đây, xã Hòa Lộc có tộc độ phát triển kinh tế ở mức trung bình, đời sống người dân chủ yếu gắn bó với ba nghề chính là nghề cá, nghề muối và làm ruộng.Với dân số 11.700 người, nhưng có hơn 3.000 người sống bằng nghề sản xuất muối thuộc thôn 1 và thôn 2 làng Tam Hòa. Tuy nhiên, con số này ngày càng giảm dần do thu nhập từ nghề làm muối không đảm bảo cuộc sống.
Nghề làm muối tại làng Tam Hòa đã có từ rất lâu, do cha ông xưa để lại. Để làm ra được hạt muối trắng tinh khiết, phải trải qua rất nhiều công đoạn với khả năng chịu đựng gian khổ cao. Khi nhiệt độ ngoài trời đạt từ 35 - 40 độ C, trời nắng gắt thì người dân phải có mặt trên ruộng muối để phơi muối, lọc muối và đóng bao. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, đặc biệt năm 2010, giá muối trên thị trường liên tục xuống thấp, có lúc chỉ đạt 600 - 800 đồng/1kg, muối làm ra không bán được, khiến đời sống người dân luôn bị đe dọa bởi cái đói, cái nghèo đeo bám.
Không bán được muối, không có nguồn thu nhập nào khác, hàng ngàn diêm dân đứng trước nỗi lo thất nghiệp và nguy cơ phải bỏ nghề. Đàn ông, thanh niên trai tráng lần lượt bỏ làng đi “tha phương cầu thực” kiếm sống. Trong làng chủ yếu chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ nhỏ. Nhiều người không có điều kiện đi xa, ở nhà chịu cảnh thất nghiệp quanh năm.
Cùng tâm trạng, anh Trần Văn Xanh chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 người với gần 1000m2 ruộng muối. Làm vất vả cả mùa nhưng kinh tế chẳng khá hơn được chút nào. Định đi miền Nam làm thuê nhưng con cái đang còn nhỏ, vợ lại đau ốm quanh năm nên tôi đành phải ở nhà. Nay muối bị rớt giá liên tục, gia đình tôi không biết sống thế nào nữa”.
Nghề muối thường bắt đầu vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Bình quân một năm chỉ làm được 180 ngày, những tháng còn lại, thời tiết thường âm u và có mưa, không thuận lợi cho việc làm muối nên người dân chỉ còn biết “ngồi chơi xơi nước”.
Ông Mai Danh Mạc, Chủ tịch UBND xã Hoà Lộc cho biết: “Thị trường muối năm 2010 liên tục bị rớt giá, đời sống người làm muối làng Tam Hòa gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, hợp tác xã Tam Hòa còn tồn đọng hơn 2000 tấn muối của năm 2010 chưa tiêu thu. Cứ đà này, diện tích muối của Tam Hòa sẽ thu hẹp dần, bởi nhiều gia đình không còn trụ nổi muốn bỏ nghề để chuyển sang nghề khác. Tỷ lệ người thất nghiệp ngày càng tăng cao”.
Thu Thùy - Lan Anh