Mức án nào cho 9 thiếu niên giả danh cảnh sát cướp tiền người đi đường?

Hải Hà

(Dân trí) - Ngày 7/1, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp 9 thiếu niên (đều sinh năm 2006, 2007) về hành vi cướp tài sản.

Theo cơ quan công an, các đối tượng đã giả danh cảnh sát hình sự, có hành vi chặn xe máy, hành hung người và cướp tài sản. Khi phát hiện người không đội mũ bảo hiểm, không có biển kiểm soát xe máy sẽ tổ chức chặn xe, yêu cầu kiểm tra giấy tờ, đe dọa chiếm đoạt tài sản.

Với độ tuổi thiếu niên như nhóm đối tượng này khi phạm tội danh như trên thì việc xét xử theo quy định của pháp luật như thế nào được nhiều bạn đọc quan tâm.

Mức án nào cho 9 thiếu niên giả danh cảnh sát cướp tiền người đi đường? - 1

Các đối tượng bị Công an bắt giữ (Ảnh: Công an cung cấp).

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Bộ luật hình sự tại điều 170 về Tội cưỡng đoạt tài sản quy định: "Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".

Những thiếu niên 14, 15 tuổi đã có hành vi chiếm đoạt tài sản của người đi đường với giá trị khoảng 550.000 đồng. Hành vi của nhóm đối tượng này theo thông tin ban đầu được xác định là hành vi cưỡng đoạt tài sản thuộc khoản 1, điều 170 Bộ luật hình sự. Đây là tội phạm nghiêm trọng do mức cao nhất của khung hình phạt đối với hành vi này trên ba năm tù.

Căn cứ quy định tại khoản 2 điều 12 Bộ luật hình sự quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 170 Bộ luật hình sự nên những thiếu niên này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Nếu trong quá trình điều tra có căn cứ xác định hành vi cưỡng đoạt tài sản của những thiếu niên này thuộc khoản 2 điều 170 Bộ luật hình sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản. Căn cứ xác định hành vi cưỡng đoạt tài sản của nhóm đối tượng thuộc khoản 2 điều 170 Bộ luật hình sự có thể là: Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.

Nếu đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản với lỗi cố ý, trong trường hợp không bị xử lý hình sự thì những thiếu niên này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo điểm a, khoản 1, Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt là: Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản với mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng theo điểm C, khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, còn có thể phải chịu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường ,thị trấn theo khoản 2, Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 với căn cứ: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự.