Mua sắm thiết bị y tế: Làm sao để hết cảnh "ngại mua sắm, sợ kiểm tra"?

Khả Vân

(Dân trí) - Bạn đọc cho rằng, cần thay đổi cơ chế hoặc thay đổi cách tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế để thầy thuốc yên tâm tập trung vào việc chuyên môn.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 5/2021, đại diện Bộ Y tế cho biết, một số địa phương đang có tâm lý "ngại" mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật kể cả mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch Covid-19. 

Cụ thể, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang, một trong những nghịch lý của ngành y tế hiện nay là tình trạng ách tắc trong mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật cao tại nhiều cơ sở y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thì cho hay, một số địa phương đang có tâm lý "ngại" mua máy móc, thiết bị y tế do sợ bị xử lý, kỷ luật. Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành các hướng dẫn, cơ chế mua sắm thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch Covid-19 để các địa phương sớm triển khai.

Mua sắm thiết bị y tế: Làm sao để hết cảnh ngại mua sắm, sợ kiểm tra? - 1

Mua sắm trang thiết bị y tế trong BV cần đấu thầu rộng rãi (Hình minh họa).

Còn nhớ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở nước ta, nhiều địa phương đã tiến hành mua máy xét nghiệm. Đáng tiếc, trong quá trình thực hiện, tại một số địa phương đã xảy ra tiêu cực. Một số cá nhân đã bị khởi tố như Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và 6 người khác vì gian lận khi mua sắm hệ thống Realtime PCR. Sau đó, thanh tra một số tỉnh cũng đã kết luận có vi phạm trong quá trình xây dựng, thẩm định giá... đối với các gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động.

Việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch là tất yếu, nhưng điều đáng nói ở đây là dù cùng một loại máy nhưng mỗi địa phương lại mua với một mức giá khác nhau với lý do các gói phụ kiện đi kèm càng nhiều thì giá càng cao. Và cho đến khi xảy ra vi phạm, phải khởi tố lại nảy sinh tâm lý ngại, sợ không dám mua.

Dịch Covid-19 quay trở lại với mức độ lây nhiễm cao đã đẩy nhiều cơ sở y tế Tây Nguyên vào cảnh thiếu trang thiết bị, vật tư y tế trầm trọng. Dù được cho chủ trương mua sắm mới nhưng nhiều đơn vị không dám mua mà chọn phương án đi xin, hoặc mượn trang thiết bị thay vì mua sắm mới.

Mua sắm thiết bị y tế: Làm sao để hết cảnh ngại mua sắm, sợ kiểm tra? - 2

Bị can Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội bị cáo buộc là chủ mưu vụ đội giá máy thở điều trị Covid-19 từ 2,3 tỷ đồng thành 7 tỷ đồng.

Một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, rất muốn mua vì khi có thiết bị, ngoài phục vụ bệnh nhân Covid-19, còn có thể sử dụng cho công tác chuyên môn lâu dài. Tuy nhiên, việc mua sắm phải qua nhiều quy trình, nhiều vật tư, thiết bị khan hiếm, trong khi cứu người gấp như cứu hỏa. Bên cạnh đó, việc đấu thầu mua sắm thiết bị vật tư y tế hiện nay trở thành nhạy cảm, khi một số địa phương xảy ra lùm xùm, cán bộ bị điều tra, khởi tố đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai ở rất nhiều nơi.

Tại buổi họp chiều 8/12, UB Thường vụ Quốc hội xem xét việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết việc mua sắm thiết bị y tế đợt dịch "mỗi nơi mỗi kiểu", "mua được là mua". Do vậy, ông Họa lo ngại nếu vào kiểm toán vấn đề này sẽ "không có đường ra"

Bình luận về nội dung này, bạn đọc Dân trí cho rằng: "Khi doanh nghiệp ngại, không dám tham gia đấu thầu, các bệnh viện không mặn mà mua máy móc, sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế cần có hướng dẫn rất cụ thể, nếu không thì việc đấu thầu khó có thể thành công. Nhất là khi bài học về giá mua máy xét nghiệm của các trung tâm kiểm soát dịch bệnh, mỗi nơi một kiểu giá, đã khiến dư luận xã hội bức xúc, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra… vẫn còn đó, khiến các cơ sở y tế càng rụt rè hơn", bạn đọc Văn Phúc.

Bạn đọc Nguyễn Đình Long thì cho rằng: "Sợ một cách bất hợp lý, nếu nghiên cứu kỹ nhu cầu và năng lực nhà cung cấp sau đó đấu thầu một cách minh bạch thì sao lại ngại? chỉ có những đơn vị tiêu cực trong mua sắm và năng lực yếu kém mới phản ứng như vậy, làm đàng hoàng thì giải trình được thì làm gì mà sợ".

Một ý kiến được rất nhiều bạn đọc đưa ra: "Cần thay đổi cơ chế hoặc thay đổi cách tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế để thầy thuốc yên tâm tập trung vào việc chuyên môn. Cần phải có phân cấp về quản lí kinh tế và chuyên môn chứ không thể người vừa làm chuyên môn khoa học, vừa làm kinh tế".

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Văn Tăng viết: "Sao Quốc hội, Chính phủ không cho thành lập một Trung tâm đầu thầu mua sắm thiết bị Y tế từ Trung ương rồi phân về các địa phương theo nhu cầu, vì thực ra bên y tế họ chỉ chuyên về y tế, chứ không có chuyên môn chuyên mua sắm về máy móc, thiết bị, giá cả, nếu giao cho làm lại không tránh khỏi sai sót rồi lại đưa nhau ra tòa".

"Trong lúc này cần có một sự nhanh nhạy trong kiểm tra giám sát mua sắm công, thuốc và phương tiện phục vụ chống dịch covid-19. Tôi đề nghị Bộ Y tế đứng ra làm đầu mối quản lý công việc này dựa trên yêu cầu thực tế của địa phương và có sự giám sát của MTTQ và Thanh tra Chính phủ. Không nên để địa phương tự làm", ý kiến của bạn đọc Nguyễn Phúc Lưu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm