Nghệ An:

Mua đất trúng đấu giá 15 năm không được bàn giao: Cán bộ sai phạm, dân "kêu trời"!

(Dân trí) - Theo bà Hoàng Thị Thu Trang - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nghệ An thì tổ chức cho hai bên thương lượng, thỏa thuận là phương án tối ưu nhất trong giải quyết vụ việc đã kéo dài 15 năm.

Liên quan đến việc mua đất bán đấu giá 15 năm chưa được bàn giao tài sản của bà Nguyễn Thị Lợi (khối 4, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, Nghệ An) mà Dân trí đã phản ánh, bà Hoàng Thị Thu Trang - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nghệ An đã nêu quan điểm xử lý vụ việc này.

Ưu tiên phương án tổ chức thương lượng

Năm 1998, bà Nguyễn Thị Tuyết bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 3 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và buộc phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân. Do bà Tuyết không tự nguyện thi hành án nên năm 2002, Đội thi hành án huyện Đô Lương (nay là Chi cục THADS huyện Đô Lương) đã kê biên nhà đất, bán đấu giá để đảm bảo thi hành án.

Mua tài sản bán đấu giá đã 15 năm nhưng bà Nguyễn Thị Lợi vẫn chưa được bàn giao tài sản.
Mua tài sản bán đấu giá đã 15 năm nhưng bà Nguyễn Thị Lợi vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Bà Nguyễn Thị Lợi là người mua thửa đất có diện tích 99m2, thửa 238, tờ bản đồ 9B (khối 4, thị trấn Đô Lương) mà Chi cục THADS huyện Đô Lương kê biên của gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết. Sau khi bà Lợi hoàn thành các thủ tục cần thiết, UBND huyện Đô Lương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Nguyễn Thị Lợi. Tuy nhiên, từ đó tới nay, bà Lợi vẫn chưa được bàn giao tài sản đấu giá.

Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp chỉ rõ, trong quá trình tổ chức thi hành án Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Đô Lương có nhiều sai phạm. Những sai phạm này đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của ông Nguyễn Mạnh Cường - chồng bà Tuyết, đối với thửa đất bị kê biên bán đấu giá.

Tổng cục THADS có ý kiến giữ nguyên kết quả bán đấu giá để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ 3 mua được tài sản ngay tình (bà Nguyễn Thị Lợi) đồng thời “mở hướng” giải quyết sự việc bằng cách tổ chức thương lượng giữa hai bên nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên.

Nhiều cuộc thương lượng đã được tổ chức và không đi đến sự thống nhất. Ngày 12/12/2016, Cục THADS tỉnh Nghệ An đã có văn bản, trong đó chỉ đạo Chi cục THADS huyện Đô Lương xây dựng kế hoạch, tổ chức cưỡng chế để bàn giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá (bà Nguyễn Thị Lợi). Mặc dù vậy, đến thời điểm này, bà Nguyễn Thị Lợi vẫn chưa được bàn giao tài sản.

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Thu Trang - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là một vụ việc hết sức phức tạp, kéo dài nhiều năm, do vậy cần phải cẩn trọng trong xử lý để đảm bảo quyền lợi giữa các bên.

Bà Hoàng Thị Thu Trang - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nghệ An: Đây là vụ việc phức tạp, kéo dài nên cần phải cẩn trọng trong xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.
Bà Hoàng Thị Thu Trang - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nghệ An: Đây là vụ việc phức tạp, kéo dài nên cần phải cẩn trọng trong xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.

“Cục cũng đã báo cáo sự việc với Ban chỉ đạo Thi hành án tỉnh Nghệ An. Tại cuộc họp mới đây với sự tham gia của TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh, Cục THADS tỉnh và các ngành liên quan dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án tỉnh thì quan điểm hiện nay là chưa tổ chức cưỡng chế thi hành án mà ưu tiên cho phương pháp vận động thuyết phục với sự tham gia tích cực của Cục, UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Đô Lương và các ngành liên quan”.

Theo bà Hoàng Thị Thu Trang, có nhiều cách để giữ nguyên kết quả đấu giá như tinh thần chỉ đạo của Tổng cục THADS, trong đó có cưỡng chế bàn giao tài sản. Tuy nhiên, tổ chức thương lượng là phương pháp tối ưu trong vụ việc nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên có tài sản bị kê biên bán đấu giá và bên mua được tài sản bán đấu giá cũng như đảm bảo quyền lợi của ông Nguyễn Mạnh Cường.

Trong trường hợp không tổ chức thương lượng được, Cục THADS tỉnh Nghệ An sẽ báo cáo với Tổng cục THADS và Ban chỉ đạo Thi hành án tỉnh để có phương án xử lý vụ việc.

Sẽ xử lý chấp hành viên có sai phạm

Trong văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tổng cục THADS - Bộ Tư pháp, chỉ rõ trong quá trình tổ chức thi hành án Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Đô Lương có nhiều sai phạm như: kê biên 2 căn nhà của hai vợ chồng bà Tuyết để thi hành án; không trực tiếp thông báo cho ông Nguyễn Mạnh Cường biết việc thi hành án để đảm bảo quyền lợi của ông Cường; thông báo bán đấu giá căn nhà này nhưng lại bán đấu giá căn nhà khác; thời gian từ ngày định giá đến khi bán đấu giá quá dài nhưng không định giá lại…

Trong buổi làm việc với Cục THADS tỉnh Nghệ An mới đây, bà Nguyễn Thị Lợi khẳng định: không chấp nhận bất cứ phương án thỏa thuận, thương lượng nào đối với bà Nguyễn Thị Tuyết và ông Nguyễn Mạnh Cường trong giải quyết vụ việc. Bà Lợi đề nghị Cục THADS tỉnh Nghệ An chỉ đạo Chi cục THADS huyện Đô Lương tổ chức cưỡng chế giao tài sản mua đấu giá cho bà Lợi nếu bà Tuyết và gia đình không tự nguyện giao.

Theo Luật Công chức, viên chức và Nghị định 34/2012/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức vi phạm thì không còn thời hiệu xử lý kỷ luật đối với Chấp hành viên và lãnh đạo Chi cục THAND huyện Đô Lương. Tổng cục THADS cũng đề nghị Cục THADS tỉnh Nghệ An xem xét xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với các cán bộ có sai phạm nói trên.

“Hiện vụ việc kéo dài 16 năm, thời hạn xử lý đối với cán bộ có sai phạm theo Luật Công chức viên chức và Nghị định 34 là không còn. Tuy nhiên dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước thì cán bộ có vi phạm, để xảy ra hậu quả, khi có yêu cầu của đương sự thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định Nhà nước.

Đến thời điểm này chưa có kiến nghị nào xử lý vi phạm của cán bộ mà đợi xử lý xong vụ việc sẽ xử lý. Quan điểm của Cục là sẽ kiểm điểm nghiêm túc và xử lý cán bộ vi phạm. Vụ việc đang trong quá trình giải quyết, thương lượng nên chưa cung cấp thông tin này để đảm bảo thuận lợi trong hòa giải và thương lượng”, bà Hoàng Thị Thu Trang khẳng định.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm