Một phần tượng đài nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng xuống cấp tại Bạc Liêu!
(Dân trí) - Một phần công trình tượng đài nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng (tọa lạc tại Công viên Lê Thị Riêng, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) có dấu hiệu đang bị xuống cấp, hư hỏng trông rất thảm hại.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, tượng đài nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng được xây dựng bằng chất liệu đá hoa nguyên khối, cao 8,2m (gồm bệ tượng 3m, thân tượng đài 5,2m). Ngoài ra, còn có một phần ốp chân bệ tượng cao khoảng 40cm.
Công trình tượng đài Lê Thị Riêng được khánh thành vào tháng 2/2008 nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Mậu Thân (1968 - 2008) và 40 năm ngày hy sinh của nữ anh hùng Lê Thị Riêng (1/2/1968 - 1/2/2008). Kinh phí xây dựng công trình là hơn 2,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Tượng đài nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng tọa lạc tại Công viên Lê Thị Riêng ở TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Qua quan sát của PV Dân trí, hiện nay một phần công trình với phần chân ốp bệ tượng đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng khi bị sụp, lún, bong tróc trông rất nhếch nhác, thảm hại.
Trong đó, phần ốp chân bệ bằng gạch, bê tông phía trước tượng đài và một phần ở phía sau bị bung ra tạo khe hở rộng cả tất; nhiều mảnh gạch men đã bể, sứt ra ngoài để lộ phần ruột nham nhở bên trong,…
Phần hư hỏng, xuống cấp này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sự bền vững của công trình tượng đài.
Phần chân ốp bệ tượng đang bị sụp lún, bong tróc, bung ra ngoài.
Bệ tượng có chỗ đã bị nứt, hư hỏng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân trí, hiện trạng thảm hại nói trên đã xảy ra nhiều tháng qua (từ trước ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 đã có) nhưng đến nay vẫn không có cơ quan chức năng địa phương nào quan tâm xử lý.
Một cán bộ của TP Bạc Liêu cho biết, công trình này không phải do cấp thành phố quản lý.
Các mặt bên hông và phía sau của phần chân ốp bệ tượng trông rất thảm hại. (Ảnh chụp ngày 29/8)
Nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng (SN 1925, tại xã Vĩnh Mỹ, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) thoát ly tham gia kháng chiến năm 1945. Chị là Khu ủy viên Sài gòn-Gia Định, trực tiếp chiến đấu, hoạt động trong lòng địch và là Trưởng Ban Phụ vận Khu ủy Sài Gòn-Gia Định năm 1965.
Năm 1967, trên đường công tác, chị Lê Thị Riêng bị địch phát hiện và bắt giữ. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng chị vẫn giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Ngày 1/2/1968 (nhằm mùng 2 Tết Mậu Thân 1968) kẻ địch đã thủ tiêu chị Lê Thị Riêng tại đường Hồng Bàng (thuộc quận 6, TPHCM) ngày nay.
Huỳnh Hải