Một "ô sin" Việt phải làm kiệt sức còn bị chủ đánh sưng mặt ở Saudi Arabia

"Em mệt trong người đâu ăn nổi. Một hồi ông chủ vô kéo bắt em dậy đi làm. Em nói bệnh, xin về Việt Nam, vậy là ông chủ tát tới tấp vào mặt em..."

Đó là lời kêu cứu khẩn thiết từ Saudi Arabia (Ả rập Xê út) của chị Huỳnh Ngọc Bích, sinh năm 1985, quê An Điền – An Nhứt – Long Điền – Bà Rịa - Vũng Tàu vừa gửi cho báo Lao Động. 

Đào tạo qua loa, tư vấn phiến diện

Chị Bích cho biết, chị đi xuất khẩu lao động giúp việc gia đình tại Saudi Arabia theo hợp đồng ngày 1.11.2014 với Công ty Cổ phần Quốc tế Nhật Minh, trụ sở tại số 20, An Trung, Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng. 

"Em bắt đầu ra Công ty vào ngày 30.10.2014, ngày em bay là 19.11.2014”, chị Bích kể. Trong thời gian đó, chị chỉ được đào tạo về tiếng Anh giao tiếp. Chị Bích đề nghị đào tạo tiếng Ả rập, thì Công ty cho biết không có công ty nào dạy tiếng Ả rập. Do đó, khi sang Saudi Arabia, chị Bích không thể giao tiếp được với các thành viên trong gia đình chủ.

Chị Huỳnh Ngọc Bích bị chủ đánh sưng mặt (ảnh do nhân vật cung cấp).
Chị Huỳnh Ngọc Bích bị chủ đánh sưng mặt (ảnh do nhân vật cung cấp).

Trong khi đó, theo hợp đồng giữa chị Bích với Công ty Cổ phần Quốc tế Nhật Minh, chị được tham gia khóa đào tạo nghề giúp việc thời gian 30 ngày; đào tạo tiếng Anh hoặc tiếng Ả rập trong thời gian 60 ngày; bồi dưỡng kiến thức lao động ở nước ngoài trong 15 ngày (74 tiết). 

Đặc thù của lao động giúp việc ở nước ngoài cũng không được tư vấn đầy đủ. Chị Bích cho biết chị được Công ty vẽ ra một viễn cảnh màu hồng là sẽ tích lũy được khoảng 500 triệu đồng sau thời gian lao động.

Kiệt sức và bị đánh đập

Các con của chị Bích mòn mỏi đợi mẹ về (ảnh do gia đình cung cấp).
Các con của chị Bích mòn mỏi đợi mẹ về (ảnh do gia đình cung cấp).

 

Trước khi ra đi, chị Bích chỉ được thông báo là gia đình nhà chủ mà chị phục vụ sẽ có 7 người, nhưng đến nơi mới biết họ có tới 12 người, lại có con nhỏ nên rất bừa bộn. 

“Em phải làm từ sáng 5h rưỡi đến 12h khuya mới xong. Khi mệt quá, em đi ngủ thì bà chủ lại la em và kiếm chuyện để  la em. Giờ em đã kiệt sức nhưng không dám nghỉ vì công việc chưa xong. Em hay bị chóng mặt đau đầu. Em chảy máu cam suốt 5 tháng nay. Em sợ không được về với con mình nữa”, chị Bích than thở. 

Chị Vũ Thị Tuyến, chị dâu của chị Bích cho biết vợ chồng Bích có 3 con, con đầu 12 tuổi, cháu thứ hai 9 tuổi và bé út 3 tuổi. Từ khi chị Bích đi nước ngoài, bé út thường xuyên đau ốm, phải đưa đi điều trị tại bệnh viện, tiền thuốc men không đủ. Chồng chij Bích đi xuất khẩu lao động ở Nga nhưng vướng vào đường dây lừa đảo nên sống vất vưởng và không có tiền gửi về nuôi con. Các con của hai vợ chồng đứa thì sống với ông bà ngoại, đứa thì sống với chị dâu. 

Không trụ nổi với công việc quá sức, chị Bích đề nghị Công ty cho đổi chủ, nhưng công ty nói khi nào bị đánh, bị xâm hại, hay không được trả lương thì mới được đổi chủ. 

Chị Bích xin về, ông chủ đòi 20.000 Rial (hơn 100 triệu VND). Ông chủ cho biết đó là số tiền đã nộp cho Công ty để có người lao động giúp việc. 

Ngày 25.4, chị Bích mệt nên vào nằm nghỉ, nhưng sau đó đã bị đánh đập dã man. Chị kể: “Bà chủ kêu em dậy uống thuốc rồi làm việc. Em mệt trong người đâu ăn nổi, một hồi ông chủ vô kéo bắt em dậy. Em nói bệnh, xin về Việt Nam. Vậy là ông chủ tát tới ấp vào mặt em...”. 

Sau đó, ông chủ còn lấy cái cây định đánh tiếp, nhưng con ông này can ngăn nên thôi. 

Giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể  

Ngày 24.4, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Hồng Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Nhật Minh. Ông Nhật cho biết Công ty Nhật Minh chỉ đào tạo tiếng Anh. “Còn nếu để chị Bích giao tiếp được bằng tiếng Ả rập thì phải dạy 30 năm. Nếu không giao tiếp được bằng tiếng Anh thì giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể”, ông Nhật nói. 

Về thời gian làm việc, nghỉ ngơi của lao động giúp việc, ông Nhật cho biết không qui định thời gian làm việc mà chỉ quy định thời gian nghỉ ngơi 8 tiếng liên tục/ngày. Tuy nhiên, chúng tôi xem trong hợp đồng giữa công ty với chị Bích không có nội dung này.

 

Hợp đồng xuất khẩu lao động giữa chị Bích và Công ty Nhật Minh.

Hợp đồng xuất khẩu lao động giữa chị Bích và Công ty Nhật Minh.

Ông Nhật cho biết đã nhận được phản ánh của chị Bích về việc con chị ốm, chị muốn xin về. Trong trường hợp này, chị Bích phải làm việc với ông chủ, bồi thường theo yêu cầu của chủ rồi mới được về.  

Ông Nhật cũng thông tin chị Bích có phản ánh “công việc vất vả”, chứ không “quá sức”. “Trường hợp người lao động phải làm việc quá giờ liên tục nhiều ngày thì công ty sẽ can thiệp xử lý, còn nếu chỉ quá giờ 1, 2 ngày thì cũng nên thông cảm cho chủ”, ông Nhật nói.

Theo Quang Đại

Báo Lao động