Một nguy cơ rạn nứt xã hội: Khoảng cách quá xa giữa cha mẹ và con cái
Từ câu chuyện của Thùy Linh - Vàng Anh, chúng ta còn chợt nhận ra một sự thật mà ai ai cũng biết rất rõ nhưng vẫn cố tình né tránh, đó là: Ngày hôm nay, sự biến đổi về suy nghĩ và hành động của học sinh sinh viên đã khác xa với thế hệ của cha mẹ họ.
Sự xa cách đã nguy hiểm đến mức hầu như tất cả các phụ huynh đều không thể hình dung cụ thể con cái mình đang suy nghĩ gì và đang sống thế nào khi bọn trẻ vừa ra khỏi tầm mắt của bố mẹ. Hoặc giả có người có thể biết được đôi chút nhưng cứ giả vờ như không thấy gì và âm thầm hy vọng rằng mọi sự rồi sẽ êm thấm qua đi, chẳng khác gì con đà điểu vì sợ hãi mà giấu đầu vào đống cát mong cho nguy hiểm sẽ tự nhiên biến mất.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Một đứa con đang rất ngoan trong con mắt của bố mẹ, "bỗng nhiên" đi cướp giật hoặc giết người. Một học sinh tồ tệch ngờ nghệch trong con mắt của cha mẹ, "bỗng nhiên" nghiện ma túy, chơi thuốc lắc. Một cô bé hiền lành đang êm ả sống cùng bố mẹ dưới lũy tre làng, "bỗng nhiên" trở thành gái bán dâm.
Những việc như thế bây giờ không còn là hiếm lạ với rất rất nhiều gia đình. và bao giờ thì khi sự việc vỡ lở, hầu hết các bậc phụ huynh đều rất ngỡ ngàng "không thể hiểu nổi vì sao lại ra cái nông nỗi này". Rõ ràng là đã đến lúc mà cái nguy cơ không lường trước được của giới trẻ sẽ không chỉ dừng lại ở những sự việc cá biệt đơn lẻ. Và nếu sẽ xảy ra một điều gì đó thì hầu hết người lớn đều ngơ ngác không tưởng tượng ra được, không thể phản ứng gì cả và không thể giải quyết theo chiều hướng có lợi cho con em mình.
Biết bao nhiêu gia đình nông thôn lầm lũi tối ngày trên đồng ruộng, chắt chiu từng nắm lúa củ khoai để gửi tiền lên thành phố cho đứa con sinh viên của mình. Biết bao tự hào, biết bao hy vọng chứa chất trong hình ảnh đứa con sinh viên trên thành phố. Họ có biết đâu rằng con mình đang bỏ học triền miên, đang cay cú đánh đề, đang rượu chè tối ngày, đang ăn chơi tàn phá và đang nợ nần chồng chất.
Biết bao gia đình yên tâm là con gái mình ra thành phố "làm thợ may", "đi bán hàng trong siêu thị"..v...v... Họ có biết đâu rằng địa chỉ thường trú của cô con gái yêu là các nhà nghỉ, khách sạn trên mọi miền đất nước.
Phải có đến hàng triệu gia đình Việt Nam đang ngày ngày cung phụng tiền của cho con mình đi học thêm. Thế nhưng con cái họ đến lớp học để tán chuyện, để chơi game, để dạy nhau đủ điều mới lạ trong khi thầy giáo thì đến muộn về sớm, à ơi mấy câu cho hết giờ. Để rồi đến ngày đi thi, họ "ngỡ ngàng" khi con mình được điểm rất thấp và trượt thảm hại.
Hỏi rằng có mấy bậc phụ huynh tưởng tượng được rằng cô con gái yêu của mình vẫn ngày ngày đi ngủ với bạn trai, làm các trò quái quỷ, để rồi tự quay phim chụp ảnh để mà khoe với bạn bè gần xa? Ấy vậy mà những chuyện đó đang là quá thường với không ít các cô cậu con nhà lành, ngoan ơi là ngoan trong các ngôi nhà hạnh phúc của chúng ta.
Từ câu chuyện của TL-VA có thể suy ra rằng số các bạn trẻ là con ngoan trò giỏi cũng đang hàng ngày hành động như thế không phải là quá hiếm, chưa kể là các "ngôi sao", các "người của công chúng" đang sống trong vòng vây của biết bao nhiêu là cám dỗ và âm mưu. Từ việc hồn nhiên phát tán clip sex lên mạng, có thể suy ra rằng giới trẻ đang đắm mình sống trong một thế giới ảo khác lạ, với những cách hành xử liên tục biến đổi từng ngày mà người lớn khó có thể hình dung ra được.
Một cậu học sinh chăm chỉ suốt ngày ngồi trong phòng học bài, không hề chơi bời đàn đúm. Đến giờ ăn cơm, cậu bé chui ra khỏi phòng, lễ phép chào ông bà bố mẹ trong khi tâm trí đang phiêu diêu với các dự định mới, ẩn tàng phía sau cái màn hình bé nhỏ, phẳng phiu và vô cảm kia. Cậu ta đang âm thầm tính chuyện lấy cắp hàng trăm triệu đồng trong tài khoản của một ai đó, chỉ bằng mấy động tác gõ trên bàn phím. Cậu ta đang căng đầu căng óc với các vụ mua và bán những lâu đài, những chiếc kiếm thần, những vật ảo giá nhiều triệu đô la với hàng trăm người bạn ảo, không hề biết mặt mũi ở hàng chục quốc gia xa xôi. Cậu ta đang tính chuyện delete các file trong máy để trốn tránh sự truy lùng của các nhân viên an ninh mạng. Còn ông bố bà mẹ thì lại đang hồ hởi nhồi cho con trai các đồ ăn bổ béo để nó còn học hành thi cử.
Ngay cả các bậc phụ huynh của các bạn trẻ này, họ là những người đang tích cực hoạt động xã hội, không hề ngạc nhiên gì với những mặt trái của đời sống đương thời, vậy mà đều phải vô cùng sửng sốt khi đứng trước sự thật đau xót rằng con mình đã làm những việc không thể tưởng tượng được.
Thế đấy, bây giờ việc con cái gây bất ngờ cho cha mẹ đang là một nguy cơ không phải của riêng ai, không phải của một người mà là của toàn xã hội.
Ấy là chưa kể đến các chuyện "nhỏ như con thỏ" khác nữa. Vừa mới mất mấy gần trăm triệu tổ chức cưới xin linh đình cho con, tháng sau đã thấy chúng đưa đơn ra tòa để chia tay êm ả. Chẳng có lý do gì đặc biệt, chúng con không thích sống với nhau nữa, thế thôi. Với cô dâu trẻ này thì sự việc thật giản đơn, nhưng còn bố mẹ họ thì vì chuyện này mà đã cãi nhau, xung đột căng thẳng suốt cả năm trời, cuối cùng thì họ lại cũng tức tưởi đưa nhau ra tòa để mà ly hôn.
Một bà mẹ đã đứt mạch máu não, khi bỗng nhiên nhìn thấy trên đùi non cô con gái dang tuổi học sinh của mình những hình xăm trổ kinh dị. Con thấy bạn làm thì cũng làm theo thôi mà - Cô con gái tức tưởi khóc bên giường bệnh của mẹ. Cú sốc quá lớn đối với vị phụ huynh này chính là ở chỗ bà không bao giờ có thể hiểu được con mình đang sống trong một thế giới bạn bè đã khác rất xa với thế hệ của bà.
Ở các nước Âu- Mỹ, những vấn đề như thế này đã xảy ra cả hàng thế kỷ trước rồi. Nguy cơ là có thật, như các phong trào sống theo kiểu hippy, các băng nhóm bụi đời và cả việc rủ nhau tự tử cho vui. Thế nhưng các mối hiểm nguy này khác với ở nước ta hiện nay.
Trước hết là các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên theo sát, thậm chí còn đi trước cả các sự kiện này. Người ta đã ra cả các sách báo, tạp chí dành riêng cho giới hippy, người ta còn thấy cả các cuộc diễu hành đông đảo cổ súy cho những người sành điệu. Đã có hẳn những cơn sốt thời trang dành riêng cho giới bụi đời. Mọi người đều có thể hình dung ra được giới trẻ đang sống thác loạn như thế nào và chẳng mấy ai ngạc nhiên hay quá bất ngờ, tuy rằng trong lòng không vui.
Được thỏa thuê xé quần xé áo, để tóc xõa râu dài mà nghênh ngang đi giữa chỗ đông người. Mãi rồi cũng chán, thế là giới trẻ Âu - Mỹ lại quay ra tìm những cách khác để thể hiện mình và không ít các bạn trẻ bây giờ lại là tín đồ của các phong trào bảo vệ môi trường, chống đói nghèo. Còn ở nước ta thì giới trẻ sống khác lạ ra sao, không ai nói ra cả và cũng không ai chịu nhìn thật sâu vào cả, chỉ trừ khi một sự việc vỡ lở mà thôi.
Thứ hai là, vốn có truyền thống sống theo pháp luật, các bạn trẻ Âu - Mỹ biết rất rõ rằng mình phải tự chịu trách nhiệm về những hành động và lối sống của mình trước pháp luật, nhất là khi mà đã qua tuổi 18. Còn ở Việt Nam hiện nay, đa số gia đình vẫn sổng theo kiểu 2-3 thế hệ ăn chung, sinh hoạt chung và dựa dẫm gắn bó vào nhau. Vì thế khi một bạn trẻ vấp váp thì họ ỉ ngay vào ông bà bố mẹ, họ cố gằng chối bỏ trách nhiệm và dồn lên đầu phụ huynh. Việc hành xử như vậy không phải là lỗi của các bạn trẻ mà là do đặc thù truyền thống đã sinh ra như thế và ai ai cũng làm như thế.
Con mà bỏ vợ bỏ chồng thì lại xách vali về với bố mẹ. Ông bà còn oằn lưng ra nuôi hàng chục năm trời cho cả mấy đứa cháu có bố mẹ bỏ nhau. Con cái đua xe, xài thuốc lắc thì đã có bố mẹ đứng ra cứu nạn. Thi trượt thì bố mẹ lăn lưng ra lo chạy điểm. Bố mẹ biết tất cả những việc phải làm, chỉ duy có một điều không biết, đó là không biết con cái mình đang sống thế nào, đang suy nghĩ làm sao. Chúng ta chỉ được biết khi con cái mình phải ra toà, bị truy tố hoặc bị đổ vỡ việc gì đó cần có bố mẹ giúp đỡ.
Rõ ràng đây không phải chỉ là riêng việc của lớp trẻ và không phải là chuyện riêng của bất kỳ một gia đình nào hết.
Vậy thì chúng ta sẽ có thể nói và làm những gì trước nguy cơ ngày càng xa cách, ngày càng không thể hiểu được lẫn nhau giữa các thế hệ cha mẹ và con cái của mình?
Hay là cứ tự che mắt mình lại, như con đà điểu trong sa mạc cát trắng và thầm cầu mong cho mọi sự rồi sẽ yên ổn qua đi?
Phạm Hoàng Hải
LTS Dân trí - Thực tiễn đời sống hôm nay cho thấy khoảng cách giữa thế hệ cha mẹ và con cái là có thật, một mặt cho thấy sự tiến bộ của thế hệ trẻ, có vốn kiến thức rộng hơn và sâu hơn bố mẹ, do được học tập và được tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn (đặc biệt là Internet), nhưng mặt khác là những ảnh hưởng xấu của những trang Web đen, những đĩa CD nhập lậu đồi trụy và lối sống buông thả du nhập từ bên ngoài vào.
Làm cha mẹ, muốn giáo dục, hướng dẫn con cái có hiệu quả thì bản thân mình phải gương mẫu trong cuộc sống, phải không ngừng học hỏi, cũng phải biết sử dụng Internet và dành thời gian trao đổi tâm tình với con em mình để biết nó đang suy nghĩ gì, định học gì, làm gì, đúng thì khuyến khích, không đúng thì liệu lời khuyên bảo. Chỉ có như vậy mới thu hẹp được khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
Không để cho con cái ngụp lặn một mình trong "thế giới ảo", còn bố mẹ thì cứ khư khư ôm lấy quan niệm cũ suốt đời "bao cấp" cho con cái mà vẫn bị chúng nó oán trách.
Biết nuôi dạy con cái nên người chính là biết tạo dựng cho chúng sớm có tinh thần tự lập, không ỷ lại vào bố mẹ, tự tin ở ý chí và nghị lực phấn đấu. để tự tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình và cho gia đình.