Một ngày ở làng nghề “đan guột”

Làng nghề “đan guột” là tên gọi nôm na chỉ làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, nơi nổi tiếng với ghề đan cỏ guột thành những sản phẩm mĩ nghệ độc đáo.

 

1. Giữa trăm nghề, chọn nghề… đan cỏ

 

Dọc theo quốc lộ 21B chừng 30 km, chúng tôi đặt chân đến làng Giầu Tế (nay là làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Con đường làng san sát hai bên với những mái nhà ngói, nhà trần cao ráo, khang trang. Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe đạp, xe máy, ô tô lại lượn qua lượn lại chở những gánh hàng thủ công mỹ nghệ. Cảnh tượng thật yên bình.

 

Chúng tôi rẽ vào một hộ gia đình ở cuối làng. Chủ nhà là đôi vợ chồng còn khá trẻ. Anh tên là Mùa, chị tên là Sáu. Anh Mùa đang tất bật phơi những cuộn guột trên nóc mái bờlô, còn chị Sáu say sưa đan những đường viền cuối cùng của một bình hoa làm từ những sợi guột mềm và óng mượt. Thấy có khách, chị Sáu xởi lởi đi pha ấm trà, rồi lại tiếp tục ngồi đan. Chị bắt chuyện bằng câu nói nhẹ nhàng, hóm hỉnh pha chút thỏa mãn “Nhà chị đã làm cái nghề này được 16 năm rồi đấy!”. Nhìn kỹ khuôn mặt chị, chúng tôi mới hiểu ẩn ý từ câu nói, 16 năm không phải là quãng thời gian dài của một đời người, nhưng có lẽ chừng ấy đủ để gia đình chị hiểu hơn về cái nghề đã chọn.                      

Theo lời chị Sáu kể, Guột (có tên gọi khác là cỏ tế) là một loại cỏ mọc chủ yếu ở các khu rừng miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra. Với dân làng Lưu Thượng, thứ cỏ guột được chọn có xuất xứ từ các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… vì nó có chất lượng tốt hơn so với các vùng khác. Ông Nguyễn Văn Viễn, trưởng thôn Lưu Thượng cho biết thêm, nghề đan guột của làng đã có từ năm 1626 (tức thế kỷ 17) do cụ Nguyễn Thảo Lâm sáng tạo rồi truyền dạy cho dân làng. Để ghi nhớ công đức, dân làng Lưu Thượng đã lập miếu thờ, tôn cụ Nguyễn Thảo Lâm làm ông tổ nghề và hàng năm vào ngày 16/10 âm lịch vẫn tổ chức giỗ tổ nghề.

Các sản phẩm làm từ guột  rất đa dạng, phong phú, có thể kể đến như: Rổ, rá, cặp... cho đến giường, tủ, bàn ghế.... hay các vật phẩm có giá trị nghệ thuật như khung ảnh, lọ hoa, con giống... Tuy vậy, theo người dân Lưu Thượng, một sản phẩm mĩ nghệ hoàn chỉnh đòi hỏi phải trải qua rất nhiều công đoạn như từ khâu chọn guột, đến bóc vỏ, phơi, tiến hành đan, rồi sấy diêm sinh, phết keo và cuối cùng bôi dầu bóng.

 

2. Từ cỏ đến mặt hàng xuất khẩu

Theo thống kê, làng Lưu Thượng hiện có 350/350 hộ gia đình làm nghề đan guột. Mỗi hộ được phân công làm các sản phẩm khác nhau, với mẫu mã phong phú. Một điều đáng trân trọng là việc truyền dạy nghề luôn được dân làng quan tâm. Chị Nhan - anh Trực, một hộ gia đình từng găn bó lâu năm với nghề, chia sẻ: “Kinh nghiệm giữ nghề của dân làng tôi là lớp trước dạy lớp sau, người già dạy người trẻ, vợ dạy chồng, bố mẹ dạy con cái, anh dạy em… Ai ai cũng đều biết và làm nghề này”.

Rời làng, vừa đi tôi vừa ngâm nga mấy câu ca dao cổ, tựa như những người Lưu Thượng lạc quan và yêu nghề:

“Hỡi ai đi ngược về xuôi

Có về Giầu Tế với tôi thì về

Giầu Tế có cây bồ đề

Có ao  tắm mát, có ghề đi buôn” (buôn guột)
 
Một ngày ở làng nghề “đan guột” - 1


Một ngày ở làng nghề “đan guột” - 2


Một ngày ở làng nghề “đan guột” - 3


Một ngày ở làng nghề “đan guột” - 4


Một ngày ở làng nghề “đan guột” - 5

Những sản phẩm mỹ nghệ hoàn chỉnh từ cỏ guột được làm dưới bàn tay khéo léo của dân làng Lưu Thượng.

 

Tiến Thành - Lan Anh