Một môi trường có tính văn hóa mà thiếu văn hóa!

Là một giáo viên, đọc bài bài viết “Tôi đi họp phụ huynh” của tác giả Trần Huy Thuận trên “Diễn đàn Dân trí”, tôi rất buồn và có những điều trăn trở muốn được giãi bày suy nghĩ của mình.

Bài viết nói trên đã tường thuật lại khá cụ thể về nội dung, diễn biến của một cuộc họp phụ huynh mà tác giả trực tiếp tham gia. Là một giáo viên, đã từng làm công tác chủ nhiệm và đã nhiều lần điều hành họp phụ huynh, chúng tôi thừa nhận rằng những điều tác giả kể là có thật, và không phải là hiện tượng cá biệt. Đó là một điều rất đáng buồn, và với tư cách là giáo viên, chúng tôi cảm thấy xấu hổ trước những biểu hiện không lấy gì làm đẹp ấy của đồng nghiệp và mong tác giả cùng phụ huynh lượng thứ cho. 

Trước hết là hành vi nói năng, ứng xử thiếu lễ phép, thiếu tôn trọng phụ huynh, thiếu tôn trọng người lớn tuổi của cô giáo nọ, một điều đáng ra không nên có ở một nhà giáo, trong một môi trường có tính văn hóa là nhà trường. Dường như ở nhà giáo này vẫn tồn tại ngộ nhận rất đáng phê phán về “uy quyền” của người thầy, về cách ứng xử quan liêu, “bề trên”, chưa thực sự thấm nhuần quan điểm “lấy dân làm gốc” của một cán bộ cách mạng, chưa thực sự quý trọng nhân dân.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Không biết những GV như thế khi đứng trên bục giảng sẽ nói với học sinh (HS) như thế nào về đạo đức cách mạng, về văn hóa ứng xử, về cuộc vận động “Mỗi nhà giáo là một tấm gương đạo đức…”. Đây là một điều rất đáng buồn, thậm chí là một nguy cơ của giáo dục mà người xưa đã đúc kết : “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Phải chăng đó là một tín hiệu, một sự cảnh báo cho sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận nhà giáo.

Bài viết của tác giả cũng đề cập một vấn đề có tính thời sự nóng hổi, gây nhức nhối trong dư luận, đó là tình trạng các trường tìm cách để ép buộc phụ huynh nộp các khoản tiền trái quy định nấp dưới danh nghĩa “tự nguyện”. Mặc dù nhà nước và các cấp quản lý giáo dục liên tục khẳng định cấm các trường ép buộc phụ huynh nộp các khoản tiền trái quy định nhưng các trường vẫn tìm “trăm phương ngàn kế” để thực hiện mục đích của mình.

Họ lợi dụng tâm lý “qua sông lụy đò”, ngại va chạm, sợ con em bị trù dập (bị ghi vào “sổ đen”) và chiêu bài “thiểu số phục tùng đa số” để ép phụ huynh vào tình thế “không muốn cũng không được” và đành tặc lưỡi “thôi chịu khó nộp cho xong chuyện”. Diễn biến cuộc họp phụ huynh trong bài viết nói trên là một “kịch bản” được áp dụng rất phổ biến.

Thế là các hành vi trái pháp luật và phản giáo dục, thậm chí là phi nhân đạo đã được hợp thức hóa; lại thêm gánh nặng chất lên vai những phụ huynh nghèo, bớt đi tấm áo, cuốn sách của các em nhỏ. Cách ứng xử ấy thật không đáng tồn tại ở một môi trường giáo dục, có tính văn hóa là nhà trường, cái nôi ươm mầm trí tuệ, nhân cách của thế hệ tương lai đất nước.

Làm sao để nhà trường trở thành một môi trường văn hóa, thực sự thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, trong đó các tiêu chuẩn công bằng, dân chủ, văn minh được hiện thực hóa, giành được niềm tin của nhân dân và HS đang là một vấn đề còn bỏ ngỏ. 

Liên quan đến vấn đề này, trong “Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh” của Bộ GD-ĐT (ban hành ngày 28/3/2008) quy định rõ: “Cha mẹ học sinh (…) có quyền từ chối mọi khoản đóng góp khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường yêu cầu nếu không bảo đảm nguyên tắc tự nguyện” (Điều 9-Quyền của cha mẹ HS). Điều đáng nói nữa là bản Điều lệ này đã ban hành hơn nửa năm, nhưng đến nay nhiều vị trưởng Ban đại diện cha mẹ HS vẫn chưa biết “đầu cua tai nheo” ra sao, thậm chí là chưa hề biết đã có một văn bản như vậy. 

Như vậy, việc nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS đề ra các khoản thu ngoài quy định nhưng lại đề ra mức cụ thể là trái với nguyên tắc tự nguyện nên phụ huynh hoàn toàn có quyền từ chối. Và nếu phụ huynh không nộp các khoản tiền ấy thì nhà trường, GV chủ nhiệm và đại diện ban cha mẹ HS cũng không được phép có bất cứ lời nói hay hành vi có ảnh hưởng không tốt đến việc học tập và rèn luyện của con em họ.

Đối với nhà trường và GV, hành vi trù dập HS là rất đáng xấu hổ, cần bị lên án mạnh mẽ và cần được xử lý nghiêm để phụ huynh hoàn toàn yên tâm, tin tưởng khi cho con đến trường. 

Ở nhiều địa phương, các cấp quản lý giáo dục có thái độ rất kiên quyết đối với những hành vi “loạn thu, lạm thu” của các trường (phải nói chính xác là do Hiệu trưởng các trường đề xướng). Ở Hà Tĩnh, chỉ cần biết thông tin ở trường nào có hành vi này, Giám đốc Sở GD-ĐT kiên quyết buộc trả lại cho phụ huynh, có trường hợp còn buộc nhà trường phải xin lỗi phụ huynh. Nếu địa phương nào cũng có quan điểm và hành động tương tự thì hiện tượng ép phụ huynh để thu tiền sẽ nhanh chóng chấm dứt. Tuy nhiên, vẫn có những địa phương chưa thực sự quyết liệt, khi phát hiện sai phạm thì xử lý chậm và chưa triệt để, vì vậy tình trạng trên cứ diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.                  

Thực ra, việc nhà nước cấm thu tiền xây dựng trường cũng đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho một số trường. Bởi vì nhiều trường đã vay trước hàng trăm triệu đồng, có trường vay hàng tỷ đồng để xây dựng trường rồi dự trù sẽ có khoản tiền xây dựng trường thu từ phụ huynh để bù vào, nhưng nay không được thu nữa nên các trường lâm vào cảnh nợ nần, trong khi ngân sách nhà nước cấp chưa đủ, chưa kịp thời.

Đối với các trường này, đề nghị chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục các địa phương yêu cầu các trường lập tờ trình, tổ chức kiểm tra và có kế hoạch cấp bù ngân sách cho các hạng mục xây dựng thiết yếu đầy đủ và kịp thời, nếu khó khăn thì có phương án xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Đối với một số trường quá khó khăn cần huy động đóng góp từ phụ huynh thì phải triệt để tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, nghĩa là tùy theo hoàn cảnh của phụ huynh, không được nêu ra một mức cụ thể, chung cho mọi phụ huynh. 

Quả thật chúng tôi cũng cảm thấy mệt mỏi khi nói về vấn đề này, và điều mong mỏi của chúng tôi là ngành giáo dục sớm có một cơ chế thu chi minh bạch, được xây dựng thành văn bản pháp quy và được chấp hành triệt để trên cơ sở những thống kê và dự trù chính xác. Nếu các trường, GV và phụ huynh cứ mãi luẩn quẩn, “lăn tăn” với vấn đề thu chi, tiền bạc, cứ mãi mất thì giờ, công sức vào những chuyện không đáng như thế thì không biết bao giờ giáo dục mới “cất cánh” được.   

Một môi trường văn hóa thì cái gốc phải là đúng pháp luật và thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn. Hình như giáo dục của chúng ta có một thời tốt hơn bây giờ, ít ra là về phương diện xây dựng môi trường văn hóa, về tiêu chí thân thiện. Bao giờ cho đến…ngày xưa?

Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú - huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh.


LTS Dân trí - Một nhà giáo đã đóng góp những ý kiến phân tích sâu sắc và tâm huyết về môi trường vốn mang tính văn hóa của nhà trường đã bộc lộ những hiện tượng phản văn hóa qua một cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học được phản ánh trên Diễn đàn Dân trí.

Lẽ ra những hành vi có tính giáo dục, có ý nghĩa nhân văn phải được quán xuyến và thể hiện thành hành động của mọi giáo viên không chỉ khi lên lớp, mà còn đáng quan tâm hơn nữa trong cuộc họp phụ huynh học sinh vào đầu năm học, để tạo ra ấn tượng tốt đẹp, làm cơ sở ban đầu cho mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường và gia đình vì mục tiêu nâng cao hiệu quả giáo dục. Nhưng rất đáng tiếc là trong cuộc họp có ý nghĩa quan trọng như thế đã để lộ ra những “lỗ hổng văn hóa” thể hiện trong cách ứng xử của giáo viên chủ trì cuộc họp cũng như những khoản thu không đúng với quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo.

Những thầy giáo chân chính đều có nguyện vọng thiết tha như tác giả bài viết này: “Làm sao để nhà trường trở thành một môi trường văn hóa, thực sự thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, trong đó các tiêu chuẩn công bằng, dân chủ, văn minh được hiện thực hóa”; đến khi đó, chắc chắn không còn tái diễn cái cảnh đáng buồn như cuộc họp phụ huynh đầu năm được phản ảnh trên Diễn đàn Dân trí.