Một hộ dân bị lấn chiếm đất 30 năm, tỉnh bảo không, Bộ TNMT bảo... có!
(Dân trí) - Một cụ bà gần 30 năm “đội đơn” đi đòi phần đất của gia đình bị lấn chiếm, dù được cơ quan chức năng trả lời việc khiếu nại của bà là đúng, nhưng lại đề nghị hợp thức hóa cho người làm sai, hỗ trợ số tiền bèo bọt cho người bị xâm hại.
Chính quyền kết luận chồng chéo, người dân “dài cổ” chờ quyền lợi
Trong đơn kêu cứu gửi báo điện tử Dân trí, bà Nguyễn Thị Thư, 76 tuổi ngụ tại tổ 27B, Phường Tiên Cát, TP. Việt Trì - Phú Thọ trình bày, năm 1983, gia đình bà Thư bị hộ gia đình ông Phạm Văn Chung, là hàng xóm liền kề xây dựng nhà lấn chiếm sang phần đất của bà. Từ đó đến nay, bà Thư đã làm đơn khiếu nại gửi chính quyền các cấp tỉnh Vĩnh Phú (cũ), UBND tỉnh Phú Thọ, Bộ Tài nguyên & Môi trường. Đơn cũng được công dân gửi lên đến Thủ tướng Chính phủ nhưng sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Liên quan đến việc khiếu nại của bà Thư, trong hàng loạt văn bản giải quyết của chính quyền địa phương tỉnh Vĩnh Phú (cũ) và Phú Thọ hiện nay đều khẳng định việc gia đình bà Nguyễn Thị Thư bị lấn chiếm đất là có thật nhưng con số mỗi lúc một khác và “đá” nhau liên tục về cách giải quyết.
Kết luận số 200 ngày 4/12/1991 của thanh tra tỉnh Vĩnh Phú kết luận ông Chung đã sử dụng sang quỹ đất nhà bà Thư 49,55m2 nhưng lại kiến nghị bù trừ diện dích của gia đình bà Thư cho ông Chung một nửa.
Văn bản số 177 ngày 20/10/2000 của Viện KSND TP Việt Trì lại đưa ra con số gia đình bà Thư bị lấn chiếm là 31,59m2 và cơ quan này đã kiến nghị gia đình ông Chung phải trả lại phần đất để lấn chiếm nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế. Trên cơ sở kiến nghị này, ngày 25/5/2001, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có công văn số 916 yêu cầu TP Việt Trì ban hành quyết định giải quyết tranh chấp.
Do hộ ông Chung không đồng ý, Thanh tra TP Việt Trì đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành để giải quyết vụ việc và kết luận số 4085 ngày 5/1/2002 cho rằng hộ bà Thư không đủ điều kiện giải quyết vì đã hết thời hiệu khiếu nại.
Tháng 6/2005, UBND tỉnh Phú Thọ có công văn yêu cầu TP Việt Trì giải quyết vụ việc theo tinh thần công văn số 916. Nhưng 5 tháng sau đó, UBND tỉnh Phú Thọ lại có công văn gửi Sở TM&MT cho rằng đây là vụ việc phức tạp cần xin ý kiến của Bộ TN&MT.
Từ năm 2005 đến 2010, do các văn bản giải quyết của UBND tỉnh Phú Thọ không rõ ràng nên bà Nguyễn Thị Thư đã gửi đơn vượt cấp lên các cơ quan Trung ương. Cuối năm 2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có văn bản yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ kiểm tra, giải quyết dứt điểm vì đây là vụ khiếu nại tố cáo tồn đọng, bức xúc kéo dài.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 28/3/2011, Bộ TN&MT có văn bản số 977 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho rằng hộ gia đình ông Chung đã lấn chiếm của bà Thư 10m2 đất. Nhưng ngay sau đó, ngày 6/4/2011, UBND tỉnh Phú Thọ lại có văn bản số 988 đề nghị Thủ tướng không xem xét giải quyết khiếu nại của bà Thư bởi lý do hết thời hiệu và không đủ cơ sở để kết luận hộ gia đình bà bị lấn chiếm đất.
Bộ TN&MT “tuýt còi” nhiều kết luận sai bản chất của UBND tỉnh Phú Thọ
Tuy nhiên, trong văn bản số 4261/BTNMT-TTr báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 15/11/2011, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã bác bỏ ý kiến của UBND tỉnh tại văn bản số 988 bởi các lý do: “Năm 1991, UBND TP Việt Trì đã cắm mốc phân định ranh giới giữa nhà ông Chung và bà Thư nhưng cả hai bên không nhất trí với cách cắm mốc này nên không tham dự và tiếp tục khiếu nại. Cũng vào thời thời điểm này, chính quyền địa phương tự cắm mốc khi không được sự đồng thuận của hai bên là “không đúng với hình dáng, kích thước và diện tích thửa đất được xác định trong các văn bản giải quyết của UBND TP Việt Trì” - văn bản của Bộ TN&MT khẳng định.
Bên cạnh đó, từ năm 1991, bà Thư xây một bức tường rào với mục đích giữ đất ngăn không cho hộ gia đình ông Chung tiếp tục lấn chiếm trong khi vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và bà Thư vẫn liên tục khiếu nại . “Việc UBND tỉnh Phú Thọ cho rằng bà Thư xây tường rào làm ranh giới giữa hai hộ là đồng ý với cách giải quyết của địa phương, đến năm 1997 mới khiếu nại là chưa đúng với diễn biến của sự việc” - kết luận của Bộ TN&MT.
Theo đó, Bộ TN&MT cũng khẳng định, căn cứ vào các văn bản giải quyết của các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cũng như đo đạc trên thực tế xác định, ông Chung lấn chiếm 10m2 đất của bà Thư là có cơ sở.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà Bộ TN&MT lại đưa ra cách giải quyết rất “trái khoáy” khi đề nghị “giữ nguyên hiện trạng đất của hai bên và đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ hỗ trợ cho gia đình bà Thư số tiền tương ứng giá trị 10m2 giá đất do địa phương ban hành”.
Bà Nguyễn Thị Thư bất bình: “Cơ quan nhà nước cấp sổ đỏ lấn đất của người khác rồi lại đề nghị hỗ trợ cho người bị lấn để hợp thức hóa hành vi sai trái thì có công bằng hay không? Tôi bắt đầu đi khiếu nại khi vừa mới có con nhưng đến giờ thì đã có cháu có chắt. Là người dân thường chỉ biết chạy chợ nhưng tôi nhận thức rõ lấn chiếm đất đai là hành vi nghiêm cấm tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật đất đai năm 1987, năm 1993 và 2003. Tôi hy vọng với sự chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ mới đây về giải giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện kéo dài thì sẽ không còn những trường hợp đi kiện hàng chục năm trời như tôi”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Quốc Cường - Anh Thế