Ngày Quốc tế Nelson Mandela 18/7:
Mỗi người đều có khả năng làm thay đổi thế giới!
(Dân trí) - Năm 2009 Liên hợp quốc tuyên bố 18/7 là Ngày Quốc tế Nelson Mandela, nhằm ghi nhận và vinh danh 67 năm ông đã phục vụ nhân loại và đấu tranh cho tự do và chính nghĩa. Năm nay VN cùng nhiều nước trên thế giới tổ chức nhiều hoạt động nhân sự kiện này.
Biểu tượng Đấu tranh
18/7 năm nay cũng là dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 93 của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandeal.
Những thông tin thời sự quốc tế về biểu tượng Đấu tranh của Lục địa Đen lại đưa dòng hồi tưởng của tôi trở về với thời của một trong những tiểu thuyết dịch được rất nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ “một thời đạn bom, một thời hòa bình” chúng tôi gối đầu giường, bên cạnh những Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina…
Đó là cuốn Hãy để ngày ấy lụi tàn (Let the day perish) của tác giả Gerald Gordon viết năm 1952 về nạn phân biệt chủng tộc (Apathied) ở Nam Phi. Câu chuyện tình đầy máu và nước mắt của cô gái da đen xinh đẹp Marry với người lính Anh Geogio cùng thế hệ con lai thứ hai của họ cứ ám ảnh tâm trí nữ sinh của tôi mãi với tiếng thét đầy đau thương và phẫn nộ: cầu cho chế độ Apathied bị xóa bỏ vĩnh viễn và biến mất cùng tro bụi thời gian.
Cô bạn da màu đầu tiên của tôi là Tabitha, người Kenya, sống cùng phòng với tôi trong ký túc xá Học viện Nông nghiệp Kiev những năm đầu đại học. Chúng tôi đã có những ngày say sưa bàn luận với nhau (bằng tiếng Nga) cảm tượng sâu đậm của mình với hai thần tượng đấu tranh vì độc lập tự do. Một là Chủ tịch Hồ Chí Minh và người kia là Nelson Mandela (khi đó vẫn ở trong tù).
Nhưng phải mãi khá lâu sau, tôi mới có dịp chia sẻ những giọt nước mắt mừng vui vào cái ngày thần tượng của Lục địa Đen được ra khỏi trại giam. Tiếp đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến khi người anh hùng từ nhà tù tiến thẳng lên đỉnh vinh quang – trở thành Tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu năm 1994.
Tiếc là khi ấy tôi và Tabitha đã đứt liên lạc từ lâu, thay vào đó tôi có những người bạn mới học cùng khóa báo chí đến từ các nước châu Phi khác. Nhớ mãi tiếng hô vang dội được điểm nhịp bằng những hồi trốn vỗ tay dồn dập, hòa trong những điệu nhảy cuồng nhiệt đậm chất hoang dã của nhóm bạn da màu: “Long live Nelson Mandela! Long live Nelson Mandela!” (Nelson Mandela muôn năm!)…
Biểu tượng Hòa bình
Trong dòng thời sự quốc tế mà mình theo dõi thường ngày sau đó, tôi luôn chú ý tới những thông tin liên quan tới ưu tiên được ông Mandela đưa lên hàng đầu trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của mình từ năm 1994-1999. Đó là vấn đề hòa giải dân tộc.
Mandela rất xứng đáng là một biểu tượng hòa bình, khi ông được trao hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, bao gồm cả giải thưởng rất danh giá Nobel Hòa bình năm 1993.
Trong thời bình, hình ảnh về biểu tượng hòa bình Nelson Mandela càng thân thiết và gắn bó hơn, bởi sức thuyết phục cũng như tầm ảnh hưởng lớn từ chính cuộc đời đấu tranh sôi động, lối sống giản dị luôn hòa mình trong quần chúng nhân dân của ông kể cả khi giữ vị thế Tổng thống, cũng như sau khi ông đã tuyên bố nghỉ hưu năm 2004 và lui về sống tại khu ngoại ô Houghton của thành phố Johannesburg.
Tháng trước tôi vừa xem qua kênh HBO bộ phim về Mandela. Diễn viên thủ vai ông quả là rất xuất sắc. Có cảm giác như đó chính là con người thật, cuộc đời thật của Nelson đang hiển hiện ngay trước mắt người xem. Với mỗi ngày sống, mỗi hoạt động của ông đều vừa gần gũi, dung dị, vừa thể hiện cái thần, cái chất ưu tú của một vị lãnh tụ tài ba, tinh hoa dân tộc.
Mở đầu cho chuỗi hoạt động sôi nổi nhân dịp này, hôm 5/7 tại Hà Nội, Liên hợp quốc, Đại sứ quán Nam Phi, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã phối hợp phát động phong trào hành động kỷ niệm Ngày Quốc tế Nelson Mandela với chủ đề “Hãy hành động, cổ vũ sự thay đổi, biến mỗi ngày là một Ngày Mandela”.
Khánh Tùng