“Mổ xẻ” nguyên nhân liên quan đến chất lượng giáo viên

(Dân trí) - Rất nhiều lý do đã được chính những người trong cuộc đưa ra khi nói về nguyên nhân liên quan đến chất lượng giáo viên hiện nay, trong đó được đề cập đến nhiều nhất vẫn là chính sách đãi ngộ.

Cho dù biết rằng hình ảnh người Thầy, người Cô luôn luôn cao quý và đáng kính trong mắt xã hội nói chung và học trò nói riêng, nhưng đã có không ít người phải gạt bỏ sự hãnh diện đó sang một bên để chua chát nói rằng “có thực mới vực được đạo”, sống trong thời buổi hiện nay nếu không được đảm bảo kinh tế thì dù là người tâm huyết và yêu nghề cũng phải buông xuôi.

 

Hoàng Hưng: hungktvk@gmail.com 

Dù ở thời điểm nào thì tôi thấy xe chỉ có thể chạy khi đã được đổ đủ xăng. Lòng yêu nghề, tâm huyết hay gì gì đó cũng không thể đổi thành xăng cho xe chạy, cho vào phong bì để đi mừng ... và nhất là cũng không làm no bụng được. Như thế hệ trẻ bây giờ gọi là " sống bằng niềm tin". Hãy so sánh sự cống hiến của các thầy cô với những người làm trong nghề khác, rồi so sánh lại thu nhập của họ sẽ thấy họ được đề cao và coi trọng như thế nào. Đành rằng làm nghề gì cũng đòi hỏi phải có LƯƠNG TÂM nhưng LƯƠNG như thế thì e rằng ... Có phải chúng ta đã đòi hỏi cao quá với những người thày, cô đáng kính không?”

 

Trung: dangtrung76@gmail.com.vn

 

“Tôi cũng là một giáo viên đang dạy ở trường chuyên nghiệp, tôi nhận thấy có rất nhiều điều mà xã hội ta đặc biệt là chưa có cơ chế nào để khắc phục nhằm nâng tầm giáo dục. GS Ngô Bảo Châu chỉ là số rất ít của sản phẩm giáo dục mà phần nhiều do ảnh hưởng giáo dục các nước hiện đại.

 

Nói về yêu nghề thật khó vì XH có quá nhiều điều làm cho giới trẻ (giáo viên trẻ) lệch lạc về nghề và về cách kiếm tiền. XH có một số hiện tượng tham ô, tham nhũng, ăn đút lót, nhận hối lộ thì làm sao mà một số giáo viên lại bỏ qua được cơ hội này nhằm cải thiện tình hình kinh tế. Điểm chỉ là vô hình, trong khi cơ chế các trường thì giáo viên vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa làm huấn luyện viên vừa kiêm nhặt bóng - làm chương trình - dạy - chấm thi - ra đề thi - chấm thi lần 2 - dạy học lại- (thật là khép kín).

 

Bên cạnh đó công tác quản lý chuyên môn quá lỏng lẻo, chẳng tội gì phải làm cho mệt thân + va chạm = bị ghét khó lên chức + bình bầu trượt + sinh viên ghét + tẩy chay, nói xấu sau lưng. Các cấp lãnh đạo ở cấp thấp thì thường "nói một đằng làm một nẻo" + vơ vén cho bản thân và con cháu.

 

Quy mô đào tạo thì tăng nhận người để kiếm tiền,  nhận "cám ơn" và cho một số kẻ cò mồi hét mức giá vào biên chế có khi lên tới cả trăm triệu. Chất lượng đầu vào quá thấp (10 điểm kể cả điểm ưu tiên) nên nhiều khi dạy cho hết giờ vì các em sinh viên thân yêu chỉ có nghe nhạc, nhắn tin, bảo gì làm nấy, ngắm trần nhà và ngủ trong lớp...Do đó nói mãi lại bực.

 

Nói về thu nhập quả là bèo bọt thì ai cũng hiểu. Muốn có thu nhập tốt phải dạy thêm, ngày dạy có khi đến 18 tiết lý thuyết thì làm gì có chất lượng. Nên có một chuyện... vui là "chồng cứ tưởng lấy vợ giáo viên là nhàn, nhưng đi làm thời gian nhiều hơn cả công nhân may".

 

Nói vậy cho "vui" nhưng thực 100%. Viết ra những dòng này nhưng họp lãnh đạo hay ở một cuộc hội thảo nào đó ai đâu dám nói, đây là một cách giảm căng thẳng mà.

 

Đừng buồn nhiều anh chị nhé - HÃY CỐ LÊN.”   
 
“Mổ xẻ” nguyên nhân liên quan đến chất lượng giáo viên - 1

Học sinh thế này là một trong những nguyên nhân khiến Thầy, Cô "nản" dẫn đến chất lượng giảng dạy không như mong đợi (haydanhthoigian.wordpress.com)

 

thuy nguyen thu: thuyST@gmail.com

 

Tỷ lệ "chọi" cao không đồng nghĩa với chất lượng cao. Hãy chú ý hơn tới điểm chuẩn vào các trường ĐH, cao đẳng sư phạm khi đánh giá chất lượng các giáo viên tương lai. Chẳng phải đã từng có câu: "Chuột chạy cùng sào mới vào SP"?

 

Hoa Xuân An:chau.Wedico@gmail.com

 

“Nói gì cũng phải theo câu "Có thực mới vực được đạo" nếu cứ nói suông thì không giải quyết được gì.

 

Cụ thể : Kêu gọi giáo dục phải nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà giáo phải nâng cao trình độ. Nhưng thực tế nhà giáo tự bỏ tiền đi học nâng cao bằng này cấp nọ, nhưng lương thì họ dù có bằng đại học hiện nay mà vẫn chỉ hưởng lương bằng trung cấp. Thử hỏi cứ như thế thì giáo dục sẽ đi đâu.

 

Nhà nước và nhất là những nhà lãnh đạo của ngành giáo dục hãy bảo vệ nhà giáo bằng chính những gì mà họ làm. Họ học nâng cao trình độ thì hãy đề nghị xếp lương về đúng bậc học. Dù chưa nâng cao được đời sống bằng các nghề khác thì họ cũng thấy được an ủi. Đừng nói nhiều, bình luận lắm làm gì nữa. Hàng ngàn, hàng vạn nhà giáo bị thiệt thòi vì sự trả lương như vậy đấy”. 

 

Tran Bao Ly: lamxung70@gmail.com.

 

Bản thân tôi đến với nghề giáo bằng cả một tâm huyết và bằng cả nghị lực. Bây giờ sau 20 năm làm giáo viên, tôi thật sự đắng lòng. Phụ huynh và học sinh thì có cách hành xử xô bồ, họ đánh đồng tất cả giáo viên như nhau, coi thường tất cả. Chưa nói "tai họa" gần như lúc nào cũng rình rập ngay trên bục giảng: một lời nói hớ, một câu mắng mỏ học sinh hư, một chút sơ sẩy nào đó thì một giáo viên bỗng thành... tội đồ ngay”.

 

Duy Phương: duyquymonitor@yahoo.com.

 

"Hữu xạ tự nhiên hương". Cái gì cũng vậy thôi, khi đa phần người trong nghề không mặn mà gì với nghề nghiệp của mình, khi xã hội nhìn nghề dạy học như một thứ gì đó nghèo nghèo, khổ khổ, đạm bạc, giờ có ai theo ngành sư phạm thì được gọi là hâm. Quả đúng như vậy vì chính những người thầy cũng không bao giờ cho con em mình theo nghề giáo”.

 

Hoang hau: hoanghaudoson84@gmail.com.

 

Nếu các bạn có thời gian theo dõi các lớp học, các bạn sẽ thấy đa số thái độ học tập của học sinh còn rất hững hờ và lạnh nhạt, chúng coi đó như là một điều áp đặt buộc chúng phải học. Chúng không có hứng thú, không có niềm đam mê học tập. Đứng trước tình huống đó tôi tự đặt ra câu hỏi: Lỗi này tại ai đây?. Phải chăng chính chúng ta -những người làm nhiệm vụ "trồng người" phải đi tìm câu trả lời khơi dậy niềm đam mê học cho các cháu? 

 

Lê Hoàng: công_sao_khong_the_co_don@yahoo.com.

 

“Đọc bài báo này mới thấy có nhiều người quan tâm đến chất lượng giáo dục nước nhà! Chứng tỏ nó có nhiều vấn đề thật! Được làm Thầy thì mới thấy, bản thân tôi ra trường 3 năm sau mới được dạy hợp đồng rồi mãi mới được biên chế (cũng vì các cụ quyết liệt: nắng không tới mặt...., sau này có...lương hưu!).

 

Hỡi ôi! Nhiều lúc thấy hạnh phúc vì được chứng kiến học sinh mình thành đạt, nhưng hiếm. Mổ xẻ thì nhiều vấn đề, các bạn nếu yêu nghề với điều kiện kinh tế của cha mẹ cho thì không mấy bức xúc. Còn phải mò mẫm, chia chác đồng lương cho mọi sinh hoạt hàng ngày thì... Lý do tiếp theo là: thấy hô to lắm "Hai Không với Bốn nội dung" . Mà đơn cử: cháu tôi khoe "năm nay cháu được học sinh giỏi nhé!", hỏi ra mới thấy rằng lớp của cháu tôi có 22 HS thì 17 cháu loại giỏi, còn lại là khá! Mà trường làng thôi nhé, còn trường chúng tôi thì bắt buộc phải đăng ký chỉ tiêu chất lượng ...%, cái mà ai cũng vẫn biết là ... KHÔNG THỂ đạt được!

 

Cái mấu chốt giữa cuộc chiến Bốn Không với Thi đua nó hành hạ, nó làm hỏng cả một thế hệ. Thời gian cho công việc thì hình như 14/24 giờ là ở trường, thử hỏi lấy thời gian đâu cho giáo viên soạn bài, đọc sách thấu đáo, chăm sóc gia đình, thăm hỏi họ hàng, hiếu hỉ. Mặc dù được 2 tháng hè nhưng thực chất có được nổi 1 tháng không? Rồi HS vùng khó khăn (61 huyện đấy!) phải đi vận động nhiều đến nỗi chó của chủ nhà còn vẫy đuôi mừng.
 
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng hình như chưa đúng. Tôi không phải là người không tâm huyết (nếu chán thì đã bỏ ra ngoài làm từ lâu rồi) nhưng chỉ một nhóm nhỏ có Tâm mà không có Lương thì thiển nghĩ, giữa cuộc sống như bây giờ thì những nhà hoạch định chính sách, những người đứng đầu các bộ, ngành liệu đến bao giờ mới "nghĩ" ra được một chiến lược? Và trong lúc chờ đợi, chúng tôi – những giáo viên tâm huyết đành chỉ biết hết lòng vì học sinh, vì một cái gì đó xa xôi...”

 

Thảo Nguyên Xanh: duongthuy1802.hn@gmail.com

 

“Theo mình nghĩ có rất nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do đồng lương quá ít ỏi để có thể tồn tại với cuộc sống. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khác nữa: do GV phải chịu nhiều áp lực trong công việc (thanh tra dự giờ đột xuất, sổ sách, báo cáo, đề thi, đề kiểm tra nhiều. Học sinh giờ cũng có nhiều thứ vui khác để không say mê việc học, không kính trọng thầy. Cha mẹ các em nhiều khi không biết quan tâm tới các em, cách cư xử với thầy cô còn chưa đúng mực…).

 

Một điểm nữa mình cũng thấy thật khác lạ so với các ngành nghề khác: ví dụ như mình là GV dạy Văn ở cấp II, mình cũng cố gắng đi học thêm Đại học, học Cao học, kinh phí hoàn toàn tự túc để nâng cao chuyên môn, phục vụ giảng dạy. Nhưng chẳng hiểu bao giờ bằng của mình mới được sử dụng để tính vào lương (Bằng chính qui, loại khá). Hiện tại mình vẫn phải sử dụng bằng Cao đẳng để tính và nhận lương hàng tháng.

 

Thật là buồn cho ngành Giáo dục! Nếu không có sự ưu đãi, quan tâm đến đời sống GV cả về vật chất lẫn tinh thần, mình nhất định sẽ không cho con theo ngành này”. 

 

Văn ninh: ninhpht@gmail.com

 

Ông cha ta đã có câu "Có thực mới vực được đạo", còn thời nay chúng ta có câu "Lương tâm đi cùng với lương tháng". Là một người giáo viên, tôi hoàn toàn đồng cảm với những đồng nghiệp của tôi trong thời cuộc giá cả leo thang này. Đặc biệt, những giáo viên mới ra trường mà sống giữa thành phố thì tiền lương hàng tháng chưa đủ tiền thuê nhà và tiền điện nước, thì còn đâu mà nghĩ đến chất lượng được”.

 

Mai phương:  maiphuong@gmail.com.

 

Không phải là học sinh không thích học sư phạm, mà là vì học sư phạm xong không có việc mất hàng trăm triệu đồng cũng chưa chạy được vào biên chế. Đi tận vùng cao Lai Châu, Hà Giang thì cũng mất năm bảy chục triệu, thà rằng đi học nghề khác dễ việc hơn. Bây giờ còn tồn đọng rất nhiều giáo viên tốt nghiệp ra vẫn ở nhà ăn bám bố mẹ. Có ngành nào sử dụng đâu”. 

 

Hiền hà: hienha219@yahoo.com

 

Đúng là hiện nay số lượng học sinh đăng kí dự thi vào các ngành sư phạm ngày một it dần đi. Thậm chí có rất nhiều bạn đăng kí vào ngành sư phạm, khi được bạn bè người thân hỏi đăng kí ngành gì cũng không muốn nói ra vì sợ bị phản đối. Đại loại nhữnhg câu như: Đăng kí vào ngành đó làm gì, liệu ra trường có xin được việc không mà đăng kí.
 
Thực tế có rất nhiều sinh viên ra trường xong thất nghiệp hoặc muốn xin được việc thì phải bỏ ra một số tiền rất lớn mới xin được. Đó là một trong những bất cập của nền giáo dục nước ta. Không biết thế hệ giáo viên sau này sẽ ra sao nữa?
 
Đó có thể chỉ là cánh nhìn nhận phiến diện của bản thân tôi, nhưng thực tế có rất nhiều người nghĩ như thế. Mong một ngày nào đó nền giáo dục nước nhà sẽ được cải tiến tốt hơn, để không ai còn có suy nghĩ tiêu cực như thế nữa!”

 

Ngophong: phongfng@yahoo.com

 

Cái gì cũng có 2 mặt của một vấn đề. Giáo dục của ta cũng vậy, chưa tốt nhưng không phải xấu hết. Giáo dục thời bao cấp khác, thời kinh tế thị trường khác. Ta đang ở đoạn giữa thì phải, giáo dục khó đi trước được. Theo tôi vài lời không nói hết được. Giáo dục cũng phải có chiến lược. Nhà phải xây từ móng, mà lĩnh vực nhà trẻ và tiểu học của ta hiện nay còn chưa được. Về cấp vĩ mô không có. Sinh đẻ có kế hoạch, nhà trẻ không có nhưng xã nào cũng có tiểu học, 2 cô trở lên dạy một lớp, trình độ giáo viên cấp 1 (gọi thế cho dễ) bây giờ kém xưa, lại lương thấp so với xã hội hiện tại, lại bệnh thành tích... thế là cấp 2,3 hứng đủ.

 

Không ai phải ở lại lớp, xong lớp 12 có đủ trường trung cấp cao đẳng cần tuyển... Hình như không ai đánh giá chất lượng học sinh một cách trung thực mà chỉ xem bằng (cơ chế biên chế) làm cho tiêu cực có đất sinh sôi, người thầy khó mà được đánh giá chính xác.

 

Liên thông tràn lan, bằng cấp bị đánh lộn sòng. Thị trường chưa thực sự nên đồng lương hiện nay chưa kích thích nhân tài. Nói vậy hóa ra tiêu cực quá chăng? Không phải vậy mà vẫn lầm lũi bước đi.

 

Trước hết kinh tế phải thực sự là kinh tế thị trường. Khi đó doanh nghiệp cạnh tranh thực sự là nơi thu hút lao động và nhân tài. Học sinh phải tìm thầy dạy cho mình cái mà xã hội đang cần để học, thay vì học chỉ ẻể lấy cái bằng như hiện nay.

 

Thầy trò dạy học như hợp đồng kinh tế. Nhà nước chỉ cần quan tâm đến đối tượng cần quan tâm bằng chính sách”...

 

Đinh Thị Huyên: emyeunghesupham@yahoo.com.vn

 

Tôi vẫn còn nhớ câu nói vô giá mà Bác Hồ đã gửi tặng mái trường ĐHSPHN yêu dấu nhân một lần về thăm trường "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng trên báo, không được thưởng Huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

 

Đó là niềm tự hào cao quý về con đường mà tôi đang đi. Vâng, nghề giáo là nghề cao quý, nhưng ngày nay cái cao quý ấy đã bị miếng cơm manh áo nó ghì sát đất, con người không tự mình chiến thắng được những tham vọng của bản thân. Giáo viên thì cũng là con người, mà đã là con người thì như Lênin đã từng khái quát: người ta nghĩ đến cái ăn, mặc... sau đó mới nghĩ đến làm chính trị, nghệ thuật... Tuy cuộc sống của các thầy cô ngày nay là quá khó khăn trong thời buổi giá cả leo thang này, song tôi nghĩ rằng tình yêu nghề giáo sẽ chẳng dễ dàng gì mất đi. Với tâm huyết của một sinh viên Sư phạm, tôi tin tưởng rằng cái Tâm sẽ chiến thắng cái Lương.

 

Đọc bài viết trên xong, tôi cảm thấy vết thương trong lòng mình dường như được xoa dịu phần nào. Bởi lẽ, mọi người đã có cái nhìn chủ quan, phiến diện khi cho rằng ngày nay sinh viên Sư phạm không giỏi, chất lượng thấp; cũng có quan điểm cho rằng chỉ sinh viên không biết học gì nên mới thi vào Sư phạm... Đó chỉ là một số ít thôi bạn ạ. Mọi người đừng nên lấy cái bộ phận để chỉ cái toàn phần như vậy, hay đừng nhìn những người thầy tha hóa về nhân cách nhà giáo mà đánh giá cả đội ngũ giáo viên hiện nay.

 

Chúng tôi là sinh viên trường ĐHSPHN, tôi tự hào vì mình đã thi đậu vào trường với một số điểm rất cao bằng chính năng lực của mình. Và bây giờ chúng tôi đang cố gắng, nỗ lực hết mình để trở thành những nhà giáo giỏi trong tương lai. Chúng tôi sẽ làm một cuộc "cách mạng" để thay đổi suy nghĩ của mọi người về nghề giáo. "Tôi không bắt mình phải chiến thắng nhưng tôi bắt buộc phải chiến đấu đến cùng. Tôi không bắt buộc phải thành công nhưng tôi cũng phải nỗ lực hết mình".

 

Các bạn ơi, nếu các bạn thực sự yêu nghề giáo, thực sự tâm huyết với nghề giáo thì hãy yên tâm một điều rằng nghề giáo sẽ chẳng phụ mình đâu. Hãy tự tin về một tương lai tốt đẹp đang chờ ở phía trước các bạn nhé. Tôi hy vọng được làm đồng nghiệp của các bạn! Đại học Sư phạm Hà Nội là mái trường sẽ cho bạn biết làm như thế nào để trở thành một nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên. Tôi yêu trường, yêu nghề. Tôi sẽ mãi mãi không bao giờ hối tiếc. Cảm ơn những người thầy đã cho tôi có được ngày hôm nay.

………

 

Nguyệt Thu (tổng hợp)