Hà Nội:

Mở rộng phố Nguyễn Đình Chiểu, trăm hộ dân mất nhà bức xúc

Qua 2 lần điều chỉnh, dự án mở rộng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu ( Hà Nội) hết “lẹm” vào nhà dân số chẵn lại “chém” vào nhà dân số lẻ khiến cả trăm hộ gia đình bức xúc.

Đoạn đường dân sinh được mở rộng tới 17 mét, kinh phí GPMB lên tới gần 200 tỷ đồng trong khi kinh phí làm đường chỉ khoảng 20 tỷ đồng. Nguy cơ lãng phí hiển hiện bởi theo ý người dân, chỉ cần mở đường về phía công viên là hài hòa lợi ích cả dân và nhà nước: dân không mất nhà, nhà nước không tốn tiền tỷ GPMB.

Ông Phạm Đỗ Hoàn, trú tại số nhà 17 phố Vân Hồ 2, phường Lê Đại Hành- Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội đại diện cho các hộ dân thuộc số nhà dãy lẻ - là những hộ có nguy cơ mất nhà, đất nếu tuyến phố xây dựng- bức xúc phản ảnh với phóng viên: chúng tôi là khu dân cư đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất cha ông để lại và chính trên mảnh đất này, trước đây khi làm đường chúng tôi đã tự nguyện hiến một phần cho nhà nước. Vậy nhưng khi quyết định mở rộng con đường này thành phố đã có những điều chỉnh bất hợp lý, không hợp lòng dân.

Điều tra của phóng viên cho thấy UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu ( đoạn từ phố Tô Hiến Thành đến Đại Cồ Việt) từ năm 2000. Bản vẽ của Viện quy hoạch & xây dựng Hà Nội trình UBND TP Hà Nội khi đó chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ nhà đất của các hộ dân dọc tuyến. Tuy nhiên, đến năm 2011, khi UBND Thành phố Hà Nội chính thức ban hành QĐ số 5628/QĐ-UBND phê duyệt dự án này và công bố bản thiết kế sơ đồ dự án GPMB thì người dân mới tá hỏa khi thấy hầu hết các hộ dọc tuyến đường có nguy cơ bị giải tỏa hết hoặc gần hết.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, trú tại số 25, ngõ 4, phố Vân Hồ, phường Lê Đại Hành- là hộ bị mất toàn bộ nhà đất đã đứng đơn đại diện cho khoảng 170 hộ gia đình bị ảnh hưởng dọc theo tuyến phố sắp xây dựng gửi đơn tới các cơ quan chức năng khẩn thiết đề nghị xem xét về lợi ích kinh tế mà dự án đem lại để đảm bảo đời sống của hàng trăm hộ dân đang phải vật lộn với khó khăn do cuộc sống bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dự án.

Đoạn phố được quy hoạch trở thành đường 17m
Đoạn phố được quy hoạch trở thành đường 17m

Ngày 27/2/2013, UBND Thành phố tiếp tục ban hành quyết định số 1862/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án. Theo đó, 370mét /500 mét của toàn tuyến được điều chỉnh. Với sự điều chỉnh này chỉ có 20 hộ/ 170 hộ bị mất một phần nhỏ vì tuyến đường đã được điều chỉnh sang hướng công viên, trong đó có nhà bà Loan. Ngược lại, đa số những hộ dân bên số lẻ Vân Hồ 2 có nguy cơ bị giải tỏa hết hoặc gần hết.

“ Theo phê duyệt của thành phố, việc mở đường chỉ nhằm mục đích chỉnh trang đô thị và đây là đường dân sinh, là đường bao công viên Thống Nhất, vậy có nhất thiết phải mở rộng đường, hè tới 17 mét hay không. Chúng tôi đồng tình với việc xây dựng tuyến phố về chủ trương nhưng cách làm rõ ràng không hợp lòng dân, không lắng nghe ý kiến và nỗi khổ của người dân, không xuất phát từ thực tiền”, Ông Ngô Ngọc Doanh – trú tại số 11 Vân Hồ 2 phản ảnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Hiền, Tổ trưởng tổ dân phố Vân Hồ 2 khẳng định : thông báo của UBND giải phóng mặt bằng làm đường Vân Hồ 2 đã làm bà con bức xúc vì tự nhiên đang ở bao năm nay rồi mà giờ chỉ vì chỉnh trang mà lấn sâu từ ngoài mép đường cũ vào trong nhà dân rất nhiều. Mỗi hộ dân bị chém trung bình từ 7 mét đến 7,5 mét . Việc làm đường mở đường thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng qua bản vẽ chúng tôi thấy chưa đúng và gây bức xúc cho người dân. Bao năm nay người dân đã cố định nơi đây mà giờ không biết phải đi đâu khi nhà bị chém như vậy trong khi người dân nơi đây tiếng là ở phố nhưng vẫn còn khó khăn lắm. Chúng tôi mong muốn UBND xem xét lại việc điều chỉnh vô lý này.

Xem xét bản thiết kế người dân cung cấp và đi thực địa tại tuyến phố dự án, nhóm phóng viên nhận thấy người dân bức xúc là có cơ sở. Đây là dự án chỉnh trang đô thị, làm đường bao công viên Thống Nhất, Ban quản lý chỉnh trang đô thị thành phố là chủ đầu tư. Một tuyến phố nội bộ không nhất thiết phải mở rộng tới 17 mét cả đường và vỉa hè bởi đường càng mở rộng thì càng đông hộ dân bị ảnh hưởng và kinh phí bồi thường, GPMB càng tăng.

Bản vẽ thiết kế tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu mở rộng
Bản vẽ thiết kế tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu mở rộng

Sự bất hợp lý còn thể hiện ở chỗ lẽ ra dự án có thể điều chỉnh về phía công viên khoảng 5 mét thì có thể hạn chế tới tối đa phạm vào nhà đấy của các hộ dân đã sinh sống ổn định từ lâu. Dẻo đất của công viên nếu điều chỉnh theo hướng này thì chỉ mất một dẻo nhỏ. “Dẻo đất này là nơi trú ngụ của nhiều tệ nạn xã hội, rất mất vệ sinh môi trường”, ông Phạm Đỗ Hoàn khẳng định.

Nếu con đường được mở về phía công viên, kinh phí đầu tư cho dự án cũng sẽ giảm đáng kể. Hiện theo 1862/QĐ-UBND, tổng mức đầu tư dự án khoảng 257 tỷ đồng, trong đó chi phí làm đường chỉ khoảng 21 tỷ đồng, chi phí bồi thường, GPMB lên tới hơn 200 tỷ đồng.

“Nếu tuyến đường được điều chỉnh về phía công viên, tiền đền bù GPMB sẽ giảm đi đáng kể, điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thaanhf chỉ thị số 1792/CT/Ttg của Thủ tướng Chính phủ về cân đối vốn ngân sách, giảm chi tiêu, tiết kiệm trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Hoàn khẳng định.

Đông đảo người dân Vân Hồ 2 đều trả lời phóng viên rằng nếu quy hoạch hợp lý như vậy họ ủng hộ 100% việc làm đường và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư triển khai dự án.

Thiết nghĩ, UBND thành phố Hà Nội rất cần lắng nghe ý dân trong sự việc này.

Theo Phương- Thiện- Huy
Pháp luật Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm