Màu áo xanh hy vọng

(Dân trí) - Kể từ ngày bắt đầu xuất hiện, sắc áo xanh màu đại dương của lực lượng sinh viên tình nguyện đã giúp làm yên lòng bao thế hệ thí sinh và những người thân của họ đến từ các tỉnh xa. Tình người càng đáng quý dịp thi cử nóng bức với bao áp lực.

Màu áo xanh hy vọng - 1
Sinh viên tình nguyện lập thành dải phân cách sống (ảnh: Phong Nguyên)
 
Thời áo nâu nghĩa tình

 

Đã qua lâu rồi cái thời chúng tôi dù là dân thành phố, vẫn phải tự lực cánh sinh tìm về những điểm thi ở vùng nông thôn cách Hà Nội vài chục km. Rồi họp thành từng nhóm thi cùng khối, tự tìm tới các nhà dân gần đó: “Thưa hai bác, thưa ông bà, cô chú, anh chị… Xin phép cho chúng cháu ở nhờ nhà mình trong những ngày thi cử...”

 

Thời chưa dứt tiếng bom, tiếng súng ấy, lòng người rộng mở và ấm áp lắm. Ai cũng vui vẻ dọn chỗ sạch sẽ, thoáng mát cho các cô tú, cậu tú từ tận thủ đô về. Rồi còn lo nấu vài ấm chè xanh, luộc rổ khoai, rá sắn. Nấu thêm bát canh cua, đúc thêm vài quả trứng gà vừa nhảy ổ để “các cô cậu ngày mai có sức làm bài, thi đỗ điểm cao cho vui lòng ông bà, cha mẹ”.

  

Tang tảng sáng, các bạn nữ thì lo cơm đùm cơm nắm cho cả nhóm. Cánh nam nhi dù cũng sợ chó, sợ bóng tối, ao chuôm, đồng không mông quạnh... không kém gì “các bà”, cũng phải cố tỏ ra dũng cảm tình nguyện thắp đèn dầu đưa các bạn nữ "vượt các chướng ngại vật" tới trường thi…Không ít gia đình trong xóm chúng tôi lưu lại, còn sốt sắng hối đám đàn ông con trai trong nhà “đưa các em nó đi thi kẻo lạ nước lạ cái, tội nghiệp!"

 

Dường như ý tưởng về lực lượng tình nguyện cũng bắt đầu manh nha từ thời ấy, dù thời buổi quá khó khăn với tiêu chuẩn mỗi người mỗi năm chỉ được 2m vải, các tiền thân tình nguyện viên lứa chúng tôi ấy chủ yếu cũng áo nâu, quần vải. Oách hơn là mượn được áo bộ đội của cha anh, chú bác, hàng xóm…

 

Chúng tôi vừa thi vừa dỏng tai cảnh giác, nếu có tiếng kẻng báo động là phải nhanh chân tụt xuống giao thông hào, chạy thẳng ra cánh đồng thời ấy cũng vàng rộm và ngát hương lúa chín như hôm nay.

 

Chiều về bước thập thõm trên đường làng trải đầy rơm. Tối thắp đèn ôn bài chuẩn bị cho môn thi sau, lại được các mẹ, các chị dấm dúi cho dăm bông thóc hoặc vài củ khoai, khẩu mía nướng vùi tro than, thơm nhức mũi. Vừa nhâm nhi vừa lén gạt nước mắt vì cảm động…
 
Màu áo xanh hy vọng - 2
Rất nhiều điểm đón thí sinh của đội quân tình nguyện như thế này (ảnh: Trần Đăng, báo Lao Động)

 

Áo xanh dưới nắng  

 

Cũng chẳng nhớ nổi từ bao giờ trên các tuyến đường trọng điểm mùa thi cử, màu áo xanh của lực lượng sinh viên tình nguyện đã trở nên quen thuộc với cả người dân sở tại lẫn sĩ tử khắp nơi.

 

Chỉ biết rằng lần nào cũng vậy, tôi đều rơi nước mắt khi phải chứng kiến cảnh những  bóng áo xanh kiên nhẫn bám trụ bến tàu, bến xe, trước cổng các trường đại học và lập hàng rào sống trên những tuyến đường “điểm nóng kẹt xe”.

 

Tận mắt chứng kiến ở cự ly gần những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo các sinh viên, ánh mắt mệt mỏi nhưng vẫn đầy phấn khích và lấp lánh niềm vui tuổi trẻ, vừa thương, vừa cảm phục và nể trọng các em.

 

Có thể ngày thường, không ít người trong số các bạn ấy từng ham chơi hơn ham học, hoặc từng phạm lỗi lầm nọ, khuyết điểm kia… Nhưng trong hoạt động rất có ý nghĩa và phù hợp với tuổi trẻ này, cái tâm và cái tình của những người làm công tác tình nguyện luôn làm đẹp hơn cho cả thế hệ trẻ, cho xã hội và đất nước.   

 

Mong rằng các cơ quan chức năng chú ý hơn tới lực lượng thanh niên tình nguyện. Thời tiết này mà họ lao ra đường làm công việc lẽ ra không phải của họ, vậy mà họ lại làm rất tốt. Mong rằng cơ quan chức năng có những động viên về mặt tinh thần và vật chất để các em tiếp tục đóng góp cho nước nhà” -  Daohaipong_83@yahoo.com đề nghị.

 

Ở đâu cũng có những con sâu làm rầu nồi canh. Và ở đâu cũng  có những người tốt sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ở HN mấy ngày vừa qua cũng có nhiều đơn vị, nhiều nhà hảo tâm... giúp đỡ các phụ huynh và sĩ tử đi thi mà. Các sinh viên tình nguyện hướng dẫn đến nhà trọ miễn phí, những suất ăn cơm trưa cho phụ huynh và sĩ tử ở trường Luật... Nói chung là dù ít hay nhiều thì ở đâu cũng vậy, đều vẫn có rất nhiều những tấm lòng nhân hậu. Cảm ơn tất cả những tấm lòng cao cả ấy!” Trần Hà: tranthuha2010@yahoo.com xúc động bày tỏ.

 

Hà Nội thì tôi chưa ra, nhưng Sài Gòn thì cũng đã 4 năm tôi sống ở đây rồi. Ở đây phong trào hỗ trợ sĩ tử mùa thi cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ. SV tình nguyện có khắp mọi nơi và nhà trọ giá rẻ và miễn phí hầu như không thiếu. Các bậc phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm đưa con đi thi vì nơi đâu cũng có những tấm lòng. Xin cảm ơn những con người tốt bụng…” - Duy Phúc:  dphuc07@gmail.com chia sẻ.

 

Màu áo xanh hy vọng - 3
SV tình nguyện Hoàng Đức Luận cõng thí sinh Nguyễn Thị Phượng bị khuyết tật ngày 2 buổi đi về phòng thi và chỗ trọ tại ký túc xá đại học Sư phạm Đà Nẵng (ảnh: Khánh Hiền)

 

Giảm tải áp lực
 
Còn những vất vả từ phía chính các áo xanh? Qua giãi bày của Hùng Cườngcuong.utck50@gmail.com, cũng mong rằng mỗi người trong chúng ta cần ý thức hơn để không vô tình phụ lại những nghĩa cử đẹp, những tấm lòng tốt. 

 

Ngày hôm nay mình có tham gia phân luồng trước cổng trường CĐ Cộng đồng và ĐH Phương Đông. Đường thì chỉ đủ cho 2 chiếc ôtô con chạy, lại lầy lội và bẩn. Chúng mình đã không ngại trời nắng to mà đứng giữa đường tạo dải phân cách bằng dây thừng kết hợp nắm tay nhau để giao thông được đảm bảo.

 

Khi đó cũng là lúc tan tầm, đường rất đông, chỉ một chiếc xe máy chạy ngang đường cũng đủ gây ùn tắc nghiêm trọng. Phải nói là có rất nhiều người, kể cả phụ huynh lẫn học sinh, dù chúng mình đã hướng dẫn để mọi người đi đúng luồng giao thông, nhưng họ vẫn cố tình chui qua dây thừng, xô đẩy hàng rào. Thậm chí còn có những lời lẽ xúc phạm đến cả đội nữa. Một học sinh nữ còn nói thẳng vào chúng mình là "Bọn điên" (?). Ý thức quá tồi!”.

 

Mấy năm trước đã chuyển ngày thi đại học vào thứ 7, Chủ Nhật. Không hiểu sao năm nay lại thi đúng vào ngày thứ 2 đầu tuần?...” -  Hoang Hang:  sh00781@email.com.vn nêu thắc mắc, với mong muốn việc tổ chức thi cử cần khoa học hơn, để giảm bớt gánh nặng cho cả xã hội, trong đó có các tình nguyện viên.

 

Hôm qua, 4 đứa em tôi đi thi, tôi đi làm mà ngồi cứ thấp thỏm vì đọc được tờ báo online nói rằng đề thi Toán khó hơn mọi năm. Lòng tôi cũng thấy bồn chồn. Đi làm về hỏi mấy đứa em thì đứa nào cũng buồn so, đồng thanh nói đề khó.

 

Thử hỏi đề cho khó quá làm gì, chỉ làm cho thí sinh thêm rối bời và bị áp lực thêm... Nếu đề thi quá khó thì sẽ làm dang dở bao ước mơ của hoc sinh, nếu trượt các em sẽ thấy cuộc đời thêm đen tối. Thử nghĩ coi 12 năm trời học hành cốt để vào đại học để nên người, mà gặp chuyện này sẽ ra sao? Rốt cuộc thí sinh vẫn là thí sinh thôi mà!!!

 

Tôi học và tốt nghiệp tại Úc, chưa bao giờ bị áp lực trong việc thi cử vì nền giáo dục của Úc tôi thấy rất thực tế, không cần tốn công sức học ngày học đêm như bên Việt Nam mà rốt cuộc chắc cũng chẳng được gì ngoài cái áp lực chồng chất lên vai.

 

Tôi nhớ, năm tôi thi tốt nghiệp bên Úc VCE, trước ngày thi tôi còn đi chơi la cà với đám bạn mà vẫn đậu vô Monash. Tôi nói đây không nhằm khoe khoang với ai, chỉ muốn nói rằng liệu nền giáo dục hay cách thi cử ở Việt Nam có đang đi đúng hướng hay không???” -   Nickname Người có em trai đi thi:  ltc4986@hotmail.com chia sẻ kinh nghiệm cũng không ngoài mục đích mong muốn cho công tác thi cử ở VN chúng ta ngày càng được hoàn thiện hơn, sát thực tế để ý nghĩa hơn.

 

Lúc đó, có lẽ các sinh viên tình nguyện sẽ khỏe re hoặc thậm chí còn… thất nghiệp. Nhưng đúng là trong cuộc sống có những việc mà người dân lại mong cho không ai còn phải dấn thân làm, bởi điều đó chứng tỏ cuộc sống đã phát triển văn minh – hiện đại – an sinh xã hội được bảo đảm tốt…

 

Thanh Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm