Mạnh tay “dẹp loạn” trồng keo trên đất nông nghiệp tại Bình Định!

(Dân trí) - Cái lợi trước mắt, người dân huyện Hoài Ân (Bình Định) ồ ạt trồng keo lai trên đất nông nghiệp làm nguồn nước ngầm cạn kiệt, đất bạc màu. Hiện, địa phương đang mạnh tay “dẹp loạn” để trồng các loại cây trồng phù hợp, ưu tiên quy hoạch thành vùng cây ăn quả bậc nhất của tỉnh.

Bình Định: Dân ồ ạt trồng keo lai trên đất nông nghiệp và những hệ lụy

Đất nông nghiệp “chết” vì keo lai

Theo Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, trên địa bàn có gần 300ha diện tích đất nông nghiệp được bà con sử dụng trồng keo nguyên liệu giấy. Các địa phương trồng nhiều nhất như: xã Ân Tường Đông (65,8 ha), Ân Hữu (60 ha), Ân Nghĩa (27,2 ha), Ân Hảo Đông (20 ha)… Thế nhưng, thực tế trên không chỉ diễn ra ở riêng huyện Hoài Ân mà khắp các huyện trên địa bàn tỉnh Bình Định; rộng hơn là khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Huyện Hoài Ân (Bình Định) bùng phát trồng cây keo nguyên liệu giấy trên đất nông nghiệp.
Huyện Hoài Ân (Bình Định) bùng phát trồng cây keo nguyên liệu giấy trên đất nông nghiệp.

Ông Đặng Văn Cấp (70 tuổi, thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông), ông chủ rẫy trồng nhiều loại cây ăn quả với diện tích hơn 12 ha được liệt vào hàng quy mô lớn bậc nhất ở huyện Hoài Ân, cho biết: “Cùng trên diện tích trên 1.000 gốc dừa đang cho thu nhập 100 triệu đồng/năm tôi trồng xen canh các cây trồng khác như: bưởi, bơ, sầu riêng… thậm chí trồng hồ tiêu cho bám vào thân cây dừa thì dừa vẫn cho quả rất sai. Thế nhưng, diện tích trồng keo xen vào thì cây dừa không thể cho quả, nhiều cây bị chết. Thấy tác hại của cây keo lai ảnh hưởng rất lớn đến cây dừa nên tôi đang cho thu hoạch, chặt phá cây keo, cải tạo lại đất để trồng cây ăn quả khác phù hợp”.

Thực tế, theo quan sát, diện tích dừa được ông Cấp trồng keo lai xen kẻ, hầu hết cây dừa không có quả, một số cây có quả nhưng 1 buồng chỉ 2-3 quả và quả dừa rất nhỏ.

Theo ông Trần Trọng Ân, công chức Địa chính xã Ân Đức, đây là đất đã giao quyền nhưng hầu hết diện tích này chỉ canh tác được 1 vụ, ngoài ra không làm được gì hết. Hơn nữa, diện tích cũng không nằm nguyên một vùng của một hộ nào, nhiều thửa ruộng chỉ vài trăm mét vuông. Người dân thấy không có cây trồng nào chịu được, trồng lúa thì chuột bọ phá, trồng bắp lại không có nước tưới. Trong khi, thấy cây keo cho hiệu quả hơn nên ban đầu người dân bùng phát trồng keo.

Cây dừa không thể ra trái khi trồng keo xen kẻ.
Cây dừa không thể ra trái khi trồng keo xen kẻ.

“Bây giờ chúng tôi vận động người dân chuyển đổi mục đích cây trồng, đối với diện tích nhỏ thì cho các hộ dân cải tạo lại đất trồng đậu, mì (sắn). Còn vùng diện tích lớn thì hỗ trợ người dân trồng lại các loại cây ăn quả theo quy hoạch vùng của huyện”, ông Ân nói.

Kiên quyết nhổ bỏ

Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), hiện nay UBND huyện đã yêu cầu các địa phương gấp rút trong công tác chỉ đạo bà con nhân dân thu hoạch, chặt bỏ cây keo trồng trên đất nông nghiệp. Đến nay, bà con đã tự thu hoạch, chặt phá đạt khoảng 70% diện tích, diện tích còn lại khoảng hơn 90 ha bà con cam kết sẽ thu hoạch xong đến hết ngày 31/12/2018. Những hộ dân nào không thực hiện theo đúng cam kết thì địa phương sẽ thành lập tổ để chặt bỏ.

Người dân huyện Hoài Ân đang thu hoạch keo trồng trên diện tích đất nông nghiệp.
Người dân huyện Hoài Ân đang thu hoạch keo trồng trên diện tích đất nông nghiệp.

“Cây keo từ 1-3 năm tuổi là hút nước vô địch, bắt đầu năm thứ 5 thì cây mới tạo nước ra ngoài nhưng thời điểm đó bà con lại chặt keo bán rồi. Thực tế, hiện nay bà con đã nhận ra việc trồng keo trên đất nông nghiệp gây ra nhiều hệ lụy, nguồn nước ngầm cạn kiệt, ô nhiễm môi trường... Vì vậy, khi huyện triển khai chủ trương chặt bỏ cây keo trên đất nông nghiệp để trồng cây hoa màu, cây ăn quả khác thì người dân cam kết ủng hộ”, ông Khúc nói.

Theo ông Khúc, đối với diện tích vừa chặt bỏ cây keo, huyện chỉ đạo cho từng địa phương cho bà con trồng những cây phù hợp, trong đó những diện tích lớn sẽ hỗ trợ bà con trồng cây ăn quả. Theo đề án của huyện, sẽ hỗ trợ 100% về giống; về nước hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng, tối thiểu thì tùy theo vào giếng đào hay giếng đóng; về phân bón sẽ hỗ trợ trong 3 năm đầu (2 lần/năm).

Nhiều gia đình đã tự chặt bỏ keo để thay thế bằng cây ăn quả khác phù hợp.
Nhiều gia đình đã tự chặt bỏ keo để thay thế bằng cây ăn quả khác phù hợp.

“Cái khó khăn hiện nay, một số diện tích keo còn nhỏ chưa đủ tuổi thu hoạch. Hiện nay, dù các xã đang chỉ đạo quyết liệt nếu người dân không tự giác chặt bỏ thì xã sẽ thuê người chặt bỏ. Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét lại có thể gia hạn cho bà con thêm 1 năm, bởi giờ này nếu chặt đi thì cũng xót cho bà con lắm”, ông Khúc chia sẻ.

Doãn Công