Bạn đọc viết:

Mãn nhãn trước vẻ "dịu dàng, quyến rũ" của thác Bảy tầng

(Dân trí) - Tọa lạc trên địa bàn huyện Đức Trọng, cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 50km về hướng Nam, thác Pongour còn gọi là thác bảy tầng (hoặc thác Thiên Thai) như một kiệt tác thiên nhiên mang đậm nét hoang sơ, dịu dàng giống như truyền thuyết về nàng Kanai!

Thác Pongour có độ cao khoảng 40m, chiều rộng dòng thác chảy hơn 100m, bao bọc quanh thác là khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 2,5ha với nhiều loại cây cổ thụ, xõa bóng mát trùm lên dòng nước mát dịu từ bảy tầng tạo hóa.

Theo truyền thuyết về thác bảy tầng (tên gọi Pongour là do tên người Pháp phiên âm từ tiếng dân tộc bản địa K'ho, nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng), qua một số tài liệu địa chất học của người Pháp, vùng này có nhiều kaolin (đọc là cao lanh, loại khoáng sản phi kim). Như vậy, Pongour có nghĩa là ông chủ hay ông vua xứ Kaolin.

Thác Bảy tầng - kiệt tác thiên nhiên tạo hóa ban tặng cho thành phố của ngàn hoa

Thác Bảy tầng - kiệt tác thiên nhiên tạo hóa ban tặng cho thành phố của ngàn hoa
Thác có độ cao trên 40m và rộng hơn 100m

Thác có độ cao trên 40m và rộng hơn 100m
Thác Bảy tầng có nhiều dòng chảy nhỏ được ví như mái tóc mượt mà của nàng Kanai

Thác Bảy tầng có nhiều dòng chảy nhỏ được ví như mái tóc mượt mà của nàng Kanai
Thác Bảy tầng có nhiều dòng chảy nhỏ được ví như mái tóc mượt mà của nàng Kanai

Sự quyến rũ của thác Bảy tầng cuốn hút các đôi trai gái ghi lại khoảng khắc tuyệt vời mỗi khi đến thăm

Cũng có giả thuyết được người dân tương truyền cho rằng, thác Pongour xuất phát từ ngôn ngữ K'ho với ý nghĩa là bốn sừng tê giác (dịch từ Pon: bốn, gou: sừng). Trong kho tàng truyện cổ K'ho - Chàm, Churu kể rằng ngày xưa tại vùng đất Phú Hội - Tân Hội - Tân Hà do nàng Kanai làm chủ.

Kanai là một tù trưởng nữ xinh đẹp, trẻ, có sức mạnh hơn cả thanh niên dũng sĩ K'ho - Churu. Đặc biệt, nàng có tài chinh phục thú rừng loại tê giác. Tù trưởng xinh đẹp đã chinh phục được bốn con tê giác khác thường, nàng dùng bốn con tê giác để khai phá núi rừng, đồi, suối và đánh giặc bảo vệ buôn làng. Nhờ đó, cuộc sống nhân dân trở nên sung túc, no ấm và an bình. Vào rằng tháng giêng, nàng Kanai đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm thương tiếc của người dân.

Sau khi nàng Kanai vĩnh biệt, bốn con tê giác quanh quẩn bên cạnh thân xác chủ nhân, chúng san ủi suốt đêm khuya, không ăn uống và chết theo nàng Kanai tài sắc. Đến sáng hôm sau, người dân hết sức ngạc nhiên khi thấy nơi Kanai yên nghỉ xuất hiện ngọn thác đẹp tuyệt trần. Dòng nước trắng của thác Pongour chính là mái tóc của Kanai đã hoá thành, những phiến đá bàn xanh xếp từ cao xuống thấp, làm nền cho thác đổ chính là các cặp sừng của bốn con tê giác hoá thạch, biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên bao la.

Trong những năm 60, nhiều người Hoa ở Tùng Nghĩa (Đức Trọng) nhân tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) thường tổ chức các cuộc viếng chùa miếu, lăng tẩm, các thắng cảnh, các di tích lịch sử kết hợp với phong tục của dân bản địa (K'ho, Churu) và người các dân tộc di cư 1954 (Thái, Thổ, Tày, Nùng...) cùng đặt ra lễ thác Pongour. Vào rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm từng đoàn người từ các thị trấn Liên Nghĩa, Cao Bắc Lạng, Lục Nam... của Đức Trọng và các vùng Brơtel, Phú Mỹ, Lạc Sơn, Bằng Tiên, Ngọc Sơn, Đinh Văn... của Lâm Hà nườm nượp trẩy hội thác Pongour.

Du khách đến phố núi Đà Lạt mà không đến chiêm ngưỡng thác Pongour, cũng như chưa đến Đà Lạt, chưa thấy được vẻ mơ màng hoang dã của Nam Tây Nguyên.

                                                                                                Hồng Long