Mai rồi Tết sẽ ra sao?

(Dân trí)- Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền chứa đựng những bản sắc văn hóa được sàng lọc, lưu giữ qua hàng ngàn năm của dân tộc Việt. Nhưng những năm vừa qua dường như Tết đang có những thay đổi. Lòng tự trọng và những nét văn hóa cổ truyền qúy báu đang bị mai một.

Nhân dân ta từ xa xưa đã sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, cư dân làng xã chiếm tỷ lệ áp đảo so với cư dân thị thành. Lại qua hàng ngàn năm, với chu kỳ canh tác mỗi năm hai vụ chiêm - mùa theo chu kỳ thời tiết nên đã hình thành một tập quán ổn định đến mức nông lịch thành thời gian biểu hàng năm cuả toàn xã hội. Từ già đến trẻ ai cũng biết lúc nào thì cày đất, lúc nào thì gieo mạ, lúc nào thì gặt lúa…

Thời tiết tuy có quy luật nhưng không phải bao giờ cũng "mưa thuận gió hòa". Vì vậy để cầu mong mùa màng luôn bội thu nhân dân ta có nhiều cái Tết (theo thống kê gần như tháng nào cũng có một cái Tết), mỗi cái Tết có quy mô, ý nghĩa khác nhau. Nhưng trong đó Tết Nguyên đán được xem là Tết quan trọng nhất. Vì thế khi nói đến Tết mọi người thường nghĩ đến Tết Nguyên đán.
Mai rồi Tết sẽ ra sao?  - 1
Gói bánh chưng ngày Tết (Ảnh: Nguyễn Duy)

Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu; chữ Đán có nghĩa là buổi ban mai. Nguyên đán là điểm khởi đầu của một năm mới. Tết đã trở thành ngày hội cổ truyền tưng bừng nhộn nhịp nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất của đất nước ta; là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của trời đất, vạn vật cỏ cây; tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, với vũ trụ qua bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông.

Bởi thế mà khi năm hết Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn km cũng mong được "về quê ăn Tết" để được sum họp dưới mái ấm gia đình, được nhìn lại ngôi nhà nơi mình được sinh ra, nhìn lại nơi tuổi thơ của mình đã đi qua với bao kỷ niệm đầy ắp yêu thương, được khấn vái, được thắp nén hương thơm trước ngôi mộ tổ tiên và của những người thân đã khuất, được gặp bạn bè, chúc phúc nhau…

Đồng thời với quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" người nông dân còn lấy Tết làm dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên các con vật đã giúp mình sớm hôm vất vả như gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.

Để đón Tết, xa xưa dưới thời các triều đại phong kiến từ ngày 23 tháng Chạp - Ngày tiễn ông Táo về Trời là triều đình và các quan lại các cấp đã được nghỉ Tết cho đến mãi ngày khai hạ mồng 7 tháng Giêng. Trong thời đại mới ngày nghỉ Tết ít đi. Dù nghỉ dài hay ngắn, dù giàu hay nghèo thì khi xuân về Tết đến nhà nhà, người người đều khẩn trương quét dọn nhà cữa, lau chùi bàn ghế, sửa soạn lại bàn thờ tổ tiên, vệ sinh sân ngõ, tái táo phần mộ của những người đã khuất. Việc tiếp theo là nhà nào cũng phải có một mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên.

Ngũ quả nghĩa là phải có 5 loại quả tượng trưng cho năm lời ước: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh - tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - tượng trưng cho hương vị của cuộc sống: Ngọt, Bùi, Chua, Cay, Đắng và tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ, của cuộc sống con người vì người xưa quan niệm màu xanh của hoa quả mang tính âm (nải chuối xanh, quả đu đủ xanh), trái chín có tính dương (quả hồng, quả cam). Số lẻ còn tượng trưng cho sự phát triển. Ở các vùng, miền khác nhau hoa quả không giống nhau nên năm loại quả trên mâm ngũ quả có thể khác nhau nhưng mỗi loại quả được chọn đều có ý nghĩa riêng. Rồi phải có hoa dù chỉ là hoa giấy, nhà sang hơn là một cành đào, cành mai trồng trong vườn hay ai đó biếu. Một thứ nữa không thể thiếu là câu đối dán lên tường hoặc trên cột nhà.

Câu đối thường được viết trên giấy đỏ. Nội dung thường là điều mong ước tốt đẹp của gia chủ trong một năm mới ví như: "Cao nêu, kêu pháo, bánh chưng xanh/ Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ". Tuy nhiên những năm từ 1995 về trước khi đã có những thứ trên vẫn chưa có Tết, nhất là đối với con trai ở tuổi thanh thiếu niên nếu như… chưa có pháo. Phút giao thừa pháo nhà ai nổ to, giòn, lâu và không ngắt quãng được cho rằng năm mới sẽ là một năm làm ăn phát đạt suôn sẻ.
Mai rồi Tết sẽ ra sao?  - 2
Mai này tết sẽ ra sao? (Ảnh: Nguyễn Duy)

Vì vậy từ tháng 9 âm lịch trở đi nhà nhà đã chuẩn bị pháo. Không có tiền mua thì tự làm lấy. Người đi xa về biếu băng pháo quí hơn bánh kẹo nhiều. Từ chiều tối ngày 30 Tết nhà nào cũng đã chuẩn bị chỗ treo pháo, rồi cả nhà thức canh nồi bánh chưng chờ cho đến giao thừa lấy pháo từ trên gác bếp ra đốt. Tiếng pháo nổ râm ran vào thời khắc giao thừa đã làm cho người già đến con trẻ hân hoan, rạo rực và cảm thấyđiều gì đó linh thiêng nên có thơ rằng: "Hỡi bầy trẻ nọ, bay nghe pháo mừng không".

Với cộng đồng dân cư một cây tre cao chừng 5 - 6 m có treo nhiều thứ (vàng mã, bùa trừ tà) sẽ được dựng lên làm cây nêu. Theo quan niệm của người xưa cây nêu báo hiệu cho ma quỷ biết đất này đã có chủ, không được quấy nhiễu. Thế mới có câu thơ: "Bớ lũ quỷ kia, tớ dựng cây nêu ngán chứ". Đồng thời cây nêu cũng báo cho tổ tiên biết đường về "ăn Tết". Một cây đu, điểm đánh tổ tôm, sân đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian khác được chuẩn bị. Đó là chuẩn bị đón Tết.

Còn "ăn Tết" thì khó khăn hơn. Chưa nói chuyện ngày xưa mà chỉ nhớ một thời chưa xa, khi kinh tế nước ta còn vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, lương thực thực phẩm khan hiếm. Ngày thường rau cháo thế nào cũng xong, nhưng ngày Tết dù nhà giàu hay nghèo cũng phải lo sao cho mâm cỗ ba ngày Tết được đầy đặn bởi "đói quanh năm, no ba ngày Tết", sắm sanh cho mỗi thành viên trong gia đình quần áo mới. Quần áo mới không chỉ làm cho con người đẹp hơn mà năm mới cái gì cũng phải mới; phải có nồi bánh chưng, ít thịt mỡ nấu đông, ít dưa hành, giò nạc, giò mỡ…. Vì vậy với những gia đình có người làm công hưởng lương, tem phiếu mua lương thực, thực phẩm được xem là "báu vật".

Từ nhiều tháng trước Tết, tem phiếu đã được tích cóp để đến ngày gần Tết đi xếp hàng từ sáng sớm, nếu mua được vài cân thịt là cả nhà ai nấy hả hê, phần này nấu đông, phần kia rán mỡ, nếu mua thêm được cái giò lợn để nấu măng thì lại càng vui. Cơ quan nào mà bộ phận hành chính hoặc công đoàn cơ quan có "quan hệ" tốt mua thêm cho bao thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên, vài lạng trà Thái Nguyên thì không thể nói hết sự phấn khởi. Những người làm ăn xa khi về ăn Tết dù tàu xe khó khăn nhưng vẫn cố "tay xách nách mang" cho được những gì mà ở nhà không có.

Với các gia đình nông dân, các gia đình làm nghề tự do khác từ trước Tết cả tháng đã tìm nhà ai nuôi được con lợn béo để hẹn nhau "đụng". Ngày giáp Tết, mờ đất đã nghe tiếng lợn kêu inh ỏi, trẻ con chạy ra chạy vào tíu tít. Các bà nội trợ chỉ thở phào yên lòng sau khi đã phần bên nội, bên ngoại xong mà nhà mình thì cũng đã "hòm hòm" vì có đủ gạo tẻ, gạo nếp, lá dong, vài cái "gộc" để nấu bánh chưng, nồi thịt mỡ nấu đông, ít dưa hành, ít cá…. đủ để mời anh em bạn bè đến dự bữa cơm đầu năm.

Chỉ mấy ngày thôi nhưng bao việc phải làm thế mới có câu "bận như như 30 tết". Bữa cơm tất niên đoàn tụ tất cả mọi thành viên trong gia đình, trong không khí ấm cúng ấy mọi ưu phiền, mắc mớ của năm cũ được xúy xóa và tất cả đều hy vọng một năm mới sức khỏe tốt hơn, hiệu quả thu được cao hơn. Rồi thì "mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy". Và sau Tết là tháng nông nhàn nên "tháng giêng là tháng ăn chơi" đi hội đi chùa…

Thế nhưng chỉ vài chục năm qua với sự xuất hiện của vô số yếu tố kinh tế - xã hội mới đã dần làm cho mọi thứ thay đổi. Nhất là những năm gần đây khoảng cách văn hóa, văn minh giữa đô thị và nông thôn ở Việt Nam đã phần nào được thu hẹp; sự lan tỏa nhanh chóng của các giá trị vật chất cũng như tinh thần; chu kỳ canh tác lúa nước năm không còn hai vụ lúa mà là ba; làng xã thu hẹp, đô thị phát triển làm cho Tết đã bắt đầu có sự chuyển dịch mỗi năm một khác và dường như đã có quan niệm mới về Tết.

Nhịp sống khẩn trương, mọi người dần chấp nhận sự thăm hỏi nhau qua điện thoại, ngôn ngữ khi đối thoại có cả tiếng nước ngoài mà không thấy điều gì đó thất lễ. Các bà nội trợ ít chịu vất vả hơn nên mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên cũng không còn nhất thiết là hoa quả Việt Nam, con gà trống cúng tổ tiên đêm 30 Tết được uốn nắn đẹp có khi đã được thay bằng thịt xông khói, nén hương thơm tỏa khói nghi ngút được thay bằng "hương điện". Những cây nến trên bàn thờ cũng được thay bằng các ngọn đèn điện.

Nồi bánh chưng được nấu đêm ba mươi Tết không còn là yêu cầu bức thiết mà chỉ cần mua vài "cặp" là được và khi đó tất nhiên đám con trẻ không còn thú vui khi ông bà vét số nếp đậu còn lại gói cho vài chiếc bánh con con. Nồi thịt mỡ nấu đông không còn mấy ai quan tâm vì ăn mỡ động vật nhiều được cho là không tốt cho sức khỏe. Nhiều món ăn dân dã như cá kho tộ, cơm niêu, cơm lam… chỉ khách nước ngoài quan tâm nên chỉ còn thấy ở các nhà hàng, khách sạn. Còn người Việt lại dùng thực phẩm nhập ngoại, siêu thị nào cũng có để làm các món ăn của nước ngoài. Bữa cơm tất niên sum họp gia đình, bạn bè ít đi.

Quần áo nặng về mốt thời trang. Phút giao thừa một số đô thị còn chờ được thưởng thức màn pháo hoa, còn ở các vùng nông thôn vì không còn gì để chờ đợi nên ngủ sớm, giao thừa đến lúc nào không hay, lễ giao thừa giữa giờ Hợi ngày 30 hoặc nếu tháng thiếu thì ngày 29 tháng Chạp năm trước và giờ Tý ngày 1 tháng Giêng năm sau để con cháu chúc phúc ông bà và ngược lại; mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ mồng ba Tết thầy, xin chữ, khai bút ... còn ít người, ít gia đình thực hiện. Câu đối, cây nêu chỉ còn ở một vài lễ hội. Mức sống, kiểu sống dường như đã thay đổi và những cái Tết cổ truyền cũng thay đổi theo. Tết Trung thu không còn cảnh các em thiếu niên, nhi đồng rước đèn ông sao đi theo nhịp trống ếch dạo khắp đường làng dưới ánh trăng rằm.

Tết Song thập (10/10 âm lịch) không còn mùi cơm gạo mới hạt còn xanh màu cốm vừa dẻo vừa ngọt vừa bùi như đã là chuyện của ngày xưa. Và Tết dường như chỉ còn ý nghĩa là ngày của vui chơi, ngày của đoàn tụ, ngày của gặp gỡ, khái niệm "ăn Tết" không còn là điều hệ trọng, nhiều hoạt động đậm bản sắc văn hóa Việt bị bỏ qua.

Vào những ngày Tết cứ nhìn các đoàn xe máy từ vùng nông thôn đổ về các đô thị trong các ngày Tết, cứ nhìn các điểm vui chơi, giải trí ở các đô thị với những trò chơi hiện đại được nhập ngoại chật ních người đến tham dự mà bóng dáng những cây du, những trò chơi dân gian dưới lũy tre làng không còn, ăn mặc thì hớ hênh không chỉ nơi công cộng mà cả chỗ tâm linh là biết một kiểu Tết mới đã hình thành. Đó là chưa nói có những gia đình nhà đóng cửa nhưng chẳng về quê mà sử dụng các ngày nghỉ Tết để đi du lịch trong hoặc ngoài nước, xả bớt sự căng thẳng của những ngày làm việc theo nhịp sống hối hả thời hiện đại.

Tết chứa đựng những giá trị nhân văn mang tính truyền thống cổ truyền, thiêng liêng đậm bản sắc văn hóa của một dân tộc có hàng ngàn năm tuổi chứ không đơn thuần là dấu ấn thời gian. Nhưng những năm qua Tết đã và đang chuyển dịch và phần nào đã được chấp nhận. Văn hóa truyền thống đang đứng trước thách thức nếu không có biến đổi thích nghi sẻ trở thành chuyện "xưa như trái đất ". Câu hỏi "Mai rồi Tết sẽ ra sao ?" được nhiều người đặt ra nhưng chưa có câu trả lời.

Điều gì sẽ xẩy ra khi lòng tự trọng và bản sắc văn hóa của một dân tộc dần mất đi?

Sỹ Lập