Ly kỳ hành trình tìm lại thân phận cho cậu quý tử của một vị giám đốc

Khả Vân

(Dân trí) - Áp lực vì chưa có con nối dõi nhưng lại không thể sinh con thứ ba vì muốn giữ "ghế", vị giám đốc ấy đã tìm cách "lách" và trải qua nhiều sóng gió mới tìm lại được lại thân phận pháp lý cho cậu quý tử.

Nặng suy nghĩ "trọng nam khinh nữ", thêm bối cảnh xã hội những năm 90 khó khăn cho việc sinh con thứ ba, vị giám đốc ấy sau này đã phải mất chặng đường 3 năm và trải qua 2 phiên họp của tòa án mới tìm lại được thân phận pháp lý cho cậu con quý tử của mình!

Câu chuyện hy hữu!

Ông Quân (*) khi đó là đảng viên, giám đốc một công ty nhà nước, nhưng là con một trong gia đình truyền thống, ông còn lưu những suy nghĩ trọng nam khinh nữ. Ông Quân là người công thành danh toại có vị trí trong xã hội nhưng khi về gia đình cha mẹ, tham gia việc họ thì sự "thiếu trọn vẹn", "chưa viên mãn" vì "chỉ có 2 con gái" của ông vẫn bị nhiều người nhắc tới.

Gia đình ông Quân, tính đến ông là đã 3 thế hệ độc đinh. Ban ngày công việc bộn bề khiến ông tạm quên đi, nhưng khi đêm xuống ông Quân không thể nào ngủ được khi nghĩ tới việc mình sau này không còn ai nối dõi.

Trong thời kỳ những năm 1990 ấy, việc cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba bị nghiêm cấm. Ai cố tình sinh con thứ ba đồng nghĩa mất hết chức vụ, bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, sự trả giá ấy sẽ là quá đắt với ông Quân. Tuy vậy, sự dày vò trong tâm trí vì việc không có mụn con trai khiến ông Quân luôn có tâm trạng chán nản, buồn bã. Có lúc ông cũng tính từ chức về làm dân thường để hoàn thành tâm nguyện của bản thân và dòng họ nhưng do hậu quả của việc này quá lớn nên ông đành gác lại.

Không có việc gì khó, chỉ là làm bằng cách nào mà thôi. Sau nhiều thời gian suy nghĩ, bàn bạc, ông Quân và vợ nghĩ ra một kế. Bà Hòa vợ ông Quân có người em gái tên Phượng sinh sống ngoài Hà Nội, một nơi rất xa nơi địa phương ông đang công tác. Sau khi bà Hòa có thai con thứ 3 được hai tháng, lấy lý do bà bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị nội trú dài ngày ở bệnh viện Trung ương nên ông Quân đưa bà Hòa lên Hà Nội. Sau đó, bà Hòa về nhà em gái (bà Phượng) tại một huyện ngoại thành Hà Nội để chờ ngày sinh nở.

Mọi việc diễn ra rất thuận lợi cho vợ chồng ông bà Quân. Sau đủ 9 tháng 10 ngày, vợ ông hạ sinh một cậu con trai khỏe mạnh, kháu khỉnh. Ông Quân hớn hở, niềm hạnh phúc, sung sướng luôn rạng ngời trên khuôn mặt. Có lẽ niềm vui khi ông nhận chức giám đốc lãnh đạo cả nghìn người lao động cũng không thể so sánh được với việc có một cậu con trai nối dõi.

Ly kỳ hành trình tìm lại thân phận cho cậu quý tử của một vị giám đốc - 1

Tuy nhiên, một đứa trẻ sinh ra cần phải có cha mẹ, một thân phận pháp lý rõ ràng để sau này còn hòa nhập được vào xã hội. Ông Quân lại bàn với vợ, với em gái để tạo lập lý lịch cho đứa trẻ.

Tháng 5 năm 1992, tại Cảng vụ sân bay Nội bài xảy ra một sự kiện một trẻ 6 tháng tuổi bị bỏ rơi. Qua lời kể của bà Phượng, bà lên sân bay tiễn người thân, khi đang đợi người thân thì có một người phụ nữ bế một đứa trẻ đến nhờ bế hộ để chị ta đi mua sữa cho con. Tuy vậy, đợi mãi không thấy người phụ nữ này quay lại, bà Phượng sau đó được nhân viên an ninh cảng vụ đề nghị mang đứa trẻ về gia đình chăm sóc. Bà Phượng mang đứa trẻ về gia đình và thực hiện thủ tục khai sinh, nhận cháu bé làm con nuôi.

Với câu chuyện ly kỳ đó, cháu bé bắt đầu mang thân phận là con nuôi của em ruột ông bà Quân, Hòa.

Hành trình lấy lại thân phận pháp lý con đẻ

Thời gian trôi đi, công ty ông Quân được cổ phần hóa, chuyển đổi từ mô hình sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân. Các quy định xử lý trách nhiệm cán bộ, đảng viên không còn ngặt nghèo như trước.

Lúc này, ông Quân báo cáo đến Đảng bộ nơi mình công tác và nhận được sự cảm thông, đồng thời cũng được khuyên cần phải trả lại thân phận pháp lý cho cháu bé. Bản thân ông cũng muốn đưa con về gia đình trực tiếp nuôi dưỡng, cho ăn học và công khai thân phận của cháu cho họ hàng.

Khi ông cùng gia đình em gái liên hệ với UBND xã nơi đã khai sinh cho cháu để làm thủ tục nhận lại con thì đã gặp nhiều khó khăn. UBND xã trả lời, theo quy định pháp luật hiện hành, một đứa trẻ không thể vừa có thân phận là con nuôi vừa là con đẻ của cùng một lúc.

Bản thân cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi cũng không chứng minh được có việc giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi hoặc lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số theo điều 13 Luật con nuôi. Sự việc của ông cũng chưa từng có tiền lệ nên UBND xã phải xin ý kiến của Phòng tư pháp huyện. Tiếp đó phòng tư pháp phải đề nghị lên Sở tư pháp cho ý kiến chỉ đạo.

Ly kỳ hành trình tìm lại thân phận cho cậu quý tử của một vị giám đốc - 2

Sau cùng Bộ Tư pháp có hướng dẫn không chấp thuận việc nhận lại cha mẹ đẻ khi trẻ đang có cha mẹ nuôi bởi: "Không thể tồn tại cùng lúc quyền, nghĩa vụ giữa cha, mẹ đẻ với con đẻ và quyền nghĩa vụ giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi bởi vì quan hệ này được xác lập thì quan hệ kia sẽ mất đi và ngược lại". Sau 3 năm ròng rã, gõ nhiều cánh cửa cơ quan hành chính tư pháp, mong muốn trả lại thân phận pháp lý cho cậu con út của ông bà Quân Hòa hoàn toàn bế tắc.

Sau đó ông bà Quân, Hòa tìm đến Công ty luật Pháp Trị, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội và được Luật sư Quách Thành Lực trực tiếp hỗ trợ pháp lý. Luật sư đã phân tích, đánh giá: Dù cả cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi đều có những hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật khi "giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi, lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số" nhưng đứa trẻ không có lỗi, mong muốn nhận lại cha mẹ đẻ là nhân văn, chính đáng.

Việc đầu tiên ông Quân, bà Hòa phải làm thủ tục đề nghị tòa án giải quyết việc dân sự yêu cầu công nhận cha mẹ cho con. Sau đó, cha mẹ nuôi theo quy định tại điều 10 Luật Con nuôi đề nghị Tòa án nơi cháu bé cư trú chấm dứt việc nuôi. Việc chấm dứt nuôi con nuôi được thực hiện ngay sau khi Quyết định công nhận cha mẹ đẻ có hiệu lực.

Khi giải quyết theo trình tự này sẽ đảm bảo được yêu cầu của pháp luật về việc trẻ em luôn có người chăm sóc, bảo vệ nuôi dưỡng và không bị trái với hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc tồn tại đồng thời quan hệ quyền nghĩa vụ cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi với cùng một trẻ.

Ly kỳ hành trình tìm lại thân phận cho cậu quý tử của một vị giám đốc - 3

Sau khi trải qua 2 phiên họp của Tòa án, chặng đường gian nan lấy lại thân phận pháp lý cho cậu quý tử của ông Quân, bà Hòa đã kết thúc một cách viên mãn. Ông Quân, bà Hòa rưng rưng xúc động khi cầm trong giấy khai sinh của con, ở phần cha, mẹ ghi rõ tên của ông bà.

Vậy là tâm nguyện nhiều năm trời của ông bà đã thành hiện thực!

Bên lề câu chuyện, Luật sư Quách Thành Lực tâm sự: "Nghề luật xét ra cũng chỉ là công việc cung cấp một dịch vụ pháp lý dựa trên nền tảng pháp luật để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy vậy vượt qua những quan hệ kinh tế đơn thuần, quan hệ này còn trở thành quan hệ tình cảm ấm áp giữa con người với nhau. Trong quan hệ ấy khi thân chủ và luật sư cùng đồng lòng, chung một chí, hướng đến một mong muốn chính đáng, hợp pháp thì dù có nhiều khó khăn, trở ngại cuối cùng kết quả tốt đẹp tất yếu sẽ đến. Đây có thể không phải là một vụ việc to lớn, được đông đảo người dân trong xã hội quan tâm nhưng điều lương thiện, tốt đẹp chắc hẳn sẽ còn lan tỏa mãi về sau".

(*) Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm