Kỷ niệm ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10):
Luật sư Trương Anh Tú: 90% khối lượng cộng việc của một vụ án là ở ngoài phiên Toà
(Dân trí) - “Nếu như những người làm nghề luật sư chỉ để tham gia tranh tụng tại các phiên tòa cho các thân chủ của mình thì đó chỉ là 10%, trong những công việc mình làm, còn 90% khối lượng cộng việc của một vụ án là ở ngoài tòa”, luật sư Trương Anh Tú - Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.
Nghề đã “chấm” mình
Tiếp tôi trong căn phòng nhỏ trên tầng 5 ngôi nhà 260 đường Xã Đàn, quận Đống Đa, TP Hà Nội đó là văn phòng Luật sư Trương Anh Tú và các cộng sự. Vừa bước vào tôi đã cảm nhận được sự ngăn nắp, các tài liệu được sắp xếp một cách khoa học, cẩn trọng để thuận tiện, dễ dàng trong công việc. Chính nghề luật sư đã cho anh một phong thái chững chạc có phần già dặn trước tuổi.
Sau những câu chuyện về nghề anh trải lòng về “cái duyên” của mình đến với nghề luật sư. Anh sinh năm 1979, quê gốc xứ Thanh nhưng bố mẹ đã thoát ly rồi công tác trong ngành hóa chất. Anh là con út trong gia đình có 4 anh em, gia đình anh không một ai theo nghề luật nên ngay từ đầu bước chân vào nghề anh cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Thậm chí có người thân còn khuyên anh nên tìm nghề nào đó để thuận tiện cho tương lai sau này.
Cũng chỉ vì niềm đam mê tuổi trẻ anh đã quyết tâm đến theo học ngành luật cho dù việc học là không hề đơn giản. Quyết tâm là vậy nhưng sau khi ra trường nhưng vẫn không đủ can đảm để theo nghề”.
Bước ngoặt cuộc đời khi có một người đi cai nghiện bị cơ sở và những người cai cùng đánh gãy 4 xương sườn đã nhờ anh làm đơn gửi cơ quan chức năng và cơ sở cai nghiện. Với lý luận sắc bén chỉ cần những lá đơn do anh viết ngay lập tức cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, bắt giam các đối tượng gây án, nạn nhân được bồi thường thỏa đáng…
Thấy hiệu quả bất ngờ nên anh cho rằng nghề đã “chấm” mình. Thế rồi quyết tâm theo học lớp nghiệp vụ luật sư tại Học viện Tư pháp.
“Đến giờ nhìn lại tôi vẫn nghĩ rằng mình trở thành luật sư ngoài nỗ lực của bản thân, thì cũng cộng thêm cả yếu tố may mắn. Với tôi, khó khăn lớn nhất chính là giai đoạn “tập sự luật sư”, phải lo khoản phí tập sự; cũng như nhiều chi phí khác ví dụ như ăn uống, xăng xe, điện thoại… trong khi thu nhập chưa có, gia đình cũng không có điều kiện hỗ trợ.
Rất may, trong giai đoạn khó khăn đó, tôi đã được một người anh họ cho vay khoản tiền 1000 USD, đổi sang tiền Việt thời điểm đó được gần 17,5 triệu. Tôi dùng một phần lớn số tiền này để chi trả cho các loại phí trong thời gian “tập sự” một cách rất tiết kiệm, phần còn lại sắm cho mình mấy bộ “cánh” (hàng Sale off) mới thật “chỉn chu”. Mặc dù “viêm màng túi” nhưng bước vào nghề luật sư với một vẻ ngoài đàng hoàng, lịch sự, cũng giúp tôi tự tin hơn, và thân chủ cũng nhìn thấy ở tôi sự chuyên nghiệp để củng cố sự tin tưởng của họ đối với tôi. Đến nay tôi vẫn luôn kể cho mọi người và luôn cảm ơn người anh đã cho tôi vay tiền và càng trân trọng hơn khi anh đưa tiền cho tôi tại thời điểm đó thì cũng chẳng khác gì cho không, nhưng may mắn là chỉ chưa đến 1 năm sau tôi đã trả nợ xong...
Rất nhanh chóng lĩnh hội những kỹ năng nghề nghiệp, đã giúp tôi bắt đầu kiếm được những khoản tiền khiêm tốn, thông qua những vụ tư vấn nhỏ. Những khách hàng tìm đến để được tôi tư vấn luật, dù không có hợp đồng nhưng đáp lại họ cũng “cảm ơn” luật sư bằng những khoản tiền nhất định - để “hồi sức cấp cứu” giúp tôi vượt qua những khó khăn để trụ lại với nghề luật sư và thế, cứ thế tôi hiên ngang bước vào nghề luật”, luật sư Trương Anh Tú chia sẻ.
Chuyện đời chuyện nghề
Tôi từng ấn tượng với một tâm sự của anh về kỳ án “Chiếc dùi đục tưởng tượng” xảy ra tại Bắc Ninh. Sau những phân tích sắc bén, đầy tính thuyết phục về chiếc rùi đục tưởng tượng bị cáo vụ án đã được trả tự do ngay tại tòa. Đêm hôm đó, thân chủ đã được ngủ một giấc ngủ say sưa cùng người thân sau 9 tháng bị bắt giam. Hôm sau gặp lại luật sư câu đầu tiên mà thân chủ nói: “Đêm qua cháu đã có một giấc ngủ ngon như chưa từng có việc gì xảy ra”. Thế nhưng để thân chủ của mình có được giấc ngủ đó thì chính luật sư lại là người mất ngủ… bởi anh còn rất nhiều trăn trở, suy tư với sự việc cho dù anh và các đồng sự đã thắng lợi ở “phút thứ 89”.
Đó chỉ là một trong hàng trăm vụ án mà luật sư Tú và các đồng sự đã tham gia và đạt kết quả. Bâng quơ tôi hỏi anh: Có khi nào anh gặp khó, phải chịu bó tay trước một vụ việc phức tạp? Thoáng suy tư anh trả lời: Ngay từ khi bước vào nghề tôi đã có một khẩu hiệu bất di, bất dịch trong đầu: “Không nói không với bất cứ việc gì, tuyệt đối nói là không thể”.
Theo như luật sư Trương Anh Tú chia sẻ thì: “Ở một người bình thường chỉ cần “vài cái gạch đầu dòng” là có thể làm tốt công việc của mình. Nhưng nghề luật sư thì không chỉ đòi hỏi niềm đam mê, thái độ làm việc nghiêm túc, khoa học, tư duy nhậy bén mà có lẽ phải có đến cả “chục cái gạch đầu dòng”. Nói như vậy không phải là người luật sư toàn tài nhưng cũng phải đạt đến ngưỡng của sự hoàn hảo. Bởi cái đích cuối cùng của mỗi luật sư chính là tinh thần thượng tôn pháp luật, công lý, lẽ phải phải được thực thi theo quy định của pháp luật”.
Nếu như những người làm nghề luật sư chỉ để tham gia tranh tụng tại các phiên tòa cho các thân chủ của mình thì luật sư Trương Anh Tú lại nghĩ khác: “Đó chỉ là 10%, trong những công việc mình làm, còn 90% khối lượng cộng việc của một vụ án là ở ngoài tòa”, luật sư Tú chia sẻ. Tìm hiểu rộng ra mới biết anh cũng thường xuyên có những bài viết đăng tải trên các tờ báo lớn thể hiện quan điểm về những vụ việc phức tạp và góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo các bộ luật.
Một dẫn chứng cụ thể mặc dù bộ môn Khoa học hình sự có lịch sử hình thành lâu đời, tuy nhiên, có rất nhiều khái niệm trong hình sự vẫn chưa được các nhà làm luật định nghĩa một cách rõ ràng. Bằng kinh nghiệm trong quá trình làm việc, Luật sư Trương Anh Tú đã đưa ra khái niệm “Truy nã” và khẳng định không tồn tại thuật ngữ “truy nã địa phương” hay “truy nã toàn quốc” trong khoa học hình sự.
Vụ án, anh em ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, từng được dư luận đặt ra hàng loạt các câu hỏi: Ai sai? Ai đúng? Loại đất gì? Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đến đâu? LS Trương Anh Tú đã nhìn thấy một khía cạnh khác của vấn đề “Vụ cưỡng chế tại Hải Phòng” có dấu hiệu của tội “hủy hoại tài sản”. Đây cũng là ý kiến đầu tiên cho rằng: vụ cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu của tội phạm, từ đó, các cơ quan tố tụng đã tiến hành khởi tố hình sự đối với những cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật.
Anh Thế