Luật sư phân tích vụ người đi xe máy đè vạch xương cá bị CSGT phạt

Hải Hà

(Dân trí) - Luật sư cho rằng, việc CSGT cần làm trong trường hợp này là phải kẻ lại vạch sao cho hợp lý, phù hợp với tình hình giao thông trên thực địa và chấm dứt hành động đón lõng cuối các "bẫy giao thông".

Dư luận đang xôn xao về clip chia sẻ vụ việc một người điều khiển xe máy bị cảnh sát giao thông bắt lỗi vì đè vạch xương cá khi tham gia giao thông trên đường.

Trường hợp này khá đặc biệt, khi vạch xương cá nối liền vào phần đường dành cho xe máy trước đó và bên trái là vạch kẻ liền. Nếu người đi xe máy tiếp tục đi thẳng thì mắc lỗi đè vạch xương cá; còn nếu đi sang làn bên trái để né vạch xương cá thì sợ mắc lỗi đè vạch kẻ liền. 

Luật sư phân tích vụ người đi xe máy đè vạch xương cá bị CSGT phạt - 1

Ảnh minh họa.

Do đó, sau khi được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, clip trên đã lập tức gây sốt, thu hút hàng ngàn lượt xem và bình luận. Hầu hết các ý kiến đều chia sẻ kinh nghiệm tương tự của bản thân và tỏ thái độ bức xúc với cách kẻ vạch xương cá như trong clip, cho rằng vạch kẻ như vậy là bất hợp lý, không khác gì đánh đố và bẫy người đi đường.

Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp Trị cho rằng, việc cần làm trong vụ việc này đó là cơ quan cảnh sát giao thông, đơn vị phụ trách quản lý việc thiết lập vạch kẻ đường phải kẻ lại vạch sao cho hợp lý, phù hợp với tình hình giao thông trên thực địa và chấm dứt hành động của cảnh sát giao thông khi đón lõng cuối các "bẫy giao thông" để bắt, phạt người dân.

Lỗi của người tham gia giao thông hay lỗi người kẻ vạch?

Người tham gia giao thông có lỗi khi: Trong clip người xem chỉ nhìn thấy hình ảnh đoạn vạch kẻ đường nét liền tương đối ngắn phân làn dành xe máy tiếp giáp với "vạch xương cá". Nếu giả sử có vạch đứt nét ở đoạn trước (phần hình ảnh camera không ghi nhận) nhưng người lái xe không chuyển làn trên phần đứt nét mà vẫn đi tiếp vào phần vạch xương cá thì người lái xe này đã vi phạm lỗi không chấp vạch kẻ đường.

Người tham gia giao thông không có lỗi khi: Trong trường hợp chỉ có vạch nét liền đến tận "vạch xương cá" thì người tham gia giao thông không có lỗi. Bởi lẽ lỗi hiện nay được pháp luật ghi nhận như sau:

Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Lỗi vô ý là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được".

Trong trường hợp này người tham gia giao thông không có lựa chọn nào để không vi phạm. Sự vi phạm của người này là hệ quả tất yếu do vạch kẻ đường không hợp lý của cơ quan có thẩm quyền. Việc kẻ vạch đường này đã vi phạm điều 52.5 QCVN 41:2019/BGTVT: "Khi sử dụng, lựa chọn vạch kẻ đường phải đảm bảo hợp lý về tổ chức giao thông đối với từng tuyến đường và căn cứ vào chiều rộng mặt đường phần xe chạy, tốc độ xe chạy, lưu lượng, phương tiện và người đi bộ tham gia giao thông để quyết định".

Đã không có lỗi thì không thể xử phạt vi phạm hành chính căn cứ khoản 1, khoản 2 điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính"; và khoản 2 điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính".

 Các loại vạch kẻ đường liên quan đến tình huống trong clip

Hiện nay, QCVN 41:2019/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định các loại biển báo, vạch kẻ đường… Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe (Điều 52.1, QCVN 41:2019/BGTVT).

Một là: Vạch 2.1: Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, đứt nét

Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia các làn xe cùng chiều. Trong trường hợp này, xe được phép thực hiện việc chuyển làn đường qua vạch 2.1.

Luật sư phân tích vụ người đi xe máy đè vạch xương cá bị CSGT phạt - 2

Hai là: Vạch 2.2: Vạch phân chia các làn xe cùng chiều, dạng vạch đơn, liền nét.

Ý nghĩa sử dụng: dùng để phân chia các làn xe cùng chiều trong trường hợp không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

Luật sư phân tích vụ người đi xe máy đè vạch xương cá bị CSGT phạt - 3

Ba là: b. Vạch 4.2: vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V

Ý nghĩa sử dụng: Vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V được sử dụng để giới hạn các phần mặt đường không sử dụng cho xe chạy mà sử dụng để kênh hóa các dòng giao thông giao thông trên đường. Khi vạch 4.2 được sử dụng, các phương tiện giao thông phải đi theo tuyến đường quy định, không được lấn vạch hoặc cắt qua vạch trừ những trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ.

Quy cách vạch như sau:

Vạch 4.2 bao gồm các vạch liền nét, màu trắng được vẽ song song, mỗi vạch rộng 45 cm, khoảng cách hai mép vạch 100 cm, vạch nghiêng một góc 135o theo chiều ngược chiều kim đồng hồ so với hướng chuyển động của xe. Vạch xác định phạm vi kẻ vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V là vạch đơn liền nét, màu trắng. Vạch này có bề rộng nét vẽ b = 20 cm. Hình G.28 minh họa cách vẽ vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V.

Luật sư phân tích vụ người đi xe máy đè vạch xương cá bị CSGT phạt - 4

Trong thực tế giao thông, mọi người thường gọi Vạch 4.2: vạch kênh hóa dòng xe dạng chữ V là "Vạch xương cá". 

Phân tích tình huống người lái xe máy đè vạch xương cá

Trong clip có thể thấy: Lái xe đang đi trên làn đường dành cho xe máy. Khi đến vị trí vạch xương cá, người lái xe máy không thể rẽ trái vì vạch phân chia làn xe máy và làn ô tô là vạch đơn, nét liền (ý nghĩa: không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác; xe không được lấn làn, không được đè lên vạch) nên lái xe buộc phải đi đè lên vạch xương cá.

Ngay tại vị trí cuối vạch xương cá có cảnh sát giao thông đứng chờ sẵn để bắt lỗi vi phạm, tiến hành xử phạt.

Như vậy có thể thấy người tham gia giao thông trong trường hợp này đi kiểu gì cũng mắc lỗi: i) nếu rẽ trái nhập làn oto thì phạm lỗi đè vạch kẻ đường nét liền; ii) nếu đi thẳng thì phạm lỗi đè vạch xương cá. Cả hai hành động này theo quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với lỗi này là từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông khi phạm lỗi này, thì người điều khiển phương tiện sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.