Hà Nội:

Luật sư lật nhiều “góc khuất” trong bản án bị kháng nghị của TAND quận Hai Bà Trưng

(Dân trí) - Sau khi VKSND TP Hà Nội đã chính thức ra Quyết định kháng nghị bản án kinh doanh thương mại của TAND quận Hai Bà Trưng về tranh chấp tại mỏ đá hoa trắng KhauTuKa - Lục Yên (Yên Bái), luật sư Vũ Thị Nga đã chỉ ra nhiều “góc khuất” trong vụ việc.

Liên quan đến bản án kinh doanh thương mại của TAND quận Hai Bà Trưng về tranh chấp tại mỏ đá hoa trắng KhauTuKa - Lục Yên (Yên Bái) liên tục bị nguyên đơn khiếu nại, VKSND TP Hà Nội đã chính thức ra Quyết định kháng nghị, đề nghị TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm theo hướng huỷ bản án sơ thẩm.

Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Vũ Thị Nga - Trưởng VPLS Công lý Việt cho rằng: HĐXX TAND quận Hai Bà Trưng  đã xét xử vụ án, tuyên án thay đổi địa vị tố tụng của nguyên đơn Công ty Cổ phần Tập Đoàn Thái Dương thành bị đơn trái pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương.

Luật sư lật nhiều “góc khuất” trong bản án bị kháng nghị của TAND quận Hai Bà Trưng - 1

Luật sư Vũ Thị Nga: Bản án sơ thẩm của TAND quận Hai Bà Trưng bị kháng nghị có nhiều sai phạm.

Tại Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cũng đã nêu: Căn cứ vào điểm e khoản 1 điề 192, theo đó: “Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng” thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án chứ không quy định về thay đổi địa vị tố tụng, trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố trước đó chỉ có thể giải quyết bằng vụ án khác vì lúc này nguyên đơn chưa thể biết tư cách mình là bị đơn để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bị đơn (nếu bị đơn vắng mặt lần thứ nhất thì phải hoãn phiên tòa theo khoản 1 điều 199 BLTTDS).

Theo khoản 1 điều 219 BLTTDs 2011 và điều 33 nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn điều 219, việc “thay đổi địa vị tố tụng” được quy định như sau:

Điều 33 nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP “Trường hợp tại phiên tòa có đương sự rút yêu cầu, thì tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:

1.Nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố của mình theo quy định tại khoản 1 điều 219 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử:

a, Ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 218 của BLTTDS;

b, Công bố việc thay đổi địa vị tố tụng đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 218 của BLTTDS;

2.Nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 219 của BLTTDS, thì Hội đồng xét xử:

a, Ra quyết định đình chỉ xét xử đối với toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, của bị đơn đã rút theo quy định tại khoản 2 điều 218 BLTTDS.

b, Công bố công khai tại phiên tòa việc thay đổi địa vị tố tụng tùy theo mối quan hệ giữa các đương sự liên quan đến yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

3.Việc thay đổi địa vị tố tụng của đương sự phải được ghi vào biên bản phiên tòa và phải được ghi trong bản án.”

“Thay đổi địa vị tố tụng” nằm trong giai đoạn xét xử được quy định trong phần “Thủ tục hỏi tại phiên tòa” tức là tại thời điểm đó cả nguyên đơn và bị đơn đều có mặt, và phải công bố việc thay đổi địa vị tố tụng này nhưng không được cấp sơ thẩm thực hiện, mặt khác trong vụ án này nguyên đơn không rút yêu cầu khởi kiện mà là nguyên đơn vắng mặt khi xét xử nên không thuộc trường hợp quy định thay đổi địa vị tố tụng của các đương sự tại phiên tòa sơ thẩm được.

“Việc thay đổi địa vị tố tụng của tòa sơ thẩm như trên là vi phạm nghiêm trọng điều 219 BLTTDS và Điều 33 Nghị quyết 05/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”, luật sư Nga khẳng định.

Luật sư lật nhiều “góc khuất” trong bản án bị kháng nghị của TAND quận Hai Bà Trưng - 2
Luật sư lật nhiều “góc khuất” trong bản án bị kháng nghị của TAND quận Hai Bà Trưng - 3

Bản án của TAND quận Hai Bà Trưng bị kháng nghị.

Bản án KDTM sơ thẩm số 02/2015/KDTM-ST ngày 09/2/2015 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã tuyên với rất nhiều sai sót làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty cổ phần Tập Đoàn Thái Dương.

Các yêu cầu chính đáng của nguyên đơn không được xem xét ngược lại những yêu cầu không có căn cứ pháp luật của bị đơn thì lại được vị thẩm phán cố tình ra phán quyết trái pháp luật. (Nguyên đơn đề nghị toà án xác minh những lý do dẫn đến hai bên không hợp tác được, những mâu thuẫn trong vấn đề hợp tác sản xuất kinh doanh không được bị đơn giải quyết theo pháp luật doanh nghiệp để dẫn đến việc hành xử theo kiểu phi doanh nghiệp, không liên quan đến phạm vi hợp tác kinh doanh của 2 bên đã xảy ra tại địa phương nhưng không được toà án xem xét. Ngược lại, toà án ra quyết định thẩm định tài sản đối với tài sản của Công ty Nguyên đơn khi yêu cầu của bị đơn không có căn cứ dẫn đến việc Chánh án toà án phải ra Quyết định huỷ bỏ Quyết định thẩm định tại chỗ của thẩm phán chủ toạ phiên toà).

“Việc Tòa án không giải quyết đơn xin tạm đình chỉ giải quyết vụ án sau nhiều lần khiếu nại cũng không đúng với quy định của pháp luật. Nội dung thông báo giải quyết đơn khiếu nại “…Yêu cầu người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương tham gia tố tụng theo thông báo của Tòa án…” là không có căn cứ, bởi lẽ Bộ luật tố tụng dân sự quy định Người đại diện hợp pháp chứ không có văn bản nào quy định trường hợp nguyên đơn khởi kiện thì bắt buộc người đại diện theo pháp luật phải có mặt", luật sư Nga phân tích.

Đặc biệt, theo luật sư Nga, TAND quận Hai Bà Trưng đã thụ lý Phản tố, giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trái pháp luật:  Thụ lý yêu cầu phản tố không đúng. Trong vụ án nguyên đơn là công ty CP tập đoàn Thái Dương khởi kiện yêu cầu hủy bỏ hợp đồng hợp tác sản xuất kinh doanh số 09/2007/HHĐHT ngày 01/02/2007 mà công ty đã ký với ông Phạm Quốc Quảng và bà Lương Tuyết Hạnh, còn đơn của ông Phạm Quốc Quảng và bà Lương Tuyết Hạnh đề nghị không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty Thái Dương đồng thời yêu cầu Tòa án buộc Công ty Thái Dương tiếp tục thực hiện các điều khoản trong hợp đồng. Như vậy đơn của ông Quảng và bà Tuyết là đơn phản đối với yêu cầu khởi kiện của công ty Thái Dương, không độc lập với yêu cầu khởi kiện của công ty Thái Dương nên theo quy định tại Điều 176 Bộ luật tố tụng dân sự thì đây không phải là đơn phản tố. Việc Tòa án thụ lý đơn của ông Quảng và bà Tuyết là theo trình tự phản tố là không đúng quy định của pháp luật.

“Hơn nữa, TAND quận Hai Bà Trưng đã xét xử vượt qúa yêu cầu khởi kiện. Việc án sơ thẩm tuyên cấm thay đổi hiện trạng khu mỏ đá Khau Tu Ka đang tranh chấp không có trong yêu cầu khởi kiện phản tố của ông Phạm Quốc Quảng và bà Lương Tuyết Hạnh là giải quyết vượt quá phạm vi yêu cầu của các đương sự vi phạm quyền tự định đoạt của đương sự trong vi phạm điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự”, luật sư Nga nhận định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế