Luật sư hướng dẫn cách tạm hoãn thi hành án sao cho đúng luật
(Dân trí) - Việc thua sơ thẩm và phúc thẩm trong một bản án dân sự khiến người thua cuộc phải đối diện với việc thi hành án. Vậy người phải thi hành án có cách nào bảo vệ quyền lợi của mình?
Trình tự thi hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật
Sau khi có bản án sơ thẩm, bên thua kiện nếu kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án thì trình tự xét xử phúc thẩm đương nhiên sẽ diễn ra.
Còn khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, bên thua kiện thực hiện quyền đề nghị kháng nghị. Nếu được người có quyền kháng nghị chấp thuận thì Tòa án Cấp cao hoặc tòa án Tối cao mới tiến hành mở phiên họp xem xét kháng nghị.
Kháng nghị, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm không phải một trình tự đương nhiên tiến hành, đây là trình tự tố tụng đặc biệt chỉ diễn ra khi người có thẩm quyền thấy có căn cứ.
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, bên thắng kiện trong bản án hay còn gọi là bên được thi hành án (THA) trong giai đoạn THA sẽ có đơn yêu cầu gửi tới cơ quan THA có thẩm quyền. Một bản án sau khi có hiệu lực, nếu các bên đương sự không tự nguyện, không thỏa thuận THA thì chỉ có cơ quan THA mới có thẩm quyền thi hành án.
Phương thức để tạm hoãn thi hành án
Người phải thi hành án cần thực hiện quyền đề nghị kháng nghị Bản án theo trình tự Giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án để Tòa án cấp trên xem xét lại Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Trong thời gian chờ người có thẩm quyền thực hiện quyền kháng nghị, người phải THA vẫn có nghĩa vụ THA và chấp hành các quyết định của Bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Do vậy hoạt động tạm hoãn thi hành án, đề nghị cơ quan thi hành án giải thích bản án, thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là vô cùng cần thiết.
Việc tạm hoãn THA, người phải THA nên căn cứ quy định điểm d, điểm đ , khoản 1, điều 48 Luật thi hành án dân sự.
"d) Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;
đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 của Luật này";
Việc đề nghị cơ quan thi hành án giải thích bản án, kháng nghị theo quy định tại điểm d, điểm đ đ, khoản 2, điều 23 Luật thi hành án dân sự.
"d) Yêu cầu cơ quan đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ hoặc không phù hợp với thực tế trong bản án, quyết định đó để thi hành;
đ) Kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật".