Luật pháp và tình người có mâu thuẫn trong vụ tên cướp “lương thiện” trả lại 100 triệu?

(Dân trí) - “Nếu như chỉ việc trả lại tài sản sẽ không đủ căn cứ để cơ quan tố tụng đi đến việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu xem xét hành động này trong một chuỗi những hiệu ứng tâm lý xã hội tốt đẹp mà nó đem lại thì sự việc của người đàn ông trong vụ việc này nên được cơ quan tố tụng vận dụng phù hợp các quy định để có thể không truy cứu trách nhiệm”, luật sư Quách Thành Lực nhận định.

Vụ việc hi hữu xảy ra vào chiều cuối năm Mậu Tuất, ngày 28/1, chị T. (phiên dịch cho một công ty tại thị xã Thuận An, Bình Dương) chạy xe máy mang giỏ xách chứa 100 triệu đồng tiền của Công ty và 7 triệu đồng tiền trong ví cá nhân cùng 2 điện thoại đến ngân hàng giao dịch thì bị một người đàn ông cướp giật giỏ xách lấy toàn bộ tài sản. Chị T. đến Công an trình báo việc bị cướp.

Luật pháp và tình người có mâu thuẫn trong vụ tên cướp “lương thiện” trả lại 100 triệu? - 1

Tài sản của nạn nhân được trả lại sau vụ cướp.

 

Luật pháp và tình người có mâu thuẫn trong vụ tên cướp “lương thiện” trả lại 100 triệu? - 2

Thư xin lỗi của người đàn ông đi cướp vì "tín dụng đen", sau đó trả lại nạn nhân 100 triệu đồng, 2 điện thoại.

 

Chị T. tuyệt vọng và nghĩ rằng đã bị mất sạch tài sản thì bất ngờ vào sáng 29/1, lực lượng dân quân UBND phường An Phú phát hiện trong chốt trực ngoài cổng có một túi xách nên đã kiểm tra. Khi mở ra mọi người phát hiện bên trong có cọc tiền, điện thoại cùng một lá thư. Chị T. sau đó được mời lên trao lại 100 triệu đồng, 2 điện thoại và được xem lá thư xin lỗi của tên cướp.

Theo chị T., dù rất giận khi bị cướp nhưng khi nhận lại được 100 triệu đồng, 2 điện thoại và biết được nội tình qua lá thư xin lỗi của người đã cướp tài sản của mình, chị T. lại trân trọng sự hối lỗi của đó và mong muốn Công an không truy xét để người đàn ông này được ăn Tết cùng vợ và con nhỏ mới ba tháng tuổi.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật TNHH LSX- Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: :Dưới góc độ pháp lý, hành động giật lấy tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt đã thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm. Việc trả lại tài sản khi tội phạm đã hoàn thành chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ mức hình phạt với tội phạm người đó đã thực hiện. Tuy nhiên, như một cán bộ công an tỉnh Bình Dương nói: "Hành vi cướp giật đó là rõ ràng rồi. Nhưng trong cái lý còn phải xét tới cái tình".

Ở đây cái tình ấy là hoàn cảnh quẫn bách của người cha phải thường trực đối mặt với việc tính mạng của con thơ, vợ dại bị đe dọa bởi những kẻ tín dụng đen, đòi nợ kiểu giang hồ; đó là sự sám hối tìm quay về bản tính thiện lương ngay sau một hành động bộc phát nhất thời. Ngoài ra còn là sự sự cảm thông hoàn cảnh người phạm tội từ chính người bị mất tài sản từ hàng nghìn người dân khi biết sự việc, cao hơn nữa là lan tỏa tính hướng thiện, tin tưởng vào điều tốt đẹp ở con người của toàn xã hội.

Luật pháp và tình người có mâu thuẫn trong vụ tên cướp “lương thiện” trả lại 100 triệu? - 3

Luật sư Quách Thành Lực: Hành động của người đàn ông trả lại tài sản sau khi đã chiếm giữ nhìn dưới góc độ lan tỏa tính hướng thiện trong xã hội phần nào đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Luật hình sự, hơn cả việc áp dụng các hình phạt.

 

Tính hướng thiện thuộc phạm trù đạo đức đó là rào cản tự nhiên ngăn từng cá nhân trong xã hội không làm điều sai trái, vi phạm phạm luật.

Một trong những nhiệm vụ của  bộ Luật Hình sự chính là “ giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.”(Điều 1 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Hành động của người đàn ông trả lại tài sản sau khi đã chiếm giữ nhìn dưới góc độ lan tỏa tính hướng thiện trong xã hội phần nào đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Luật hình sự, hơn cả việc áp dụng các hình phạt.

Ngoài ra cơ quan chức năng có thể vận dụng những quy định “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.(Khoản 2 điều 8 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)

Hoặc áp dụng quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự với căn cứ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy him cho xã hội nữa”.

Nếu như chỉ việc trả lại tài sản sẽ không đủ căn cứ để cơ quan tố tụng đi đến việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu  xem xét hành động này trong một chuỗi những hiệu ứng tâm lý xã hội tốt đẹp mà nó đem lại cho hàng triệu người thì sự việc của người đàn ông trong vụ việc này cần được cơ quan tố tụng vận dụng phù hợp các quy định nêu trên để không truy cứu trách nhiệm của người này.

Tôi tin một quyết định tố tụng có lý, có tình sẽ tạo ra một ảnh hưởng tâm lý tốt đẹp trong toàn xã hội đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện nay có nhiều bản án tuyên đi ngược lại tâm lý của phần đông người dân”.

Anh Thế (ghi)