Tiêu điểm:
Luẩn quẩn không có lối ra
(Dân trí) - Học sinh ở các tỉnh xa xôi lặn lội về TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để luyện thi đại học. Nhiều nơi ở hai thành phố này trở thành nơi tập trung đông đúc sĩ tử từ bốn phương.
Các thầy cô giáo chuyên nghề luyện thi chạy sô như ca sĩ, mùa thi đại học đúng là mùa làm ăn của các trung tâm luyện thi, lò luyện thi và của những thầy cô có thương hiệu.
Thí sinh đến từ các vùng miền xa xôi đa số đều rất nghèo. Giá cả sinh hoạt liên tục leo cao nên các thí sinh đành chịu thêm một chi phí nữa của thời lạm phát. Tiền học phí, tiền ăn uống, đi lại và phòng trọ cho một kỳ luyện thi trong thời buổi khó khăn này quả là gánh nặng cho các gia đình. Sau kỳ luyện thi là kỳ thi, chi phí tăng thêm. Sau kỳ thi là nhập học, chặng đường còn quá xa ngái. Đối với người nghèo, tính liều từng chặng được tới đâu hay tới đó, không dám nghĩ xa vì sợ quá sức mình.
Nhìn sĩ tử khắp nơi đổ dồn về các thành phố lớn luyện thi sẽ thấy khoảng cách giữa thành thị - nông thôn, giàu - nghèo ngày càng nới rộng. Người dân sống ở vùng nông thôn nghèo khổ, lại chịu thêm nhiều thiệt thòi. Khoảng cách về kinh tế sinh ra các khoảng cách khác. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, có một sự khác biệt quá lớn giữa hai khu vực, phân hóa sâu sắc hơn cả đời sống vật chất. Riêng chuyện học đủ thấy, ở vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn rất ít có thầy giỏi nên chất lượng học tập của học sinh thấp hơn so với khu vực thị thành. Tỉ lệ học sinh ngồi nhầm lớp, bỏ học vì không theo kịp chương trình chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn. Thiếu giáo viên giỏi nên khó có thể chuẩn bị tốt cho học sinh tham dự một kỳ thi đại học, do đó phụ huynh, dù nghèo khổ vẫn gói ghém cho con về thành phố luyện thi. Cuộc lều chõng dù rất tốn kém nhưng cơ may đậu đại học cao hơn là luyện thi ở trường làng. Thực ra cũng có nơi có thầy giỏi và tổ chức luyện thi tốt, nhưng thường phụ huynh và học sinh có tâm lý muốn về thành phố học cho "xịn" hơn.
Đến bao giờ rút ngắn khoảng cách này để cho người nghèo bớt thiệt thòi, đó là câu hỏi rất khó giải đáp. Nhà nước chưa có chính sách hợp lý để thu hút nhân lực về vùng nông thôn thì khó có giáo viên giỏi dấn thân về đây phục vụ. Người giỏi trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đều tìm về thành phố vì kiếm tiền dễ dàng hơn, điều kiện sống tốt hơn. Vùng nông thôn mất dần người tài giỏi thì chất lương các dịch vụ về giáo dục, y tế ngày càng tụt thấp, chất lượng đào tạo thấp thì không thể học hành đỗ đạt để cải thiện đói nghèo, đó chính là cái vòng luẩn quẩn không có lối ra. Đã có nhiều ý kiến đề nghị nhà nước có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và giữ chân giáo viên tại các vùng sâu vùng xa, nhưng bao nhiêu năm rồi những ý kiến đó chỉ là lời nói gió bay.
Lê Chân Nhân