Kỷ niệm 90 năm thành lập trường Huỳnh Thúc Kháng (Tp. Vinh):

Lớp 9H của tôi ngày ấy…

(Dân trí) - Hiệp định Pari 1973 kí kết vỡ òa trong tiếng cười lẫn tiếng khóc vui tràn đầy nước mắt của đám học trò chúng tôi ngày ấy trong niềm vui chung của nhân dân miền Bắc, tuy miền Nam ruột thịt vẫn còn phải tiếp tục cuộc chiến đấu ngoan cường…

 
Lớp 9H của tôi ngày ấy… - 1

Nữ sinh trường Huỳnh Thúc Kháng hôm nay.

 

…Học kì 2 của năm đó tôi đang dở dang lớp 8E ở vùng nông thôn nơi sơ tán. Lẽ ra tôi cùng bạn bè sẽ về Vinh để học tiếp. Nhưng tôi “bị” giữ lại để bồi dưỡng môn văn chuẩn bị cho “hạt nhân” của trường cấp 3 Đô lương 1.

 

Sang lớp 9 thì tôi nhất quyết “ra đi” vì lí do gia đình nên nằng nặc xin về Vinh. Thầy Lê Văn Thụ, hiệu phó biết “không” thể giữ tôi lại được nên đành phải “thả”  (Thầy rất cưng tôi, xem như con cháu trong nhà). Tôi cũng rất buồn vì phải xa thầy cô ở nơi sơ tán…nhưng biết làm sao được? Ba tôi đã về hưu, sức khỏe yếu mà  không ai chăm sóc. Chị gái tôi thì làm việc ở Sở Bưu điện tỉnh Nghệ An,  đạp xe đi về hàng chục km trong ngày cũng ảnh hưởng đến công việc. Còn anh trai của tôi là Võ Tuấn Tài (Hiệu trưởng trường Huỳnh Thúc Kháng khóa 1999-2010) thì đang chiến đấu ở Lào.

 

Và như con chim sổ lồng, tôi hăm hở cùng bè bạn bước vào một năm học mới sau ngày miền Bắc hoàn toàn im tiếng bom đạn. Lớp học của tôi chỉ là mái lán tranh tre đơn sơ nép mình bên trường Đại học Sư phạm Vinh (tòa nhà 4 tầng ở xã Hưng Bình) đã bị bom đạn phá nham nhở. Các lớp vẫn phải nằm rải rác vì trường chưa xây mới.

 

Lớp 9H do cô giáo Nhật làm chủ nhiệm. Chúng tôi nhanh chóng hòa nhập với nhau như đã thân thiết tự bao giờ. Thật là quả đất tròn, tôi gặp lại Đinh Việt Hùng (bọn tôi vẫn đùa trêu là “quan phụ mẫu” bởi khuôn mặt béo phị của hắn giống nhân vật quan lớn trong tác phẩm “Bước đường cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan) vốn là bạn học từ hồi vỡ lòng (do thầy Tâm cụt tay dạy dỗ, thầy là thương binh chống Pháp) ở khu phố 2, thị xã Vinh từ những năm 1962.

 

Lớp chúng tôi gần như là những gương mặt “sáng” bởi thành tích nổi bật trong học tập, từ khắp các nẻo đường nông thôn tụ tập về. Những Võ Thanh Minh, cây toán xuất sắc nhất của trường. Dáng người lêu đêu như “khủng long” với chiều cao “khiêm tốn” có… 1 mét 75, nhưng Minh lại rất hiền lành như con gái, nên luôn bị là mục tiêu châm chọc của bọn “quỉ sứ”. Sau này Minh đỗ đại học (30 điểm – khối A) cao điểm nhất trường và đi học ở Liên Xô. Đến giờ tôi vẫn không biết là bạn đang làm việc ở đâu?

 

Rồi những Phan Bùi Kì, Trần Phú Minh, Nguyễn Hoàng Hòa, Hoàng Trọng Kim, Trịnh Ngọc Quang, Trần Thanh An, Thái Văn Hóa, Nguyễn Thành Công (Lớp trưởng và là Bí thư Chi đoàn, dáng dấp lúc nào cũng chững chạc như người lớn bởi hắn không bao giờ bỏ áo ngoài quần!). Rồi Nguyễn Công Hùng (bọn tôi trêu là “đại bư” bởi dáng lừ đừ như con gấu! Hùng chơi thân với tôi sau này)…

 

Sang tới đám bọn con gái. Nào là Trần Thị Lan “thủ thành”, Lê Thị Đào Nguyên “phụ tá thủ thành” (dáng dấp cao to lừng lững!), Nguyễn Thị Mai “nhà thơ” bởi là con gái “rượu” của nhà thơ Minh Huệ! Kể sao cho hết đám bạn của tôi? Lớp 9H sau này là 10H luôn là tấm gương sáng của trường thời điểm đó. Nhiều lúc “được” khen quá khiến chúng tôi cũng hay ngượng (lẫn chút tự hào!) với đám bạn cũ từ trường nông thôn về, nhưng biết làm sao?

 

Dạy toán có thầy Bình, cô Mai dạy văn, cô Nam môn Nga văn, thầy Cẩn dạy lí, cô Phương dạy hóa, môn sử thầy Doãn (có lẽ giờ học ít ngủ gật nhất cho dù là cái tiết mà bụng đã bị kiến bò là của thầy, bởi cách dạy rất thú vị mà đứa nào cũng nghe như mật rót vào tai…). Các thầy cô rất mến bọn lớp tôi. Điều này cũng dễ hiểu!

 

Tôi còn nhớ, những giờ học văn ngoại khóa thú vị nhất của bọn tôi là được đi dã ngoại ở vùng nông thôn. Ví dụ như sang Tiên Điền, Nghi Xuân quê hương của  đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Ngày đó phải đi phà Bến Thủy. Đứa có xe đạp chở đứa đi xe “hăng cải”(hai cẳng - đi bộ ấy mà!) Nhà nghèo không có xe đạp nên tôi toàn cứ phải bám gấu áo chúng nó.

 

Còn những buổi chiều đi lao động thì khỏi nói. Sao mà vô tư thế? Còn nhớ, chúng tôi tham gia đào hồ thủy lợi mang tên công trình Thanh niên ở cạnh chùa Sư nữ, khu vực Cửa Nam ven đường quốc lộ đi lên Nam Đàn. Đứa khuân đứa vác đứa xúc đứa đào say sưa, lại còn nghịch ngợm tặng bùn cho nhau!

 

Giờ giải lao thì đã có Kì Thiết Bảo với cây kèn acmônica lúc nào hắn cũng giắt kĩ trong túi quần qua bài tủ “Con ếch xanh”…Còn Đặng Ngọc Việt và Đào Trọng Hòa với những câu chuyện tiếu lâm cười đến chảy nước mắt…

 

Lớp chúng tôi là thường xuyên về trễ, bởi cái tay Công lớp trưởng lúc nào cũng đạo mạo. Hắn tra tấn chúng tôi hàng 15 phút sau giờ học, khi mà lũ kiến đã bò ngang bò dọc trong bụng. Đã thế lại còn cái anh gió Lào hầm hập bụi nóng nó hành cho. Nhiều đứa “hận” Công lắm nhưng vốn nhanh quên nên khi ra về là mạnh đứa nào đứa ấy té! Thường thì sinh hoạt lớp lúc này chỉ là nhắc nhở, kiểm điểm. Tuy nhiên nhờ những buổi trưa muộn màng như vậy mà ý thức học hành của lớp luôn được thầy hiệu trưởng Phạm Nhượng ngợi khen dưới cờ đầu tuần.
 
Lớp 9H của tôi ngày ấy… - 2

Sân trường sáng màu áo trắng học trò.

 

Năm 1974, phong trào tuyển quân rầm rộ chuẩn bị cho chiến dịch lớn ở miền Nam.  Bọn tôi hăm hở lắm. Nhưng tôi không được “đi” bởi nhà đã có anh trai đang ở chiến trường. Ngay cả ngành công an cũng đến tận nhà “nhăm nhe lí lịch” trước, nhưng tôi không thích đại học an ninh nên các chú ấy thôi. Lớp tôi ngậm ngùi tiễn Đặng Ngọc Việt lên đường, bởi hắn là cây “cù” số một của lớp. Hắn đi rồi lớp bỗng chống chếnh một thời gian. Bọn con gái khóc sậm sùi…Nghe đâu sau này Việt hi sinh ở chiến trường.

 

Thời gian nghỉ hè chúng tôi rủ nhau đi lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đứa đào ao, đứa khuân vác…Bọn tôi gồm Phú Minh, Hoàng Hòa, Công Hùng…nhận bốc dỡ những tấm xốp ở một khu nhà cao tầng. Tuy vất vả nhưng “rủng rỉnh” chút chụt. Mặt đứa nào cũng phởn phơ vì tự hào là đã kiếm được tiền chuẩn bị cho những “kế hoạch” riêng và cũng là giúp đỡ gia đình.

 

Thực ra công việc lao động này hồi còn sơ tán ở Đô Lương tôi cũng đã tham gia bốc gỗ cùng lũ bạn kiếm tiền. Nhớ có lần suýt chết ở nhà máy gỗ Tràng Sơn. Khi máy bay Mĩ ào ào lao đến ném bom, tôi và Trần Thị Hương - cô bạn gái, ôm nhau nằm rạp bên vệ đường mặc cho đất đá rơi rào rào trên đầu. Khuôn mặt xinh đẹp của Hương tái nhợt cắt không còn giọt máu. Hú vía!

 

Nhớ có lần tôi và Hương rủ nhau đi bắt cua, cá ngoài đồng. Hai đứa đi cả buổi chiều mà chỉ được vài con liu điu nhưng vui lắm. Hồi đó tôi lại rất hay xấu hổ. Nhà Hương có xe đạp, nhưng tôi không chịu ngồi sau lưng Hương. Nên đành chấp nhận đi xe “hăng cải” với đám bạn. Ngày về Vinh, Hương học bên lớp 9E.

 

Ngày đó không có chương trình học hè ầm ĩ như bây giờ. Tốt nghiệp lớp 10 xong thì đi thi đại học, vậy thôi. Thi đại học tổ chức ở các huyện trong tỉnh theo từng khối A, B, C. Vui lắm nhưng cũng đau lắm - với những ai “đạp vỏ chuối”! Còn chương trình học trong năm cũng nhàn rỗi. Chúng tôi học cứ đủng đỉnh, có lẽ do phong trào chung? Chỉ gần hết cấp 3 mới lao vào học như điên.
 

Tôi còn nhớ, đó cũng là những ngày tin chiến thắng từ miền Nam đưa ra làm nức lòng tất cả mọi người: 30.4.1975 - Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà! Nhớ lắm những ngày cuối của lớp 10H khi hè về ve kêu râm ran trong cái nóng tháng 5 và phượng đỏ sân trường…Chúng tôi cùng chụp ảnh chung tập thể cả lớp, tiếc rằng bây giờ không có một tấm hình nào để làm kỉ niệm? Bởi ảnh đã đưa vào phòng truyền thống của trường. Chưa hết, những dòng lưu bút chuyền tay nhau qua các cuốn sổ tay nguệch ngoạc những nét chữ học trò đầy lưu luyến và chia li biết bao giờ gặp lại?

 

…Từ bấy đến nay đã 37 năm có lẻ rồi, mỗi đứa một phương trời, một ngành nghề. Với tôi, kỉ niệm về mái trường cấp 3 Vinh – Huỳnh Thúc Kháng lúc nào cũng đau đáu trong lòng chẳng bao giờ quên được! Mà cũng hơn 20 năm rồi vì cuộc sống phải xa quê ở nước ngoài tôi chưa một lần trở lại trường Vinh. Bây giờ qua trang báo điện tử của trường, những tấm hình và những câu chuyện kể…tôi biết trường đã đẹp lên rất nhiều. Thế hệ đàn em học giỏi hơn nhiều. Các thầy cô cũng tâm huyết rất nhiều. Nhớ đến nao lòng…
 

VÕ HOÀI NAM  (từ Mátxcơva)