Lòng yêu trẻ là phẩm chất hàng đầu của nhà giáo
Các trường học ở nước ta hiện nay còn tồn tại những điều vô lý như thu tiền sai quy định, “gợi ý” học thêm, đặc biệt là giáo viên đối xử thiếu nhân ái với trẻ em, gây ra nỗi bức xúc trước dư luận…
Cả ba vấn đề nêu trên thực chất có một nguyên nhân chung, đó là nhà trường, thầy cô chưa thực sự yêu thương trẻ, chưa xây dựng được trường học thân thiện như khẩu hiệu của ngành giáo dục nêu ra.
Chúng ta đã phổ cập bậc Tiểu học, và bậc học này được miễn học phí, nghĩa là học sinh (HS) và gia đình không phải đóng bất cứ khoản tiền nào khi vào học. Thế nhưng các trường đã tự ý đề ra rất nhiều khoản thu với những lý do như: xã hội hóa giáo dục, mua sắm cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho các em học tốt hơn…do kinh phí eo hẹp. Nghe ra rất vô tư, tốt đẹp, vì HS, nhưng đó là chỉ là lời nói bề ngoài.
Xin ví dụ các trường thu khoản tiền lao động, với lí do là dùng tiền ấy thuê người làm những việc quét dọn, vệ sinh để HS có thêm thời gian gian vui chơi, học hành. Nhưng có trường đã thu tiền lao động rồi, vẫn điều HS đi lao động, với lí do là “lao động công ích”. Như vậy là nhà trường đã thiếu minh bạch nhằm tăng thu, chứ không vì HS gì cả.
Không hiểu sao một việc làm phản giáo dục như vậy vẫn được vận dụng tràn lan mà không bị ngăn chặn?
Trường nọ thu tiền điện (cũng là sai quy định) mỗi năm lên tới 30 triệu đồng, nhưng chi phí tiền điện cả năm học chỉ hết khoảng 10 triệu đồng.
Người mẹ có con học lớp 1 phản ánh trường vận động các em ủng hộ quỹ nhân đạo, từ thiện, thực chất là buộc bố mẹ các em phải đóng thêm một khoản tiền, vì các em làm gì có tiền. Đây là một việc làm hết sức phi lý, không hiểu sao vẫn được cổ vũ, coi đó là thành tích, là nhằm giáo dục ý thức nhân văn cho trẻ. Nếu vì trẻ em thực sự, chắc chắn người lớn đã đề xuất bỏ việc làm này.
Để né tránh trách nhiệm về các khoản thu sai quy định, các trường đã tìm cách đem Ban đại diện cha mẹ HS ra làm cái bình phong. Thật lạ khi những nguyện vọng của cha mẹ HS lại được đề xuất từ chính Hiệu trưởng, rồi người đại diện cha mẹ HS lại đứng ra thông báo về các khoản thu, và việc thu tiền lại do giáo viên chủ nhiệm thực hiện! Không ít trường, Quỹ Ban đại diện cha mẹ HS đã “hòa chung” vào quỹ nhà trường, và việc chi tiêu do Hiệu trưởng quyết định. Các cuộc họp cha mẹ HS đều được tổ chức theo một kịch bản để các phụ huynh nhanh chóng đồng ý nộp các khoản tiền, dưới cái vỏ bọc “tự nguyện”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Đáng trách, và đáng lên án là cách đối xử thiếu nhân ái của một số giáo viên đối với trẻ em, nhất là các bé mới vào học lớp 1 thì thật là tội nghiệp. Người bố xót xa khi thấy con mình từ trường trở về với trạng thái mệt mỏi, sợ sệt. Cháu phản ánh bị cô giáo đánh, ép ăn. Tuy không thấy được trực tiếp việc cô giáo đánh cháu, nhưng qua thái độ ứng xử, lời nói cộc cằn, thiếu văn hóa của cô, tôi nghĩ rằng cháu bé đã nói sự thật. Người mẹ cũng phản ánh thấy con mình học về thiếu hoạt bát, nhanh nhẹn.
Việc các GV đánh mắng, đối xử thô bạo, sử dụng những hình thức trừng phạt nghiêm khắc quá mức với trẻ là vấn đề hết sức nghiêm trọng, gây tổn thương sâu sắc đối với thể chất và tâm hồn các em. Dư luận cần lên tiếng mạnh mẽ để hạn chế hiện tượng này. Thiết nghĩ cha mẹ các em không nên im lặng chịu đựng mà nên trao đổi thẳng thắn với GV, với nhà trường và với các cấp quản lý giáo dục cao hơn, các cơ quan báo chí nếu cần.
Các bậc cha mẹ đừng sợ con mình sẽ bị trù dập, phân biệt đối xử. Từ thực tế tôi thấy rằng, trong hoàn cảnh tính dân chủ trong giáo dục được nâng cao, nếu cha mẹ HS phản ứng đúng mức thì không GV nào dám làm càn.
Chúng ta trân trọng những nhà giáo, những bậc Thầy đúng nghĩa, nhưng chúng ta không khoan nhượng trước những việc làm sai trái, thiếu nhân văn. Không nên đem quà cáp tới những GV như thế để mong họ đối xử nhẹ nhàng hơn đối với con mình. Điều đó sẽ tạo nên tiền lệ xấu và càng khuyến khích những GV đó làm việc sai trái, gây hậu quả tiêu cực cho những HS khác.
Ngành giáo dục cũng nên xem lại những tiêu chuẩn đánh giá GV. Hiện nay, việc đánh giá GV chủ yếu dựa vào những thành tích bề nổi như tỷ lệ lên lớp, số lượng HS giỏi, kết quả thi GV giỏi các cấp, sáng kiến kinh nghiệm…mà còn coi nhẹ một điều hết sức quan trọng, đóng vai trò nền tảng là tình yêu thương con trẻ. Nhiều khi những GV thực sự nhân ái, vì HS lại phải chịu thiệt thòi.
Ví dụ trường nọ có quy định khen thưởng những GV thu các khoản tiền đầy đủ và nhanh nhất. Thế là GV nào hay nhắc nhở, thậm chí ép buộc HS nộp tiền nhanh thì được thưởng; còn những GV thông cảm với hoàn cảnh HS, biết các em khó khăn nên không thúc giục lại chịu thiệt thòi.
Đồng nghiệp tôi có một thầy giáo hết sức tâm huyết, thương yêu HS, lặn lội đến từng nhà HS cá biệt để phối hợp giáo dục, giúp đỡ các em tiến bộ. Thế nhưng anh chưa bao giờ được Hiệu trưởng khen một câu, chỉ vì anh không có thành tích thi GV giỏi, bồi dưỡng HS giỏi…
Vất vả, gian nan, chịu nhiều thiệt thòi nhất vì HS là các GV ở miền núi, vùng sâu vùng xa. Thế nhưng vào những ngày khai giảng, tổng kết cuối năm hay ngày 20-11, những “cơn mưa” giải thưởng sẽ rơi vào các GV ở trường điểm, ở những vùng thuận lợi với rất nhiều thành tích, còn những GV ở vùng sâu vùng xa thì may ra chỉ “lác đác” vài giọt, hoặc không có gì. Vì lấy đâu ra thành tích ở những vùng khó khăn ấy, vận động được HS đến lớp đầy đủ đã là một kì tích rồi.
Lòng nhân ái không được khuyến khích, tưởng thưởng đúng mức sẽ bị thui chột. Trong khi điều đó mới đích thực là phẩm chất quý giá nhất, đóng vai trò nền tảng cho nhân cách nhà giáo.
Từ hai bài viết của cha mẹ có con học lớp một, tôi nhận thấy vấn đề quá tải của bậc Tiểu học cũng rất đáng lưu tâm. Đáng ra việc học ở lớp một phải rất nhẹ nhàng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Thế nhưng các em đã phải học rất mệt mỏi. Lớp 1 các em đã phải học tới 385 tiết tiếng Việt, 140 tiết Toán, 35 tiết Đạo đức, 35 tiết Tự nhiên và xã hội, 105 tiết Nghệ thuật, 35 tiết Thể dục, tổng cộng 735 tiết. Lạ nhất là đã xuất hiện cuốn “Toán nâng cao lớp 1”. Không hiểu người ta muốn “nâng cao” cái gì ở lớp học này?
Tôi thấy một HS lớp 1 vì túi mang cặp sách quá nặng nên em đã phải để một ít sách vở lại ở lớp.
Đến lớp 4, lớp 5 các em còn phải học thêm các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Kỹ thuật (lớp 4,5 không còn học các môn Tự nhiên và Xã hội, Nghệ thuật). Một số trường còn dạy thêm tiếng Anh. Chỉ mới nghe tên cũng đủ thấy khó. Đến lớp 4, lớp 5 thì các cuốn sách “Bài tập Nâng cao” đã nở rộ.
Ngay từ lớp 4, các em đã buộc phải “Quan sát sự vật, hiện tượng; thu thập, tìm kiếm tư liệu lịch sử, địa lí từ các nguồn khác nhau”. Một yêu cầu mà ngay cả đối với sinh viên đại học còn chưa dễ đáp ứng!
Chương trình quá tải, các em đã phải học 2 buổi, suốt ngày chỉ biết học và học, ngay cả đến ngày nghỉ cũng được “gợi ý” đến học thêm tại nhà cô giáo thì quả là quá sức, và thiếu nhân văn. Việc phụ đạo, học thêm là nhằm giúp đỡ trẻ tiếp thu chậm, chứ không phải là tạo thêm áp lực cho các em.
Cách đây khoảng hai chục năm, chương trình Tiểu học của chúng tôi chỉ gồm các môn: Tập đọc, Chính tả, Tập làm văn (Bây giờ tích hợp thành môn Tiếng Việt) Toán, Đạo đức, Lao động, Bảo vệ và Rèn luyện thân thể. Chương trình học chỉ một buổi, rất nhẹ nhàng và không hề có các cuốn sách “Nâng cao”, không ai phải học thêm. Trong học bạ chỉ đánh giá các mục “Học tập các môn văn hóa” (các môn văn hóa được nhập chung để đánh giá), “Đạo đức”, “Lao động”, “Bảo vệ và rèn luyện thân thể”.
Như vậy, chương trình Tiểu học trước đây chú trọng rèn luyện kĩ năng sống nhiều hơn, còn chương trình hiện tại chỉ chú trọng điểm số của các môn văn hóa. Môn Lao động đã biến mất, và các trường đã thay thế bằng việc thu tiền!
Hiện tượng quá tải ở bậc Tiểu học đã được lên tiếng nhiều, song chưa cải thiện được là bao. Vì chương trình không phù hợp, nên buộc các em phải học tập rất mệt mỏi mà kết quả thu lại chẳng đáng là bao. Chỉ có những em thực sự xuất sắc mới đáp ứng được yêu cầu. Có những em học xong tiểu học mà vẫn đọc chưa thông, viết chưa thạo, bởi một lí do là chương trình quá “loãng”, buộc GV chạy theo “diện” mà không tập trung được vào “điểm”.
Chương trình học quá tải sẽ khiến HS thờ ơ với việc học, quay sang đắm chìm trong thế giới giải trí với internet, phim ảnh, truyện tranh… Một số em bị mất gốc trầm trọng, không thể theo học chương trình cấp THCS.
Theo chúng tôi, không nên tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với các lớp 1,2,3. Nếu tổ chức, thì buổi sáng học văn hóa, buổi chiều chỉ nên tổ chức cho các em vui chơi để rèn luyện sức khỏe và kĩ năng sống, không nên nhồi nhét kiến thức.
Cần có sự đánh giá lại chương trình Tiểu học, xem xét giảm tải chương trình cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, bảo đảm cho trẻ phát triển hài hòa, để mỗi ngày đến trường đối với các em là một ngày vui.
Trọng Nghĩa
Địa chỉ liên lạc: Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
LTS Dân trí - Lòng nhân ái, nhất là tình yêu thương trẻ em là cái căn cốt của đạo đức con người. Làm nghề dạy dỗ trẻ em càng cần có tấm lòng đó.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy những thầy cô giỏi đều có tấm lòng yêu trẻ, hết lòng uốn nắn bảo ban các cháu, nhưng không làm cho các cháu sợ mà ngược lại, vì yêu quý thầy cô giáo mà các cháu biết nghe lời và học tập chóng tiến bộ.
Đã có nhiều ý kiến đóng góp về chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học, và đáng quan tâm nhất là lớp 1, lớp học khai tâm khai trí cho trẻ em.
Bài viết trên của một nhà giáo nhấn mạnh thêm những vấn đề đáng lưu ý của nhiều trường phổ thông mà điều đáng quan tâm trước hết là tình yêu thương trẻ em thuộc về phẩm chất hàng đầu của các nhà giáo, nhất là những giáo viên dạy tiểu học.