Lối ra nào cho tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”?
Bài viết “Vì đâu áp lực vào Đại học luôn đè nặng?” của tác giả Bùi Minh Tuấn đã đề cập một vấn đề nhức nhối của xã hội ta hiện nay đó là áp lực nặng nề trong các kì thi tuyển sinh ĐH gây nên nhiều điều bức xúc.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, tác giả Bùi Minh Tuấn cho rằng do tâm lý khoa bảng, sính bằng cấp của người dân bắt nguồn từ cơ chế tuyển dụng, đề bạt cán bộ, tuyệt đối hóa vai trò của bằng cấp, do sức ép của gia đình… Do đó, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này thì giải pháp quan trọng nhất là cần thay đổi cơ chế tuyển dụng, đề bạt công chức, không quá lệ thuộc vào bằng cấp, đồng thời các gia đình cần nhìn nhận đúng thực lực của con em mình, không nên ép uổng các em thi vào ĐH khi không có đủ khả năng mà nên hướng các em vào các trường đào tạo nghề sẽ phù hợp hơn.
Trước hết xin trao đổi cùng tác giả Bùi Minh Tuấn rằng, tâm lý khoa bảng, sính bằng cấp của người dân là có thật, và là một mong muốn chính đáng cần tôn trọng. Mặt khác, đây không chỉ là tâm lý riêng của người Việt Nam. Hầu như mọi HS trên thế giới đều muốn bước chân vào cổng trường ĐH, đều muốn có một nghề nghiệp tương đối nhàn hạ lại có thu nhập cao, danh giá, có thể dùng trí tuệ để thăng tiến và cống hiến cho xã hội.
Chỉ khi nào không có lựa chọn nào khác, người ta mới đi vào làm các nghề lao động kĩ thuật, phổ thông vất vả và thu nhập thấp hơn. Cho nên để thay đổi tâm lý này là điều hết sức khó khăn, có quá trình chuyển biến rất chậm, và không bao giờ có kết quả triệt để, thậm chí là không cần thiết. Áp lực thi vào các trường ĐH xét một góc độ khác cũng có tác dụng thúc đẩy sự nỗ lực học tập của HS.
Tác giả Bùi Minh Tuấn còn cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ chế tuyển dụng, đề bạt cán bộ của chúng ta hiện nay quá trọng bằng cấp, tuyệt đối hóa vai trò của bằng cấp mà chưa chú trọng đến năng lực thực sự nên mới tạo ra cảnh người ta phải cố tìm mọi cách để có được tấm bằng. Xin hỏi tác giả Bùi Minh Tuấn, nếu tuyển dụng, đề bạt cán bộ không dựa vào bằng cấp thì dựa vào cái gì?
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Cho nên, vấn đề không phải là không tiếp tục tuyển dụng dựa vào bằng cấp, mà quan trọng nhất là làm sao những người có bằng cấp ấy có năng lực thực sự tương xứng. Nghĩa là cần “nâng chất của tấm bằng “thật” bằng các giải pháp như xiết chặt đầu vào, chặt chẽ, nghiêm túc, sàng lọc mạnh mẽ trong đào tạo, tăng cường năng lực thực hành…; đồng thời triệt để xóa bỏ nạn bằng “giả” (hay “bằng thật chất lượng giả”).
Từ góc độ nhà quản lý, xin có một so sánh nôm na như thế này: HS tốt nghiệp THPT đứng trước hai cánh cửa mở ra hai con đường: thi vào ĐH và con đường học nghề, lao động kĩ thuật. Nếu hai cánh cửa ấy đều mở rộng như nhau, dĩ nhiên đa số HS sẽ chọn “cánh cửa vào ĐH”. Vì vậy, muốn “phân luồng” hiệu quả chỉ có một cách duy nhất là “khép bớt cánh cửa ĐH” và “rộng mở cánh cửa học nghề, lao động kĩ thuật”.
Việc “khép bớt cánh cửa ĐH” không phải là hạn chế cơ hội học tập của HS mà là cách duy nhất để lựa chọn những HS xứng đáng, có khả năng thực sự để theo học được ĐH và học lên bậc cao hơn, và là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Một khi quan niệm “không giỏi không có chỗ trong giảng đường ĐH” được xác lập, thì những HS năng lực trung bình sẽ lựa chọn đi vào “cửa” khác.
Việc “khép, mở” (điều hành) của các cấp quản lý phải dựa trên những kết quả khảo sát điều tra cụ thể về nhu cầu nhân lực, trình độ, dự báo sự thay đổi về nhu cầu nhân lực, việc làm trong một thời gian nhất định để đảm bảo không gây ra sự mất thăng bằng cán cân lao động. Đồng thời, phải có những cơ chế, chính sách đồng bộ để “mở rộng cánh cửa hướng nghiệp”: đầu tư, nâng cấp các trường, trung tâm, đào tạo nghề, chính sách ưu đãi đào tạo, có chính sách tìm kiếm, giới thiệu việc làm, bảo đảm thu nhập, an sinh xã hội, nhu cầu thăng tiến cho những học sinh tốt nghiệp các trường, trung tâm đào tạo nghề.
Nếu những sinh viên, học viên các trường, trung tâm đào tạo nghề ra trường có trình độ tay nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, có việc làm ổn định, có thu nhập cao, đời sống đảm bảo, có tương lai…thì sẽ tạo nên một “sức hút” mạnh mẽ, giảm bớt áp lực thi vào các trường ĐH. Những học sinh năng lực trung bình trở xuống sẽ không dại gì cố chen vào các trường ĐH vừa khó vào, khó trụ lại, khi ra trường cũng ít có cơ hội tìm kiếm việc làm (do không đủ năng lực để được tuyển dụng và làm việc) trong khi đi vào con đường đào tạo nghề sẽ phù hợp và có nhiều thuận lợi hơn.
Thực tế nhiều nước cho thấy cách quản lý như trên đã tạo ra hiệu quả tốt. Nước Đức có số HS vào ĐH ngày càng giảm do họ có một hệ thống dạy nghề tốt nhất thế giới, và dĩ nhiên là đời sống của đội ngũ công nhân kĩ thuật được đảm bảo rất tốt. Ở nước Pháp, học sinh trung học có thể lựa chọn 300 ngành nghề khác nhau để học, và trong quá trình học vừa làm hợp đồng, có lương, được đảm bảo các quyền lợi về bảo hiểm y tế, tai nạn lao động. Ở nhiều nước, sự phối hợp giữa “nhà nước- nhà trường-nhà tuyển dụng lao động”(doanh nghiệp) được đảm bảo rất tốt.
Còn nếu chúng ta vẫn giữ nguyên cung cách quản lý như hiện nay thì tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” sẽ ngày càng thêm trầm trọng. “Trong 10 năm qua, số trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) được thành lập tại Việt Nam bằng số trường của 50 năm trước đó. Số sinh viên và giảng viên cũng tăng gấp đôi, nhưng số giảng viên có trình độ tiến sĩ lại giảm” (Báo Đại đoàn kết online ngày 5/9/2008). Ngoài ra, các lớp tại chức, từ xa, liên kết, hệ mở…liên tục được mở ra với số lượng tuyển sinh khổng lồ.
Tất cả khiến cho “cánh cửa vào ĐH” được mở rộng hơn bao giờ hết và dĩ nhiên là chất lượng đào tạo sẽ tỷ lệ nghịch so với số lượng tuyển sinh. Những người đã có tấm bằng ĐH trong tay (dù không thực chất) sẽ tìm mọi cách để được tuyển dụng, đi làm ở một vị trí tương xứng với bằng cấp, và những tiêu cực, rắc rối, bức xúc cũng bắt nguồn từ đấy.
Trong khi đó, “cánh cửa vào đào tạo nghề” tuy cũng được mở rộng hơn, song chưa thật hấp dẫn, chưa thể là một “đối trọng” của con đường đi lên ĐH: cơ sở vật chất, điều kiện đào tạo còn thiếu thốn, cơ hội tìm kiếm việc làm chưa cao, thu nhập còn chưa tương xứng, điều kiện an sinh xã hội cho người lao động kĩ thuật, lao động phổ thông chưa đảm bảo, cơ hội thăng tiến chưa nhiều, khả năng ổn định nghề nghiệp thấp…
Vì vậy, việc giải bài toán “thừa thầy thiếu thợ” cần có những giải pháp tổng hợp, đồng bộ, mạnh mẽ của Chính phủ, Bộ GD-ĐT. Hướng đi “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không theo nhu cầu xã hội” là đúng đắn, song xã hội đang trông chờ những giải pháp cụ thể, kịp thời của bộ chủ quản. Việc giải bài toán này sẽ tạo ra nhiều hệ quả tích cực: nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và đào tạo nghề, tạo sự cân đối trong cán cân lao động, chống lãng phí trong đầu tư cho giáo dục của nhà nước và người dân, nâng cao đời sống cho người lao động, giảm bớt những tiêu cực trong tuyển dụng, đề bạt công chức… thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển. Đó là mong mỏi thiết tha của những người làm giáo dục và của toàn xã hội.
Trần Quang Đại
(Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)
LTS Dân trí - Chuyện học sinh đổ xô đi thi đại học cũng như tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” là hệ quả tất yếu của những sai lầm trong định hướng đào tạo không theo sát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cho nên đội ngũ lao động được đào tạo ra vừa mất cân đối về cơ cấu trình độ - thừa thầy thiếu thợ - cũng như cơ cấu ngành nghề. Điều đó dẫn tới tình trạng vừa thừa vừa thiếu những người lao động đáp ứng đúng những yêu cầu cần thiết. Nhiều người tốt nghiệp các trường chính quy ra vẫn không kiếm được việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp không tìm đâu ra những người mình cần tuyển dụng.
Tình trạng nói trên suy cho cùng chính là do công tác quản lý của ngành giáo dục - đào tạo chưa phát huy hiệu quả trong việc lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo dựa trên dự báo về nhu cầu lực lượng lao động (số lượng, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ) của mỗi giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đã cho phép mở ra quá nhiều trường đại học, cao đẳng trong khi chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống trường các trường kỹ thuật và dạy nghề.