Hà Nội:

Lời kêu cứu của hàng chục gia đình sống cảnh “không Tết” suốt 12 năm

(Dân trí) - Tết Quý Tỵ đang đến gần, đây cũng là Tết thứ 12 những gia đình bị thu hồi nhà khu Ao Thước Thợ, quận Đống Đa đón năm mới trong cảnh vất vưởng không được hưởng chế độ hỗ trợ của TP. Hà Nội dù đã gửi đi hàng nghìn lá đơn từ năm 2001.

Như thông tin báo Dân trí đã nêu trong các bài viết liên quan đến việc thu hồi đất mập mờ khu Ao Thước Thợ, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Thực hiện Quyết định số 6358 ngày 26/10/2001, của TP. Hà Nội về việc thu hồi 70.925m2 đất ở khu bãi rác Thành Công và Ao Thước Thợ phục vụ cho dự án Công viên Đống Đa. 132 hộ dân sinh sống ổn định khu Ao Thước Thợ hàng chục năm đã bàn giao lại nhà đất cho UBND quận Đống Đa đúng thời hạn với mong muốn nhận được hỗ trợ về mặt kinh phí, cùng chế độ tái định cư đúng mức để ổn định cuộc sống.

Đã 11 cái Tết trôi qua nhưng hàng trăm nhân khẩu di dời khỏi Ao Thước Thợ
Đã 11 cái Tết trôi qua nhưng hàng trăm nhân khẩu di dời khỏi Ao Thước Thợ
vẫn chịu cảnh sống vất vưởng
 
Tuy nhiên, đã 12 năm trôi qua , giấc mơ nhỏ nhoi ổn định cuộc sống của hơn 100 gia đình chấp nhận di dời khỏi Ao Thước Thợ vì các công trình an sinh xã hội vẫn là thứ xa vời, còn dự án Công viên Đống Đa mà các cơ quan chức năng công bố để thu hồi đất đã thuộc nhóm dự án “treo” dài hạn. Phần diện tích đã tiến hành thu hồi của 132 hộ dân lại được sử dụng vào nhiều mục đích khác, một số bị biến thành bãi rác, tụ điểm chích hút ma túy, địa điểm kinh doanh vật liệu xây dựng, hoặc bị những hộ dân không di dời lấn chiếm xây nhà cao tầng không thể kiểm soát.
 
Là những người tuân thủ đúng chính sách của TP. Hà Nội, nhưng sau 12 năm ròng rã chờ đợi, chế độ hỗ trợ duy nhất mà 132 hộ dân nhận được chỉ là khoản tiền 23 triệu đồng/hộ, hộ có nhà 80m2 cũng bằng với nhà 15m2. Các hộ dân ra khỏi nhà từ tháng 9/2001, nhưng tới tháng 11/2001, Ban QLDA quận Đống Đa mới cho người đi thuê lại khu tập thể cũ nát tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh trong điều kiện không điện, không nước, không công trình phụ. Các gia đình phải sống ghép chung trong những căn hộ rộng khoảng 20m2.
 
Dự án Công viên Đống Đa được vạch ra sáng chói để thuyết phục
Dự án Công viên Đống Đa được vạch ra sáng chói để thuyết phục
các hộ dân bàn giao mặt bằng vẫn “treo” dài hạn

Không thể sinh sống trong điều kiện thiếu thốn và xuống cấp, nhiều hộ dân đã phải chấp nhận vay mượn tiền đi thuê nơi ở tạm suốt từ năm 2001 đến nay. Lý do được các cơ quan chức năng nhiều lần mang ra giải thích cho việc không áp dụng chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 132 hộ dân bị giải tỏa khỏi khu vực Ao Thước Thợ là các hộ dân này đã xây nhà trên đất lấn chiếm. Tuy nhiên, trong suốt hàng chục năm các hộ dân sinh sống đều không bị chính quyền xử lý vi phạm, 132 hộ dân vẫn được cấp số nhà, đăng ký tạm trú tạm vắng như những khu dân cư bình thường khác trên địa bàn quận Đống Đa, nhà khu vực Ao Thước Thợ đều xây kiên cố cao 2-3 tầng.

Trong lúc 132 hộ dân chấp nhận di dời bàn giao mặt bằng để rồi chịu cảnh sống vất vưởng không tấc đất cắm dùi, các hộ dân cố gắng bám trụ lại khu vực Ao Thước Thợ vẫn được sinh sống ổn định, thậm chí đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng nhà ở cao tầng mà không hề bị xử lý, điều này khiến cho những người đi cảm thấy vô cùng bức xúc và “hối hận” vì đã thực hiện chủ trương thu hồi đất của TP. Hà Nội để phục vụ cho dự án Công viên Đống Đa mà đến nay vẫn chỉ tồn tại trên giấy tờ.
 
Nhiều diện tích thu hồi của người dân chỉ để biến thành bãi rác công cộng
Nhiều diện tích thu hồi của người dân chỉ để biến thành bãi rác công cộng

Sau 7 năm liên tục gửi đơn khiếu nại đấu tranh, năm 2008, 50 hộ/132 hộ dân bị di rời khỏi Ao Thước Thợ vào năm 2001 mới được TP. Hà Nội phê duyệt cho mua nhà giá rẻ ở khu tái định cư Việt Hưng, quận Long Biên với mức giá gần 500 triệu đồng/căn hộ. Tuy nhiên, với những người dân gồm phần lớn là cán bộ công chức về hưu, còn tiền hỗ trợ nhận được khi bàn giao nhà gần như con số 0, việc kiếm ra đủ 500 triệu để mua nhà giá rẻ là điều vượt quá sức. Vì không có tiền nên những ngôi nhà giá rẻ được duyệt chỉ tồn tại trên giấy tờ, còn 50 hộ dân vẫn phải sống trong cảnh thuê nhà vất vưởng suốt từ năm 2001 đến nay (tháng 1/2013). Gia đình chuyển nhà ít nhất cũng lên đến 12 lần, người chuyển nhiều như ông Nguyễn Văn Nam là 20 lần/11 năm. Trong hành trình tìm kiếm lại quyền lợi chính đáng, hàng chục người đã chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà vẫn chưa biết đến ngôi nhà tái định cư theo lời hứa hẹn mà cơ quan chức năng đưa ra khi thu hồi đất.

Ngày 14/6/2012, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công văn số 4332/VPCP-KTTN, kèm bản danh sách 20 vụ việc của công dân cần được UBND TP. Hà Nội giải quyết, trong đó có lời kêu cứu của các hộ dân bị di dời khỏi khu Ao Thước Thợ năm 2001.
 
Dự án Công viên Đống Đa trong mơ trở thành địa điểm để nhiều đối tượng tiêm chích ma túy
Dự án Công viên Đống Đa trong mơ trở thành địa điểm để nhiều đối tượng tiêm chích ma túy

Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội đã không tiếp nhận đơn khiếu nại của công dân có kèm Công văn số 4332/VPCP-KTTN của Văn phòng Chính phủ vì trước đó, ngày 26/1/2011, UBND TP. Hà Nội đã ban hành công văn số 671 với nội dung yêu cầu “Các cơ quan, ban ngành của TP. Hà Nội không nhận đơn thư khiếu nại, kiến nghị của tập thể 50 hộ dân Ao Thước Thợ và kể cả đơn do các cơ quan chuyển đến”.

Trong lá đơn cầu cứu gửi đến báo Dân trí những ngày đầu năm 2013, đại diện của 50 hộ dân bị thu hồi nhà khu Ao Thước Thợ chỉ có mong muốn được TP. Hà Nội xem xét hỗ trợ tiền đền bù lên mức 28 triệu đồng/m2 theo đúng khung giá của Thành phố (mức giá thị trường thời điểm này vào khoảng trên dưới 200 triệu đồng/m2) để người dân sớm ổn định cuộc sống sau 12 năm ròng rã sống cảnh vất vưởng giữa Thủ đô, 12 năm dài không được hưởng một cái Tết trọn vẹn.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương