Lợi ích kinh tế khi thu hồi đất đang là bài toán chưa có lời giải hợp lý
(Dân trí) - Nhân sự kiện Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sắp diễn ra, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh về một số vấn đề liên quan.
Có thể nói miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có vị trí địa lý tự nhiên trọng yếu của nước ta, như một chiếc cầu nối liền hai miền của đất nước. Khu vực này cũng nắm giữ một vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội của quốc gia; thực tế đã cho thấy tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và đô thị hóa rất nhanh; thành tựu phát triển kinh tế - xã hội khá cơ bản.
Làm được điều đó, một trong những yếu tố cần thiết là công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… có sự gia tăng với khối lượng đáng kể, do đó sẽ đồng thời làm phát sinh nhiều KNTC. Đáng chú ý, từ năm 2008 đến nay, tình hình KNTC của công dân trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên có nhiều diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực vào cuộc của TTCP, sự quyết tâm của các địa phương, KNTC ở khu vực này những năm qua đã từng bước được giải quyết, tình hình có lắng dịu hơn, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, an ninh - chính trị ổn định, góp phần không nhỏ đến thành công của các sự kiện quan trọng của đất nước, của khu vực cũng như của từng địa phương.
Mặc dù vậy, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, tình hình KNTC của công dân còn nhiều tiềm ẩn những phức tạp khó lường. Trên địa bàn còn xảy ra nhiều vụ việc công dân tập trung KNTC đông người. Không ít vụ việc đã được các cơ quan nhà nước giải quyết nhiều lần nhưng công dân vẫn không đồng ý, tiếp khiếu dẫn đến vụ việc kéo dài, không dứt điểm. Hiện tượng các thế lực thù địch, phản động và một số phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước lợi dụng KNTC của công dân để kích động, lôi kéo những người đi KNTC tập trung đông người, vượt cấp đã xảy ra ở một số địa phương.
Hiện nay trên địa bàn cả nước số vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai có diễn biến hết sức phức tạp mà vụ việc ở Tiên Lãng vừa xảy ra là một ví dụ điển hình. Được biết, trước đây ông từng là Trưởng đoàn Thanh tra của TTCP trực tiếp giải quyết vụ việc tham nhũng về đất đai chấn động dư luận xảy ra tại Đồ Sơn và cũng là người có kinh nghiệm trong xử lý các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài, vậy theo ông nguyên nhân chính của khiếu tố kéo dài là do đâu?
Quan điểm cá nhân, và kinh nghiệm thực tế tôi cho rằng nguyên nhân chính của KNTC kéo dài là do công tác Quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực nhạy cảm, lĩnh vực quan trọng ở một số địa phương biểu hiện sự buông lỏng, yếu kém, bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, là nguyên nhân khiến tình trạng KNTC phức tạp và khó giải quyết dứt điểm.
Tại địa bàn Tây Nguyên hiện nay nổi lên vấn đề: công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp bị buông lỏng ở hầu hết các địa phương có rừng, đặc biệt là ở nhiều huyện để xảy ra tình trạng mua bán, “hợp pháp hóa” quyền sử dụng đất đang sử dụng có nguồn gốc từ rừng, việc lấn chiếm đất rừng, việc phá rừng xảy ra trầm trọng.
Tình trạng thu hồi đất để thực hiện dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhiều địa phương không làm đúng quy định của nhà nước. Lợi ích kinh tế giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người đang sử dụng đất bị thu hồi đang là bài toán chưa có lời giải hợp lý. Qua công tác tiếp dân, giải quyết KNTC có thể thấy trách nhiệm của các cấp chính quyền nhiều nơi bộc lộ yếu kém; vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong giải quyết KNTC thiếu tập trung và kém hiệu quả, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính chưa thực hiện theo quy định của pháp luật, đặc biệt là cấp huyện. Tình trạng số vụ việc để kéo dài, giải quyết thiếu khách quan, thiếu kịp thời, chất lượng thấp còn phổ biến. Cá biệt có một số nơi còn tình trạng cố chấp với công dân, thách thức với công dân làm cho tình hình càng nóng thêm.
Được biết từ năm 2008 Bộ Chính trị đã có Thông báo 130-TB/TW ngày 10/01/2008, ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong thực hiện các giải pháp theo Thông báo này cho đến nay tại địa bàn miền Trung?
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo 130-TB/TW, các chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ, ngày 06/3/2008, Ban cán sự đảng TTCP đã ban hành Chương trình hành động số 89/CTHĐ-BCS chỉ đạo toàn ngành Thanh tra tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng để giúp cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp quan trọng đã được Bộ Chính trị kết luận.
TTCP cũng ban hành Kế hoạch số 345/KH-TTCP hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện, Kế hoạch 319/KH-TTCP để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc kéo dài... Nhìn chung các địa phương trong khu vực đã triển khai thực hiện Thông báo 130-TB/TW của Bộ Chính trị kịp thời, nghiêm túc, khá đồng bộ. Các UBND tỉnh, thành phố đã phân công 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND chuyên phụ trách, theo dõi công tác giải quyết KNTC, gắn giải quyết KNTC với cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Lãnh đạo TTCP thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện; Cục II đã chủ động tham mưu, đề xuất và Tổng Thanh tra CP thành lập nhiều Tổ công tác trực tiếp kiểm tra, phối hợp với UBND, Thanh tra các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát, tổng hợp, đề xuất, kiến nghị giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài ở các địa phương: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, Đà Nẵng, Đắc Nông, Thanh Hóa... Qua đó, giúp địa phương có giải pháp tháo gỡ, xử lý vướng mắc, giải quyết được nhiều vụ việc phức tạp, đông người, góp phần làm giảm “điểm nóng”, được địa phương đồng tình, đánh giá cao.
Ông nghĩ thế nào về câu nói: người làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải có “Tâm” và có “Tầm”?
Khi nói đến hai chữ “Tâm” và “Tầm” của người làm công tác giải quyết KNTC, tôi nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ thanh tra: “Thanh tra là tai mắt của trên là người bạn của dưới”.
Thật vậy, muốn làm được vai trò là tai mắt của trên thì người cán bộ thanh tra phải thực sự có cái tai thính và đôi mắt tinh tường. Tai thính mới nghe rõ ràng rành mạch những sự vật hiện tượng phát sinh, mắt to tinh tường mới nhìn rõ, nhìn đúng bản chất sự việc cần phản ánh; điều kiện cần khi nghe là phải nghe nhiều chiều, khi nhìn là phải nhìn nhiều góc độ, tránh việc nghe phiến diện, nhìn qua loa, đại khái. Điều kiện đủ là nghe rồi phải biết xử lý thông tin, chọn lọc thông tin; nhìn phải khách quan, bao quát và cụ thể. Khi đã nghe đủ, nghe thấu, khi đã rõ, người cán bộ thanh tra mới làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình với cấp trên, phản ánh, báo cáo, đề xuất với cấp trên những vấn đề cần quan tâm. Đồng nghĩa với mắt to, tai tường, đó cũng chính là cái “Tầm” của người cán bộ. Người cán bộ cần phải có năng lực thực sự, mới đảm đương được nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới!
Người cán bộ thanh tra là “bạn của dưới” - một trách nhiệm cao cả và lớn lao, làm được điều này, chính cũng là cái “Tâm” của họ! Cái “Tâm” ở đây được hiểu phải gần gũi, phải khách quan, phải trung thực. Khi xem xét những vấn đề phát sinh cần phải đặt sự vật hiện tượng trong sự “vô thường”, “vô ngã”! Đặc biệt trong giải quyết khiếu nại của công dân, phải xem lợi ích của công dân như lợi ích của chính mình! Phải đặt quyền, lợi ích hợp pháp của công dân gắn với lợi ích của Nhà nước trên hành lang pháp lý cho phép.
Giải quyết khiếu nại của công dân không chỉ đơn thuần ban hành một quyết định hành chính là xong, vấn đề khi giải quyết cần đảm bảo yêu cầu chính đáng của họ. Trong thực tiễn không ít công dân khi khiếu nại, mặc dù các cơ quan thẩm quyền Nhà nước đã giải quyết khiếu nại của họ đúng với quy định của pháp luật, đã vận dụng hành lang pháp lý cho phép, kiến nghị đề xuất có lý, có tình nhưng công dân vẫn không đồng ý, tiếp khiếu. Trong trường hợp này cần kiên trì vận động giải thích, thuyết phục để công dân hiểu thêm pháp luật và có thái độ đúng mực hơn; tránh nóng vội, cố chấp với công dân, tôi nghĩ đó là cái “Tâm” của người làm công tác giải quyết khiếu nại.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ, những trường hợp công dân lợi dụng quyền KNTC để làm rối tình hình, tập hợp thành khiếu kiện động người, quá khích, để có biện pháp xử lý cụ thể.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra Chính phủ!
Vũ Văn Tiến (thực hiện)