Loại bỏ thủ tục phiền hà đối với người có công

Triển khai “Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”, Chính phủ đã có Nghị định số 54/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, việc kê khai của không ít người nằm trong diện này còn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Nghị định nói trên, Bộ LĐ-TB&XH ban hành thông tư 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2006 hướng dẫn thủ tục, hồ sơ. Đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục ban hành thông tư 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 7/4/2009 (Thông tư 08) hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ thay thế quy định trong Thông tư 07.

 

Các đối tượng căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư 08 để làm hồ sơ nhưng khi nộp lên cấp huyện bị trả về khá nhiều.

 

Thứ nhất, trong các văn bản của Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH ban hành có kèm theo mẫu hồ sơ, nghĩa là các đối tượng có thể tải về từ trên mạng in ra và điền các thông tin vào. Thế nhưng có nơi lại quy định đối tượng phải ghi vào hồ sơ mẫu giấy in màu xanh.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đối tượng phải đi mua, giá mỗi bộ 4.000 đồng, mà trong bộ này có mẫu cũng không đúng quy định. Thiết nghĩ địa phương nên xuất kinh phí phát mẫu hồ sơ cho đối tượng, hoặc đối tượng có thể tự in theo mẫu trên mạng. Một số đối tượng đã theo mẫu hồ sơ trên mạng, đánh máy, in rất rõ ràng, chính xác cũng phải đi mua hồ sơ viết tay, vừa khó đọc, vừa có thể gây sai sót.                                

 

Thông tư 08 không nói đối tượng phải nộp mấy bộ hồ sơ, nghĩa là chỉ cần một bộ, nhưng có nơi lại quy định phải làm đến 4 bộ. Đối tượng là con của người kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học bị dị dạng, dị tật nằm trong nội dung bản khai, trong mẫu quyết định và phiếu trợ cấp cũng ghi chung với cha (mẹ). Thế nhưng có địa phương lại bắt buộc phải làm thêm cho con một bộ nữa.            

 

Thứ hai, nhiều đối tượng khai sinh con bị dị dạng, dị tật một thời gian rồi chết, có xác nhận của cán bộ Trạm Y tế thời đó. Nhưng cũng bị trả về, với lí do: “Không đủ cơ sở pháp lí”, mà yêu cầu phải có Giấy chứng tử. Đây là yêu cầu mà đối tượng không thể đáp ứng được, bởi vì khi có trường hợp con cái như vậy qua đời, không ai đi làm giấy chứng tử. Chuyện đau buồn, người ta muốn quên đi, ai làm giấy chứng tử để làm gì!

 

Có những người con sinh ra dị dạng, nằm một chỗ hàng chục năm, sau đó qua đời, dân làng ai cũng biết. Nay chỉ vì không có mảnh giấy đó mà trả hồ sơ của họ, quả là oan ức. Mặt khác, một số đối tượng sinh con chưa kịp đặt tên, con đã qua đời nên không thể làm giấy chứng tử. Những trường hợp khác như sẩy thai nhiều lần, chửa trứng…nếu đòi hỏi bằng chứng pháp lí (hồ sơ bệnh án) thì đối tượng cũng không thể đáp ứng được, vì thời gian đã quá lâu, một số người điều trị không có bệnh án.     

 

Đây là trường hợp mà hồ sơ bị trả về nhiều nhất, gây nên những bức xúc cho đối tượng. Vì vậy kính đề nghị các cấp chính quyền và Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn cụ thể để tránh những thắc mắc, sai sót gây thiệt thòi cho đối tượng. Trong Thông tư 08 không yêu cầu có các hồ sơ như giấy chứng tử, bệnh án…mà chỉ yêu cầu xác nhận của UBND xã trên cơ sở ý kiến của Trạm Y tế. Đối với trường hợp những người kháng chiến trở về có hiện tượng “Bất thường sinh sản” (Unusual births) theo quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ngày 20/02/2008 của Bộ Y tế nếu cần thiết thì tổ chức kiểm tra, lấy ý kiến nhân dân và cán bộ Y tế thời điểm xẩy ra sự việc, nếu đủ cơ sở thì tạo điều kiện cho đối tượng đi giám định. Còn nếu yêu cầu Giấy chứng tử hay bệnh án tại thời điểm đó thì đối tượng không thể đáp ứng được.  

 

Thứ ba, một số hồ sơ bị trả về do con của đối tượng không có dị dạng, dị tật thực thể (nhìn thấy được), mà chỉ khai bị tổn thương về mặt tinh thần. Đây là việc làm sai trái gây thiệt thòi cho đối tượng. Theo các chuyên gia y tế, dị tật bẩm sinh không chỉ là về mặt thể chất nhìn thấy được, mà còn là những tổn thương tinh thần nguyên phát do bố mẹ bị ảnh hưởng của chất độc hoá học như thiểu năng trí tuệ, trí nhớ giảm sút, đau đầu kinh niên, thị lực giảm…Vì vậy, đối với những đối tượng này, không thể gạt hồ sơ mà phải để cho cơ quan giám định y tế cấp tỉnh xác định. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ không có chuyên môn về y tế sao dám khẳng định thay bác sĩ?      

 

Thứ tư, một số cán bộ không chấp nhận hồ sơ đối tượng vì một số chi tiết “vênh nhau” giữa hồ sơ này với hồ sơ kia, hoặc cho rằng hồ sơ đối tượng “không thể hiện rõ địa bàn”. Đây là việc cẩn thận không cần thiết, bởi vì hồ sơ của đối tượng do nhiều cán bộ khác ghi trong những thời gian khác nhau, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh khó khăn, nguy hiểm. Nên đòi hỏi sự chính xác, ăn khớp tuyệt đối là quá khắt khe. Chỉ cần không phải hồ sơ giả, tẩy xoá là được.     

 

Việc xác định địa bàn cũng không cần thiết một khi đối tượng đã có giấy XYZ. Vì trong Thông tư 08 ghi rõ chỉ cần đối tượng có một trong các giấy tờ như: Quyết định phục viên, xuất ngũ; lí lịch; giấy XYZ; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; Huân, Huy chương chiến sĩ giải phóng…là đủ điều kiện để gửi danh sách đi giám định (hoặc để hưởng chế độ). Thông tư 08 ghi rõ chỉ cần “chứng minh tham gia kháng chiến” là đủ. Quy định của cấp Bộ thì rất thoáng, nhưng chính cấp huyện lại cố tình “bắt khoan bắt nhặt” làm khó đối tượng.           

 

Những người kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là đối tượng có công với cách mạng, đồng thời cũng là nạn nhân của chiến tranh, đã phải gánh chịu rất nhiều thiệt thòi, đau khổ, và hậu quả còn dai dẳng đến nhiều thế hệ. Đảng và Nhà nước, xã hội rất quan tâm đến những người có công và đối tượng này nói riêng. Mong rằng những cán bộ làm chính sách hãy thực hiện đúng chức trách, tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục để các đối tượng sớm được hưởng chế độ ưu đãi.      

      

Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Người có công lại nằm trong diện bị nhiễm chất độc hóa học, để lại di chứng nặng nề không những đối với bản thân mà cả các thế hệ đời sau, quả thật là một sự hy sinh rất to lớn. Vì vậy, nhà nước ta đặc biệt quan tâm và có chính sách ưu đãi và có sự trợ cấp cần thiết. Tuy nhiên khi triển khai, các cấp có trách nhiệm thực hiện ở địa phương, nhất là cấp huyện, nhiều khi vận dụng không đúng tinh thần tạo mọi điều kiện cho đối tượng kê khai thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng được hưởng chế độ ưu đãi để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

 

Tác giả bài viết trên đây nêu khá rõ những trường hợp làm khó cho đối tượng kê khai, gây ra thắc mắc và bức xúc đối với không ít người có công nằm trong diện bị nhiễm chất độc hóa học. Điều đó nói lên những khiếm khuyết trong cách đối xử cũng như vận dụng chưa đúng với tinh thần “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công. Những địa phương nào có những thiếu sót đáng chê trách  như vậy cần sớm khắc phục để thực hiện chu đáo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.