Lo sự mai một của tiếng hát ru tại chốn thành thị

(Dân trí) - “Ầu ơ… gió đưa hoa cải về trời... rau răm ở lại chịu đời đắng cay…”. Một buổi sáng tôi chợt tỉnh giấc vì tiếng ru đó của bà giúp việc hàng xóm.

Ở cùng một dãy nhà trọ, nên nhất cử nhất động của một người là cả dãy đều biết. Căn phòng trọ cuối dãy là của chị Nguyễn Thị T, chị đang học cao học và vừa mới sinh em bé. Đang bận học nên chị đành thuê một bà cùng quê lên để chăm sóc em bé và giúp chị nấu ăn, giặt giũ...

 

Cũng như mọi hôm bà lại ru em bé nhưng hôm nay vừa nghe tiếng ru là tôi như được trở về “'một miền quá khứ xa xăm'” ở vùng quê nghèo của tôi ngày trước. Tôi đâm ra nghĩ ngợi và hoài nhớ: '”À! thì ra hồi trước mình cũng từng được nghe mẹ ru như thế…” và cũng đã lâu rồi xa quê tôi mới được nghe những lời ru như thế... của ngày xưa.

 

Dòng suy nghĩ của tôi bị cắt đứt bởi tiếng nhạc xập xình, ồn ào, náo loạn do một cô bé tự bật lên để nghe và tỏ vẻ thích thú. Cô bé tên Mi, mới khoảng 8, 9 tuổi, con bà chủ trọ. Cùng với tiếng nhạc là những câu hát mà so với cái tuổi của cô bé thì đó là một “khoảng cách” xa vời khó tưởng tượng. Tiếng hát vang lên: “Tình yêu đến... em không mong đợi gì. Tình yêu đi... em không hề hối tiếc “và cô bé đang nhảy nhót rất “rock” ở giữa căn nhà.

 

Nghe sự tương phản của hai loại âm thanh giữa quá khứ và hiện tại làm tôi không thể không chợt suy nghĩ “Dường như lời ru của bà giúp việc đó đang dần dần đi vào hồi ức”. Nó đã là một ngọn lửa yếu ớt bùng lên giữa đống tro tàn…

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Giật mình tôi nhận ra “Thì ra lâu nay ,cũng đã lâu rồi tôi không được nghe những lời ru như thế - Những lời ru đã nuôi nấng và che chở tuổi thơ tôi và sẽ là của những đứa trẻ khác nữa”. Không biết đứa trẻ con chị hàng xóm đó có được may mắn nghe những lời ru như thế nữa không.Hay đó đã là lần cuối cùng?

 

Một lần khác, tôi đang chuẩn bị vào quán Internet ở gần nhà để truy cập thông tin một chút thì bắt găp bé Mi - con gái nhà bà chủ. Cô bé đang áp 2 cái headphone vào tai và quay mặt ra bắt gặp tôi đang ngồi xuống, cô bé nhanh miệng hỏi: “Anh kết (thích nghe ) nhạc gì nhất?”.
 
Bất ngờ nên tôi bối rối và chỉ ầm ừ, cô bé tiếp “Thế bài nào là anh like nhất”. “Anh... anh cũng không biết”, tôi trả lời mà nghe như đó không phải là giọng nói của mình. Vẫn là cô bé trả lời thêm “Thì bài nào hót nhất và được thì anh kết thôi”. Cô bé thở dài “anh đúng là lúa ơi là lúa”.

 

Tôi hơi đỏ mặt và cáu nhưng tôi cũng vội nhìn lên màn hình với bao lời hát tình tứ như “Anh sẽ .....em sẽ ...đôi ta…” đang được cô bé nhẩm lại. Việc đó không lớn nhưng tôi dường như đã thất vọng với những hi vọng về lời ru ngọt ngào của bà tôi, mẹ tôi... còn được ru mãi để nuôi dưỡng tâm hồn cho con trẻ.

 

Với kiểu phát triển của xã hội ngày nay, những đứa trẻ không còn được nghe những câu “ầu ơ…” của mẹ, của bà nữa; thay vào đó là những bài hát tình tứ, ồn ào, loạn xạ mà so với tuổi thơ của chúng thì đó là những cái quá xa lạ và hết sức phản giáo dục, làm mất đi sự hồn nhiên, trong sáng vốn có của tuổi thơ. Và cũng không biết đó có phải là lần cuối cùng tôi được nghe một lời ru “ầu ơ…” hay không?

 

Lê Đình Cường
Khoa ngữ văn, trường Đại Học Khoa Học Huế

 

LTS Dân trí - Trọ học ở chốn thị thành, bỗng nhiên người sinh viên đó nghe thấy tiếng ru quen thuộc của thời ấu thơ ở chốn quê nhà, từ đó đã viết nên những cảm nghĩ tương phản giữa quá khứ và hiện tại… cũng như những nghịch lý văn hóa mà con trẻ thời nay ở chốn thị thành đang phải đắm mình trong đó.

 

Nỗi lo về sự mai một của những lời hát ru mang âm hưởng đồng quê và giàu tính trữ tình cũng là nỗi lo về sự lấn át của loại văn hóa lai căng, pha tạp đang tràn vào đời sống hàng ngày của lứa tuổi con trẻ thật đáng quan ngại.

 

Đấy là lời cảnh báo đối với mọi gia đình cũng như các ngành văn hóa, giáo dục và các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ trên nền tảng của cội nguồn văn hóa dân tộc.