Li hôn - không li hôn (!?)

(Dân trí) - Mỗi người có một quan niệm sống khác nhau và khái niệm về li hôn cũng không ngoại lệ. Li hôn cũng như kết hôn đều là những quyết định quan trọng của đời người, song đánh giá thế nào còn tuỳ thuộc vào quan niệm "mới", "cũ"... của từng cá nhân.

Với không ít người thì li hôn là điều nên và cần làm khi không còn hạnh phúc, không còn tình yêu... Nhưng với số ngược lại, li hôn là một việc làm tồi tệ chỉ mang đến sự đau khổ cho nhiều người mà nhất là cho con cái.

 

Dưới đây là một số ý kiến điển hình về ủng hộ và không ủng hộ chuyện li hôn, chúng tôi xin được gửi tới độc giả để cùng thảo luận tiếp:

 

Chia tay khi không còn hạnh phúc

 

Nhớ lại trường hợp của mình cách đây không lâu cũng rơi vào tâm trạng khó quyết trước quyết định li hôn, Luong Quynh M: sourorang@yahoo.com trải lòng:

 

Mình đã từng đắn đo khi đi đến quyết định ấy. Nhưng sau mình đã làm và thấy cuộc sống tốt đẹp hơn lên rất nhiều. Giờ đây mình có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, con mình cũng rất ngoan, không phải như mọi người nghĩ là thiếu vắng một nửa thì mình không dạy được con cái hay cháu sẽ hư đâu.

Thật sự hiện nay có nhiều gia đình sống trong sự giả dối, họ che đậy điều này bằng hình ảnh tạo ra mà thực chất gia đình ấy đã mục ruỗng từ lâu. Vậy con cái họ sẽ tổn thương hơn khi sống với những người cha, mẹ giả dối ấy và các cháu cũng sẽ dễ mắc bệnh tự kỷ cũng như dễ dàng sa ngã.

Nên chăng biết tự sửa sai và khắc phục hậu quả, xây dựng lại. Mặc dù con đường chông gai, nhưng chúng ta nên biết vượt qua. Tôi thấy chúng ta đang thiếu sự tự tin vào bản thân, do vậy luôn đưa phạm trù văn hóa và đạo đức vào lối sống gia đình. Tôi nghĩ li hôn không
phải là giải pháp tồi. Hãy tự quyết định cho mình con đường mà mình cho là đúng đắn”.  

 
Li hôn - không li hôn (!?) - 1

(Nguồn ảnh: internet)
 

hippo: ice_cream_1702@yahoo.com chia sẻ những cảm nhận của một người con có cha mẹ li hôn:

 

Bố mẹ tôi đã li hôn được 2 năm và tôi thực sự thấy cuộc sống của mẹ tôi đổi khác. Từ một người phụ nữ vốn sống theo hệ tư tưởng phong kiến, mẹ tôi bây giờ đã được sống đúng với con người mình. Bà năng động trong mọi hoạt động xã hội, trẻ trung và tiến bộ. Bản thân hai chị em tôi cũng không thấy thiệt thòi vì thiếu tình cảm của cha. Nếu bạn đã từng là con của một gia đình không hạnh phúc, bạn phải nhìn thấy cha mẹ mình dằn vặt nhau, đó mới là điều kinh khủng nhất!

 

Tôi ủng hộ chuyên li hôn nếu thực sự cuộc sống gia đình của bạn đã trở thành địa ngục!  Hãy suy nghĩ thật chín chắn trước khi làm bất cứ việc gì. Tôi ủng hộ việc li hôn khi gia đình đã không còn là mái ấm nữa!”.   

 

Nguyễn Duy Tân: maidtco.binhduong@gmil.com kết luận: “Li hôn là điều mà không một ai khi lúc kết hôn nghĩ đến. Nhưng đã không còn yêu nhau nữa thì tốt nhất nên giải thoát cho nhau. Chắc chắn một điều là con sẽ bị ảnh hưởng, nhưng đừng để quá muộn”.

 

Không hẳn là văn minh...

 

Với tư cách là người trong cuộc, không ít người thẳng thắn nhìn nhận li hôn là điều không đơn giản và cũng chả hề văn minh như ai đó từng nói.

 

Tôi thấy các bạn ủng hộ chuyện li hôn đơn giản quá. Tôi thấy số bạn ủng hộ chỉ có độ tuổi từ 30 trở xuống và phần lớn chắc chưa có gia đình. Vài năm nữa khi các bạn có gia đình và con cái,  tôi tin các bạn sẽ có suy nghĩ khác.

Li hôn không hề đơn giản các bạn ạ. Hệ lụy của nó rất đau xót. Tôi là người đã trải qua li hôn, hơn nữa lại là đàn ông, nó không đem đến cảm giác thoải mái hay văn minh như các bạn nghĩ đâu.

Cảm giác thật của nó là sự day dứt khôn nguôi, không lấy gì bù đắp được. Cho dù bạn có lấy hạnh phúc khác để thay thế thì sự day dứt cũng không hề mất đi, mà có khi còn day dứt nhiều hơn.

Li hôn không có ai chiến thắng mà là cả 2 đều thất bại. Lý lẽ không nghiêng về ai cho dù trong 2 người sẽ có người sai nhiều, người sai ít. Nói vì con cái có vẻ khuôn sáo, nhưng thực sự là vậy.

Con cái là tài sản lớn nhất, trách nhiệm của cha mẹ là nuôi dạy và cho con cái mái ấm gia đình trọn vẹn và của chính con cái mình. Vì thế, vợ chồng hãy nhìn nhau để sống, chắt lọc cái tốt của nhau và cảm thông với những nhược điểm của nhau vì không ai toàn vẹn cả. Chính mình cũng vậy thì đừng nên đòi hỏi quá nhiều ở bạn đời của mình
” - Không đơn giản: Vhanh00@gmail.com chia sẻ cùng lời kết:

 

Trong hôn nhân và gia đình, lớn nhất là trách nhiệm và tình yêu thương. Phá vỡ gia đình của con mình là tội lỗi, chị em phải sống xa nhau, đứa có bố thì xa mẹ, đứa có mẹ thì xa bố. Hàn gắn 1 gia đình chỉ cần 2 người cố gắng, tạo lập 1 gia đình mới thì rất nhiều người phải cố gắng mà cũng không tròn trịa được, cuộc sống cũng gượng gạo giữa các thành viên vốn xa lạ. Đấy không phải sự gò ép sao? Và như vậy sao thoải mái, hạnh phúc được. Các bạn trẻ nói đến sự văn minh, nhưng chỉ nghĩ đến bản thân  thì thử hỏi có nên tiếp nhận sự văn minh ấy không?”

 

Quốc Trung: quoctrungdb@gmail.com bày tỏ: “Tôi và vợ tôi đã li thân 5 năm nay. Trong gia đình, chúng tôi chỉ là bạn. Nhưng tôi và vợ đều thống nhất là sẽ không li hôn vì cả 2 chúng tôi đều rất yêu thương con. Chúng tôi không muốn con cái thiếu bố hoặc mẹ, chúng tôi chấp nhận. Đúng là "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", không ai giống ai hết”.

 

Lê Văn La: levan123tt@gmail.com phân tích: “Các bác cứ nói li hôn là tiến bộ, rồi thì ủng hộ ly hôn, khi tình yêu đã cạn thì ly hôn, khi cuộc sống nhàm chán thì li hôn... Em không hiểu các bác có nghĩ câu: Là vợ là chồng ngoài cái tình thì còn cái nghĩa”.

Tình là gì - là tình cảm vợ chồng, tình yêu vợ - chồng. Còn Nghĩa? Nghĩa vợ chồng thì lớn lao hơn tình nhiều. Nó là cái sự ràng buộc rất lớn. Nếu cứ thấy nhàm chán trong cuộc sống vợ chồng mà đưa nhau ra tòa là ổn sao? Còn những đứa con phải chịu côi cút mặc dù bố-mẹ nó còn sống, những ông bố bà mẹ già đắng lòng khi thấy gia đình con cái tan đàn sẻ nghé...

Gia đình là nền tảng của xã hội, hãy biết trân trọng những giá trị đích thực của cuộc sống gia đình, không nên vì cái tôi cá nhân mà phá bỏ những giá trị đạo đức trong lối sống thuần Việt ngàn đời của cha ông chúng ta

  

Thanh trúc: thanhtructt@ymail.com đi sâu vào sự khác biệt giữa quan niệm về li hôn ở nước ta so với các nước phương Tây:

 

Li hôn đúng là tiến bộ của nhân loại, và đó cũng là bước ngoặc của một xã hội văn minh. Vấn đề ở chỗ là văn minh của XH Việt Nam chưa tiến kịp các nước phương Tây.

Ở các nước phương Tây, con cái đủ 18 tuổi hoàn toàn có quyền tự do sống riêng và độc lập quyết định tương lai, cuộc sống của mình. Cha mẹ chỉ giúp con cái định hướng trong cuộc sống, và có nghĩa vụ cấp dưỡng tiền cho con cái. Còn XH Việt Nam coi trọng cuộc sống gia đình nhiều thề hệ, bảo bọc con cái ngay thậm chí cả khi con cái đã vào độ tuổi trung niên.
 
Vậy nên với XH phương Tây, khi hôn nhân không đạt mục đích thì ly hôn là sự giải thoát và cư xử văn minh. Sau ly hôn, nam nữ bình đẳng như nhau, và ai cũng có nghĩa vụ với con cái.

Còn XH Việt Nam, phần lớn các cuộc li hôn đều gây ra bi kịch, trẻ thơ mất gia đình, cha mẹ vô trách nhiệm, không chăm sóc và thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi nấng (chủ yếu là đàn ông). Còn người phụ nữ sau li hôn thì thường bị XH cười chê, mang nhiều tiếng thị phi, dù người ngoài cuộc không bao giờ biết rõ nguyên nhân tan vỡ của hôn nhân.

Với XH Việt Nam, li hôn chỉ là giải pháp chẳng thể đặng đừng, nhất là khi đã có con cái!”.

 

Gia đình - hai chữ thiêng liêng mà nhiều người mong có được. Nhưng sẽ chẳng có gì bền vững nếu những người trong gia đình không cùng nhau vun đắp, sẻ chia... Hãy cố gắng và luôn có trách nhiệm với những quyết định của mình, lúc đó li hôn hay không li hôn, điều đó không còn quá quan trọng nữa.

 

Linh Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm