Điều tra theo đơn thư bạn đọc:
Lào Cai: Làm rõ vụ công dân không biết chữ vẫn ký nhận tiền đền bù
(Dân trí) - Sau khi vụ việc công dân không biết chữ “tố” bị giả mạo chữ ký trong danh sách nhận tiền đền bù dự án khai thác Apatit liên tục được phản ánh, Apatit Việt Nam và bộ phận chức năng huyện Bảo Thắng đã rà soát trình tự thu hồi, đền bù với ông Môn.
Như thông tin đã đưa, ông Lương Văn Môn (SN 1970), dân tộc Tày, trú tại: Thôn Trang, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến báo Dân trí phản ánh: Năm 2008, gia đình ông bị thu hồi 13.000m2 phục vụ việc mở rộng diện tích khai thác quặng Apatit của Công ty mỏ Apatit Lào Cai. Sau đó, gia đình ông chỉ nhận được 296 triệu tiền đền bù cho diện tích đất được xác định có quặng, phần diện tích còn lại Công ty mỏ Apatit chưa trả, ông chưa ký nhận tiền.
Khi Công ty mỏ Apatit trả lại mặt bằng vì không có quặng, UBND xã Gia Phú tiếp quản phần đất trên nhưng không thực hiện nghĩa vụ đền bù với người dân. Cho rằng việc thu hồi và quản lý đất của chính quyền xã khi công dân chưa nhận tiền đền bù là sai quy định của pháp luật, ông Môn nhờ người viết đơn khiếu nại và điểm chỉ gửi đến các cơ quan chức năng thì được trả lời ông đã ký nhận tiền đền bù trong danh sách, mặc dù ông không biết chữ.
Ngay sau khi vụ việc được báo Dân trí phản ánh, Sở TN&MT tỉnh Lào Cai đã có văn bản khẳng định việc lên kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất phục vụ mở rộng khai thác quặng Apatit, trong đó có phần diện tích của hộ ông Lương Văn Môn đang có đơn khiếu nại thuộc về Công ty Apatit Việt Nam (chủ đầu tư) và Hội đồng GPMB huyện Bảo Thắng, bởi đây là những đơn vị chịu trách nhiệm đền bù, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất.
Trước đó, ngày 1/8/2014, UBND huyện Bảo Thắng đã ban hành Văn bản số 1416/UBND-TNMT, gửi Công ty Apatit Việt Nam, Phòng TN&MT, xã Gia Phú đề nghị xem xét, giải quyết dứt điểm các vấn đề có liên quan đến việc thu hồi đất, khai thác mỏ và hậu khai thác trên địa bàn, trong đó có việc khiếu nại của ông Lương Văn Môn nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Sau khi các cơ quan chức năng đồng loạt ban hành văn bản yêu cầu giải quyết, ngày 14/11/2014, tại trụ sở UBND xã Gia Phú, đại diện Công ty Apait Việt Nam, Ban Quản lý các dự án huyện Bảo Thắng và UBND xã Gia Phú mới tổ chức đối thoại với gia đình ông Lương Văn Môn để làm rõ trách nhiệm, làm rõ chế độ đền bù ông Lương Văn Môn khiếu nại chưa nhận được từ các đơn vị chức năng.
Tại buổi làm việc, Công ty Apatit Việt Nam cho rằng gia đình ông Môn đã nhận được 314.138.000đ tiền đền bù vào 3 lần. Lần đầu do bà Hà Thị Hiệu (vợ ông Môn), lần thứ hai do con gái ký thay, lần thứ ba do ông Quyết (cán bộ Chi nhánh khai thác 1) ký thay vì ông Môn không biết chữ. Trao đổi với đại diện các cơ quan, ông Môn tái đề nghị xem xét lại trình tự chi trả chế độ đền bù, hỗ trợ, tái định cư khu thu hồi đất đối với gia đình. Theo tường trình của ông Môn, có một số khoản gia đình chưa được nhận mà được xác định đã nhận, như số tiền tại các phiếu thu số 00000074 và 00000137.
Kết thúc buổi đối thoại, đại diện các đơn vị chức năng và gia đình ông Lương Văn Môn thống nhất ba nội dung kiến nghị lên Công ty Apatit Việt Nam và UBND huyện Bảo Thắng xem xét, giải quyết: Đề nghị Công ty Apatit Việt Nam sớm thanh toán số tiền chênh lệch cho hộ ông Môn; Phòng TN&MT huyện Bảo Thắng, UBND xã Gia Phú, Công ty Apatit rà soát lại diện tích so với số liệu thống kê, đền bù; cấp đất tái định cư cho các con của ông Môn theo quy định của pháp luật.
Trở lại vụ việc, năm 1996, UBND huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho toàn bộ diện tích đất ao + vườn mà gia đình ông Lương Văn Môn sử dụng. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận, gia đình ông tiếp tục mở rộng khai hoang thêm một phần diện tích. Năm 2008, Công ty mỏ Apatit Lào Cai cử người về đo đạc mở rộng diện tích khai thác quặng. Tổng số diện tích Công ty Apatit kiểm đếm, đo đạc thu hồi của gia đình ông Môn là 13.000m2. Sau kiểm đếm, UBND xã Gia Phú mời ông Môn ra trụ sở nhận 180 triệu đồng, nhưng ông Môn không nhận vì giá quá thấp. Lần thứ 2, xã Gia Phú mời ông Môn ra nhận 296 triệu đồng. Theo tường trình của ông Môn, lúc chính quyền xã mời ra nhận tiền ông không có nhà nên cán bộ xã thuyết phục vợ ông Môn ký nhận khoản tiền trên.
Cho rằng khoản tiền 296 triệu đồng mà vợ nhận là chưa tương ứng với diện tích đất đã bị thu hồi, ông Môn đến UBND xã thắc mắc thì được đại diện UBND xã Gia Phú và cán bộ Công ty mỏ Apatit giải thích khoản tiền trên chỉ là tạm trả cho diện tích có quặng Apatit, phần diện tích còn lại sẽ được trả tiền đền bù khi xác định có quặng. Trong khi ông Môn chưa đồng ý, Công ty mỏ Apatit Lào Cai và xã Gia Phú vẫn cho người san lấp mặt bằng, mặc dù chưa thực hiện việc đền bù cho công dân theo đúng quy định.
Sau một thời gian đo đạc Công ty mỏ Apatit Lào Cai cho rút lực lượng về vì phần diện tích gần 5000m2 còn lại của ông Môn được xác định không có quặng. Tuy nhiên, thay vì trả lại gia đình ông Lương Văn Môn, UBND xã Gia Phú đã tiếp quản và chia lô diện tích đất trên làm đất tái định cư cho các gia đình khác bị thu hồi đất. Trước sự việc trên, ông Môn nhiều lần nhờ người viết đơn và điểm chỉ gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại việc thu hồi đất khi chưa đền bù nhưng không được giải quyết thấu đáo.
Bức xúc trước sự việc trên, ông Lương Văn Môn làm đơn kêu cứu khẩn cấp gửi báo Dân trí. Nhận được công văn báo Dân trí chuyển đến, ngày 7/5/2014, ông Doãn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành văn bản số 171/UBND-TCD gửi Sở TN&MT, UBND huyện Bảo Thắng, chuyển đơn của ông Lương Văn Môn đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời công dân, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh Lào Cai và báo Dân trí.
Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành văn bản chỉ đạo, ngày 25/5/2014, ông Lương Văn Môn được mời lên nhà văn hóa để giải quyết vụ việc. Theo tường trình của ông Môn, tại buổi làm việc với đại diện mỏ Apatit và các đơn vị chức năng, các cơ quan đưa ra tập tài liệu chứng minh việc ông Môn trực tiếp ký vào danh sách nhận tiền đền bù cho cả 2 mảnh đất (tổng số là 13.000m2) bị thu hồi.
Trước những tài liệu đại diện các cơ quan chức năng đưa ra, ông Lương Văn Môn đã phản ứng gay gắt bởi sự thật là ông không biết chữ từ nhỏ, tất cả giấy tờ liên quan đến ông Môn lưu ở UBND xã Gia Phú đều dùng ngón tay điểm chỉ thay vì ký tên. Vì không biết chữ, nên ông không thể ký vào danh sách nhận tiền bằng nét chữ ký đẹp và sạch sẽ như tài liệu được công bố tại buổi làm việc. Việc ông Lương Văn Môn không biết chữ từ nhỏ đã được ông Phạm Văn Xuân - Phó chủ tịch UBND xã Gia Phú xác nhận ngày 28/8/2014.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương