Bài 2:
Lạng Sơn: Lần theo dấu vết những “hung thần”… băm nát cầu đường tỉnh lộ 243
(Dân trí) - Lần theo những chiếc xe tải trên đường vảo mỏ đá, phóng viên Dân trí đã mục sở thị cảnh khai thác đá của cách doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã Yên Vượng huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn). Ở đây có 3 Doanh nghiệp đang khai thác đá là mỏ đá Nhật Tiến, Hoàng Khánh và mỏ đá 78.
Như báo Dân trí phản ánh về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của ba cây cầu cũng như cả tuyến đường dài hơn 7km thuộc tỉnh lộ 243 huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).
Lần theo những chiếc xe tải trên đường vảo mỏ đá, PV Dân trí đã mục sở thị cảnh khai thác đá của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã Yên Vượng huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn). Ở đây có 3 doanh nghiệp đang khai thác đá là mỏ đá Nhật Tiến, Hoàng Khánh và mỏ đá 78.
Những quả núi cao ngất trời, dường như vẫn nhỏ bé với máy móc, thuốc nổ và công nhân lao động ở đây. Mỏ đá Nhật Tiến có vị trí gần với tỉnh lộ 243 nhất, con đường vào mỏ đá ngổn ngang lởm chởm những viên đá xanh mới được công nhân nổ mìn lăn từ trên núi xuống.
Đường vào khu mỏ đá Nhật Tiến, mỏ đá gần nhất với tỉnh lộ 243.
Cả một công trường rộng lớn, công nhân máy móc đang hoạt động ầm ầm, nguyên tiếng máy nổ, tiếng máy nghiền đá cũng đủ làm nhức óc những người có mặt ở hiện trường. Những quả núi đá vôi sừng sững đang bị “xẻ thịt” mất đi cả một nửa.
Khoảng 10h30, một tốp công nhân, người cầm khoan leo lên những tảng đá lớn rồi khoan lỗ, người thì đấu dây điện, người cho thuốc nổ, họ làm như vậy để phá tan tảng đá lớn tiện cho việc nghiền nhỏ thành đá thương phẩm.
Tuy nhiên, theo quy định về việc cho nổ mình phải đúng giờ qui định và được cảnh báo nghiêm ngặt. Theo quan sát của PV Dân trí, giờ nổ mìn được mỏ đá Nhật Tiến quy định trên một tấm bảng nhỏ được treo trên vách núi xung quanh cây cỏ bao phủ. Cụ thể là giờ nổ mìn buổi trưa được giới hạn trong khoảng từ 11h đến 12h30, buổi chiều từ 16h30 đến 18h30.
Một số công nhân của mỏ đá Nhật Tiến đang tiến hành nổ mìn với bảo hộ lao động sơ sài.
Thời điểm phóng viên có mặt tại mỏ đá Nhật Tiến, chỉ có công nhân đang làm việc không có chủ mỏ, một người đàn ông cho là người bán hàng của mỏ đá nhanh chóng tiếp cận và chào hàng các loại đá mà mỏ của mình có thể cung cấp cho thị trường hiện nay.
Trao đối với PV Dân trí qua điện thoại, người đàn ông có tên là Tiến chủ của mỏ đá nhưng ở thời điểm đó đang đi vắng: “Với mỏ đá Nhật Tiến ở thời điểm hiện tại đã có giám đốc mỏ, việc khai thác đá được cấp phép của các ban ngành liên quan. Ngay trong việc nổ mìn cũng đã được đăng ký chất liệu nổ qua sở Công Thương”. Ông Tiến chia sẻ.
Tuy nhiên trong thực tế từ nhiều tháng nay, những người dân sống quanh khu vực mỏ đá ngày đêm sống trong cảnh lo sợ, cuộc sống bị đảo lộn. Họ sợ việc mỗi lần phải đi ra đường gặp xe quá tải, họ sợ vì những tiếng nổ mìn làm ung tai nhức óc, nhất là những tiếng nổ ấy lại không đúng giờ giấc.
“Chúng tôi đã có những kiến nghị với chính quyền địa phương về việc các mỏ đá ở đây nổ mìn không đúng giờ quy định, nhưng kiến nghị thì cứ kiến nghị còn việc các mỏ đá nổ mìn thì vẫn cứ nổ như thường”, một người dân cho biết.
Những chiếc xe bốn chân nặng từ 40 đến 50 tấn vào mua đá ở các mỏ thuộc xã Yên Vượng (Hữu Lũng Lạng Sơn).
Cuộc sống của người dân bị xáo trộn cùng đó là những tiềm ẩn nguy cơ bị tai nạn do đất đá văng ra khi các chủ mỏ cho kích hoạt nổ mìn để khai thác đá. Hậu quả từng ập đến với những người dân khi những mảnh vỡ của đá trên công trường, bay thẳng vào nhà dân liền kề làm hỏng cả mái nhà.
Cho biết về sự thể, ông Tiến chủ mỏ đá Nhật Tiến thừa nhận việc nổ mìn không đúng thời gian quy định là có thật, nhưng đó chỉ là việc nổ để phá những tảng đá lớn sau khi lăn từ trên núi xuống.
Thời điểm hiện tại mỏ đá Nhật Tiến có trên dưới 30 công nhân đang làm việc, con số này được ông chủ Tiến đưa ra, ngay cả bản thân ông chủ cũng không nắm được con số cụ thể là mỏ đá của mình đang có bao nhiêu lao động đang làm việc.
Điều này dẫn đến việc quản lý công nhân không chặt chẽ, đăng ký hộ khẩu, tạm trú tạm vắng không đầy đủ. Tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự sau giờ làm việc vì công nhân đến từ nhiều nơi trên cả nước.
Cách đó không xa, một mỏ đá với quy mô về diện tích cũng như sản lượng khai thác đá lớn nhất ở khu vực là mỏ đá Hoàng Khánh. Thời điểm mà PV Dân trí có mặt tại mỏ đá này trùng với một đoàn công tác an ninh Công an tỉnh Lạng Sơn đi kiểm tra các mỏ đá trên dịa bàn huyện Hữu Lũng.
Khu mỏ đá Hoàng Khánh, rất nhiều quả núi đã bị "xẻ thịt".
Chủ doanh nghiệp là bà Nguyễn Thị Hồng cũng không có mặt ở mỏ, làm việc với cơ quan chức năng chỉ có một người đàn ông xưng là nhân viên của mỏ đá. Tuy nhiên theo quan sát của phóng toàn bộ mỏ đá trong ngày hôm nay đã dừng hoạt động, không thấy công nhân, máy móc ngừng hoạt động. Chỉ duy nhất việc mua bán vẫn được tiến hành như thường.
Phóng viên tìm cách liên hệ với bà Nguyễn Thị Hồng qua điện thoại để trao đổi về một số phản ảnh của người dân sinh sống quanh mỏ đá của bà về việc họ bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc khai thác, vận chuyển của mỏ đá. Phóng viên đã nhận được những thông tin cung cấp rất “hồn nhiên” của chủ mỏ đá Hoàng Khánh như sau:
“Đường xá, cầu cống xuống cấp là do bên giao thông tự có trách nhiệm, chúng tôi là doanh nghiệp nên không biết đường xá cầu cống là gì. Tuyến đường đó bị xuống cấp hư hỏng không phải do mình chúng tôi và đường không được làm để dành nguyên cho mỏ đá của chúng tôi. Đây không phải lĩnh vực của chúng tôi nên cũng không quan tâm”, bà Hồng nói nhanh và cúp máy ngừng trao đổi.
Liên quan đến vấn đề an toàn lao động của những công nhân đang trực tiếp làm việc tại các mỏ đá, phóng viên đã tìm đến Sở Lao động Thương binh Xã hội (Lạng Sơn) và được cán bộ sở cho biết: Hàng năm cũng đi kiểm tra về an toàn lao động và các phương tiện phục vụ cho việc bảo hộ lao động. Tuy nhiên, theo phía Sở thì việc thực hiện đúng đầy đủ về dn toàn lao động và cam kết liên quan là trách nhiệm của Doanh nghiệp, của chủ mỏ, bởi chức năng qui định Sở chỉ được kiểm tra, theo dõi và giám sát chứ không thể xử phạt ngoài qui định của ngành được…
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Q.Cường - T.Trinh