Lãng phí lớn trong xây dựng công sở

(Dân trí) - Thực trạng tình hình xây dựng cơ bản nói chung, xây dựng công sở nói riêng hiện nay đang có nhiều vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển đô thị, gây lãng phí lớn về nguồn vốn và quỹ đất.

Dư luận xã hội đang trông chờ những chủ trương, giải pháp đúng đắn và kịp thời của Nhà nước để chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về xây dựng công sở, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên mặt trận xây dựng cơ bản.
 
Thực trạng đáng báo động
 
Tuy chưa đồng bộ, chưa đầy đủ nhưng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về xây dựng và quản lý công sở. Đặc biệt là quyết định số 260/2006/QĐ - TTg ngày 14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc, Quyết định số 141/2008/QĐ - TTg ngày 22/10/2008 của Thủ tướng Chính Phủ về quản lý trụ sở, nhà làm việc của các cơ quan hành chính sự nghiệp. Quyết định quy định rất rõ về chế độ quản lý, các điều kiện, căn cứ để được cải tạo, nâng cấp hoặc làm mới trụ sở... Nhưng việc quán triệt và thực hiện một số cấp thiếu nghiêm túc.

 

Có thời kỳ ở nhiều địa phương rộ lên phong trào làm mới, nâng cấp trụ sở, làm nhà thi đấu thể thao (Tennis, cầu lông, bóng chuyền) trong khuôn viên cơ quan, choán hết cả diện tích làm bồn hoa, cây cảnh, gây nóng bức, khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị.
 
Một số cơ quan được làm mới hoặc nâng cấp nhà làm việc là chính đáng, vì tổ chức mới thành lập, phải dời chuyển hoặc nhà làm việc cũ đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn; song vẫn có một số cơ quan nhà làm việc còn đảm  bảo, nhưng vì những lý do khác nhau, cơ quan có thẩm quyền đã thẩm định và phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp, làm mới trụ sở quá định mức cho phép.

 

Có những cơ quan nhà làm việc 2 - 3 tầng mới đưa vào sử dụng 5 - 7 năm, nay đập phá làm lại. Có cơ quan vừa cấp kinh phí tiền tỷ để cải tạo năm trước, năm sau lại đập phá, làm mới hoặc dời chuyển do sai lầm trong quy hoạch và định hướng phát triển. Một số cơ quan cấp huyện biên chế dưới 10 người, thậm chí chỉ 3 - 4 người vẫn được cấp đất, cấp kinh phí làm trú sở riêng.

 

Điều đáng nói là bên cạnh một số cơ quan được “ưu ái”, vẫn còn nhiều tổ chức điều kiện ăn, ở làm việc hết sức chật chội, trụ sở xuống cấp không có kinh phí để sửa chữa và làm mới. Trụ sở làm việc của một số xã, thị trấn rất tạm bợ; cơ sở vật chất hạ tầng và phúc lợi công cộng như giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm xá phục vụ đời sống dân sinh một số vùng nông thôn hết sức khó khăn.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Có cử tri đã phát biểu: “Dân cần đoạn đường vài cây số cho con em đi học, cho dân đi lại, đề nghị mãi không được, trong khi trụ sở cơ quan mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã nâng cấp sửa chữa”.
 
Có cơ quan lập luận: “Vốn ngành dọc, xin được là làm”. Dẫu biết rằng không phải đồng vốn nào chi vào mục đích gì cũng được, nhưng đều nằm trong túi ngân sách của Nhà nước cả.

 

Khảo sát thực tế ở một số huyện và tỉnh cho thấy: Bộ máy cơ quan hành chính cấp huyện thường trên dưới 23 tổ chức, tổng biên chế khoảng 300 người. Chỉ có 2 tổ chức có biên chế trên 50 đến 100 người, 14 tổ chức (gần 2/3 số tổ chức) biên chế dưới 10 người, cá biệt có 5 tổ chức biên chế 3 - 5 người. Diện tích đất đã cấp làm trụ sở hơn 7ha, diện tích nhà làm việc hơn 9000m2. Nếu tính theo định mức nhà làm việc theo quy định của nhà nước (diện tích thông thuỷ) chỉ cần 3000m2 và khoảng 2ha đất là đủ.

 

Tương tự như vậy, bộ máy cơ quan hành chính ở một tỉnh dao động từ 53- 60 tổ chức với tổng biên chế khoảng 1.700 người. Diện tích đất đã cấp 21,4ha. Diện tích nhà làm việc theo định mức của nhà nước chỉ cần khoảng 40.000m2  và 3 - 4ha đất là đủ, trong khi diện tích nhà làm việc cũ và đất nhiều gấp 4 lần vẫn không đủ chổ làm việc theo công năng vì phòng họp, hội trường, công trình phụ trợ và các hoạt động dịch vụ chiếm qúa nhiều diện tích.
 
Việc quản lý công sản thiếu chặt chẽ, thiếu sự phối hợp giữa các ngành chức năng. Mặc dầu Nhà nước quy định ngày 25/11 hàng năm phải báo cáo tình hình đầu tư xây dựng và quản lý tài sản, công sản, nhưng nhiều cơ quan chấp hành không nghiêm túc. Có tỉnh số liệu quản lý công sản cập nhật cách đây dăm, bảy năm thì làm sao có cơ sở để tham mưu chính xác trong các quyết định đầu tư.

 

Đất và diện tích xây dựng cũng là tiền, TP Đà Nẵng xây dựng Trung tâm hành chính - chính trị 34 tầng với diện tích xây dựng 64.234m2 trong khuôn viên 2 ha, so với diện tích đất làm trụ sở cũ giảm được hơn 15ha.
 
Nếu đơn giá 1m2 là 2.000.000đ cũng tiết kiệm được 300 tỷ đồng. Nếu cả nước xây dựng công sở, cơ quan hành chính 2 cấp như TP Đà Nẵng hoặc công sở theo khối liên cơ, mỗi huyện sẽ tiết kiệm được 5ha đất, mỗi tỉnh tiết kiệm 15 ha đất. Đơn giá từ 1-1,5 triệu đồng/m2, sẽ tiết kiệm được 50.000 tỷ đồng từ quỹ đất.
 
Những khu đất cũ khi chuyển mục đích sử dụng sẽ sinh lời không nhỏ cho đất nước. Hiệu quả kinh tế không chỉ dừng lại ở vốn đầu tư và quỹ đất, mỗi khi có chủ trương hợp lý trong quy hoạch, sắp xếp, xây dựng các công sở sẽ tiết kiệm cả biên chế, thời gian, phương tiện và nhiều khoản chi phí khác.

 

Dẫn chứng số liệu ở một vài đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã vậy. Nếu được điều tra và cập nhật đầy đủ thông tin ở 693 huyện, thị, thành; 63 tỉnh thành phố và các cơ quan TW (kể cả các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang), về tổng diện tích đất, diện tích làm công sở, tổng vốn đầu tư trong những năm gần đây so với định mức của Nhà nước, chúng ta không khỏi giật mình về những tổn thất không nhỏ, một “lỗ thủng” lớn trong quản lý ngân sách và quỹ đất. Nếu tính đến những tổn thất trong xây dựng cơ bản do một số cán bộ trong bộ máy Nhà nước bắt tay và “bảo kê” cho các nhà thầu thì còn lớn hơn nhiều.

 

Tôi nghĩ, nguyên nhân khách quan do sự biến động về đơn vị hành chính và mô hình tổ chức bộ máy các cấp (chia tách, sát nhập) sự mất cân đối giữa nhu cầu với khả năng nguồn vốn trong điều kiện một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, dẫn đến cò con, chắp vá trong xây dựng.
 
Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là vai trò quản lý của Nhà nước các cấp, chưa định hướng rõ mô hình xây dựng công sở từng cấp, từng loại hình cơ quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quy mô; thiếu sự phối hợp giữa các bộ ngành chức năng trong quản lý, tham mưu hoạch định chủ trương.
 
Đó là sự hạn chế trong tầm nhìn quy hoạch và thiết kế, cộng với những biểu hiện tư tưởng cục bộ, cát cứ, tư lợi cá nhân của một số cán bộ đã làm mất đi một nguồn lực không nhỏ của đất nước trong điều kiện đang suy thoái kinh tế.

 

Giải pháp nào để bịt chặt “lỗ thủng”?          

 

Đây là vấn đề lớn, bức xúc dư luận xã hội  rất quan tâm, mong được các nhà quản lý, các nhà khoa học các cấp cùng lý giải, luận bàn để tham mưu cho Nhà nước có quyết sách đúng đắn và kịp thời. Từ kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn và sự nhận biết về cách làm ở một số địa phương, tôi thấy:

 

- Trước hết phải xây dựng được mô hình xây dựng công sở các cấp, nhất là cấp tỉnh và cấp huyện thống nhất trong cả nước. Có nên mỗi cơ quan là một công sở riêng, dù quy mô cơ quan đó lớn hay bé, hay xây dựng trung tâm hành chính chính trị như TP Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu và một số địa phương đã làm? hoặc là liên cơ theo khối?

 

Đã Nẵng là TP đột phá đi đầu trong cả nước về xây dựng trung tâm hành chính - chính trị. Được biết, những năm trước thành phố đã chỉ đạo xây dựng công sở chung ở một số quận, huỵên để rút kinh nghiệm. Mô hình có hiệu quả tốt, nhân dân rất đồng tình. Nên chăng cần được tổng kết để nhân rộng.

 

Lợi thế của trung tâm hành chính hoặc liên cơ theo khối, trước hết là đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính, nhằm phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phục vụ nhân dân tốt hơn trong cơ chế “một cửa”.
 
Với những phương tiện hiện đại, hoạt động đúng công năng sẽ là nơi cung cấp kịp thời thông tin các sự kiện, thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội, tạo mối quan hệ phối hợp tốt giữa các cơ quan, xây dựng tình cảm ấm cúng, thân tình trong đội ngũ cán bộ công chức.
 
Xây dựng trụ sở liên cơ sẽ tiết kiệm được diện tích xây dựng nhà làm việc, diện tích đất (thường chỉ bằng 1/4 hoặc 1/5 so với diện tích làm trụ sở riêng). Tiết kiệm được biên chế, thời gian, phương tiện, các hoạt động bổ trợ, dịch vụ và chi phí hành chính (ở một số địa phương các hoạt động này chuyển giao cho một số tổ chức kinh doanh).

 

Công sở đẹp, đồng thời là điểm nhấn trong kiến trúc đô thị. TP Đà Nẵng tổ chức đấu giá đất và tài sản của các cơ quan cũ cho các nhà đầu tư để kinh doanh, với yêu cầu là tiền trả trước, sau ba năm bàn giao tài sản (khi trung tâm hành chính đã hoàn thành).
 
Những vị trí đắc địa đấu giá cao hơn, các nhà đầu tư phải cam kết xây dựng nhà tối thiểu mấy tầng, mật độ xây dựng chiếm 70 - 80% diện tích đất, càng tôn thêm vẽ đẹp hiện đại của đô thị.
 
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện mô hình liên cơ không tránh khỏi những lực cản, những biểu hiện tư tưởng cát cứ, tâm lý “ăn cây nào rào cây ấy”, “anh hào nhất khoảnh” sợ đụng chạm đến lợi ích riêng trong việc sử dụng phương tiện ô tô và các nhu cầu khác.

 

- Trên cơ sở xác định mô hình xây dựng công sở từng cấp để xây dựng quy hoạch phát triển đô thị nói chung, quy hoạch xây dựng công sở nói riêng, phải dành quỹ đất để để xây dựng công sở mới. Cần xây dựng và ban hành định mức, tiêu chuẩn của từng cấp, từng chức danh phù hợp với điều kiện mới.

 

- Cần sớm có chủ trương và định thời gian tổ chức khảo sát, điều tra, đánh giá thật chính xác thực trạng về diện tích, chất lượng nhà làm việc, quỹ đất; vấn đề đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới trong những năm qua ở từng cấp, từ đó để kiểm điểm rút kinh nghiệm và xác định những biện pháp để khắc phục. Cần làm rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức và cá nhân về việc chấp hành và thực hiện các quy định của Nhà nước đã ban hành.

 

- Trong khi đang định hướng mô hình xây dựng công sở ở từng cấp, cần có văn bản quy định rõ điều kiện làm mới, cải tạo, nâng cấp công sở, nhằm đảm bảo điều kiện làm việc bình thường của một số cơ quan, không gây lãng phí về sử dụng đồng vốn. Đồng thời xác định lộ trình xây dựng công sở, giải pháp khai thác nguồn vốn, thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp trong chỉ đạo thực hiện.

 

Thiết nghĩ đã đến lúc cần có những giải pháp để xiết chặt kỷ cương trong quản lý xây dựng cơ bản nói chung và xây dựng công sở nói riêng, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

 

 

Trần Thanh Bình

Nguyên chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh. Khối 13, TT Thạch Hà, Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Chống lãng phí về quỹ đất cũng như nguồn vốn ngân sách trong xây dựng công sở là một vấn đề có tính thời sự được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như bài trên đây đã nêu rõ thực trạng và phân tích những nguyên nhân sâu xa và trực tiếp gây nên tình trạng này.
 
Tác giả bài viết còn đề xuất các giải pháp có căn cứ thực tiễn và có tính hiện thực nhằm khắc phục tình trạng lãng phí đó. Mong rằng các cấp chính quyền và ngành xây dựng sớm có biện pháp đồng bộ nhằm khắc phục tình trạng lãng phí nói trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm