Lạm bàn về đồng tiền “sạch”, đồng tiền “bẩn”

(Dân trí) - Sự ra đời của đồng tiền khiến cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn, song nhiều khi chính tiền lại trở thành nguyên nhân gây nên nỗi bất hạnh cho con người. Những câu chuyện xoay quanh đồng tiền có vô số, tôi chỉ xin lạm bàn về chuyện tiền “sạch”, tiền “bẩn”…

Nhiều khi tiền bẩn lại đáng quý

Dưới con mắt thầy thuốc, tiền là một thứ rất bẩn, bởi được truyền qua tay rất nhiều người nên nó chứa rất nhiều loại vi khuẩn có hại. Vì vậy, các nhà khoa học khuyên nên chú ý giữ vệ sinh khi tiếp xúc với tiền. Đứng ở góc độ xã hội, chúng tôi lại nhận thấy như một nghịch lí: những đồng tiền lấm lem mồ hôi, dầu mỡ, đôi khi nhàu nhĩ, rách nát của người lao động lại là những đồng tiền “sạch”, nghĩa là nó được tạo ra bởi bàn tay, khối óc của người lao động. Vì vậy đồng tiền đó là chính đáng và rất quí. Chuyện kể rằng, để thử con, một người cha đã cầm lấy tiền của con ném thẳng vào lửa, khi thấy người con không quản ngại nóng bỏng thò tay vào cứu đồng tiền thì ông mới biết đó là đồng tiền do chính sức lao động của con tạo ra.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Còn nhiều khi những đồng tiền mới tinh, cáu cạnh, còn nguyên cả tập số xêri lại là những đồng tiền “bẩn”, nôm na là được tạo ra bởi những nguyên do bất chính: trộm cắp, tham nhũng, buôn gian bán lận, lừa đảo, xỏ xiên, mánh khoé, ức hiếp… Cũng giống như câu nói của Démocrite “kiếm tiền tuyệt nhiên không phải việc làm xấu, nhưng nếu dùng thủ đoạn bất nghĩa để kiếm tiền thì đó lại là việc làm độc ác nhất”.

Tiền “sạch” thường khó kiếm nên thường được chi tiêu một cách dè sẻn. Tiết kiệm, tùng tiệm đã trở thành một nếp sống của người nghèo. Người tiết kiệm được đánh giá cao bởi đó là người biết quí trọng sức lao động, mồ hôi nước mắt của chính mình và những người khác, không thể vung tiền vào những việc vô bổ. Tiền “ bẩn” thì trái lại, thường kiếm được một cách quá dễ dàng, nhanh chóng. Dĩ nhiên, để có những đồng tiền “bẩn”, người ta cũng phải “mất mát” rất nhiều, những thứ vô giá nhưng lại vô hình nên bị lờ đi. Tiền “bẩn” do đó không được quí trọng và nhiều khi được tiêu xài vô cùng lãng phí. Cách ăn tiêu vung tay quá trán, “công tử Bạc Liêu”, hoang phí vô độ là một dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của những người sở hữu đồng tiền “bẩn”.

Xin nêu một dẫn chứng so sánh: gần đây nhất, báo Lao động ngày 18/3/2008 đưa tin “Phát hiện một vụ “chạy chọt” gần 700 triệu đồng”; còn trên báo Nông nghiệp Việt Nam kể chuyện một vị giáo sư bỏ biết bao công sức miệt mài viết một cuốn sách kĩ thuật gần 300 trang thì chỉ được nhuận bút 1,2 triệu đồng, bằng 6 bao cám con cò. Thật chua xót thay!

Ngộ nhận về đồng tiền

Tiền là thước đo giá trị, song một ngộ nhận khá phổ biến của xã hội ta là coi tiền như một bậc thang để đo giá trị con người. “Trong lưng chẳng có một đồng. Miệng nói như rồng cũng chẳng ai nghe. Vai mang túi bạc kè kè. Nói quấy nói quá người nghe ầm ầm”. Người xưa nói càng ngẫm lại càng thấy đúng. Các nhà nho xưa coi khinh đồng tiền “hôi tanh chẳng thú vị gì” (Nguyễn Công Trứ). Còn bây giờ không ít người coi đồng tiền là mục đích sống, coi “Tiền là Tiên là Phật”, cho rằng “có tiền mua tiên cũng được”.

Cả hai quan niệm đều có những cực đoan. Đồng tiền chỉ là một phương tiện, xấu hay tốt là do cách con người đối xử với nó. Không có tiền thì không có phương tiện để đạt được mục đích, còn những kẻ coi đồng tiền là tất cả thì vô cùng nguy hiểm. Thi hào Dante đã cảnh báo “Kẻ nào tin rằng tiền bạc làm được mọi sự thì kẻ ấy dám làm mọi sự để có tiền bạc”.

Nhân nói về tính chất mục đích hay phương tiện của đồng tiền, chúng tôi muốn nói rằng người Việt Nam vốn tế nhị, không thích nói chuyện tiền bạc một cách sỗ sàng, và càng không bao giờ coi đồng tiền là mục đích của cuộc sống. Thế nhưng trên những trò chơi truyền hình hấp dẫn và rất đông khán giả, trong đó có nhiều khán giả đang độ tuổi học sinh háo hức chờ đợi, người dẫn chương trình cứ nhắc đi nhắc lại chữ “tiền”, “tiền thưởng”, “triệu đồng”… nhiều lần quá, khiến cho các em ngộ nhận tiền mới là mục đích của trò chơi, và người lớn nghe thì thấy bất nhã.
 
Cứ cho là trò chơi “Hãy chọn giá đúng” thì không thể không nói đến chuyện tiền nong, giá cả, còn những trò chơi “tôn vinh trí tuệ” khác như “Đấu trường 100”, “Ai là triệu phú”, “Tiếp sức” …thì sao? Nhiều khi chúng tôi có cảm giác đồng tiền bao trùm lên không khí của cuộc chơi, tạo nên những hỉ nộ ái ố của người chơi, mục đích của những toan tính, như một thứ “mồi nhử”…Đành rằng đây là phiên bản trò chơi của nước ngoài, song thiết nghĩ cũng cần có một sự điều chỉnh uyển chuyển sao cho phù hợp với văn hoá dân tộc và đảm bảo tính giáo dục.

Một xã hội văn minh là một xã hội tôn vinh trí tuệ, tôn vinh lao động chân chính, tôn vinh hành vi kiếm tiền hợp pháp. Trong xã hội hội ấy, tiền “sạch” nên được trân trọng, tiền “bẩn” sẽ khó có “đất” tồn tại. Còn một xã hội mà đồng tiền “bẩn” hồn nhiên lưu hành, thậm chí dồn những đồng tiền “sạch” vào chỗ lép vế, xấu hổ thì đó là một nguy cơ đáng báo động. Nhiều kẻ trơ trẽn đến mức khệnh khạng với mọi người về những đồng tiền “bẩn” của mình, tự cho mình là khôn ngoan, thuộc đẳng cấp thượng lưu, có quyền ăn trên ngồi trốc. Còn những người lương thiện thì trở nên lép vế, rụt rè với những đồng tiền mồ hôi nước mắt mỏng manh trước vòng xoáy bất tận của cơ chế thị trường mà giá cả ngày một leo thang đến chóng mặt.

Nguy cơ khi tiền “bẩn” không bị kiểm soát

Ở một số quốc gia có cơ chế rạch ròi, chặt chẽ để kiểm soát tiền “sạch”, tiền “bẩn” và những đồng tiền “bẩn” muốn lưu hành được thì phải tìm cách “làm sạch”, tức là “rửa tiền”, một loại hình tội phạm mà cách đây không lâu còn hoàn toàn xa lạ với người Việt Nam. Ở Việt Nam thì nhu cầu “rửa tiền” hầu như chưa có, người ta cứ vô tư đem tiền đến gửi ngân hàng, hay mua nhà, tậu xe, tậu đất, mua vàng, du họ, cho người khác, đầu tư kinh doanh…mà không cần phải có bất cứ một lời giải thích nào cả, bởi đơn giản là không ai hỏi đến.

Ở ta, đa số người dân chưa có sự phân biệt “tiền sạch”, “tiền bẩn” mà chỉ có sự phân biệt tiền nhiều hay ít. Vì vậy, theo bà Narumi Yamada, Trưởng đại diện Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam, Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ cho tội phạm rửa tiền. Báo Dân trí ngày 21/07/2006 đưa tin cảnh sát đã phát hiện một vụ rửa tiền từ nước ngoài về Việt Nam với trị giá 25 triệu USD và số tiền này đã được đầu tư cho một dự án ở một tỉnh miền Trung. Sở dĩ sự việc bị phát giác là do thông tin từ Interpol. Và không biết còn bao nhiêu vụ rửa tiền tương tự đã trót lọt, gây nên những thiệt hại to lớn không lường hết được.

Tiền “bẩn” không được kiểm soát, vẫn hồn nhiên lưu hành vô hình trung đã tạo điều kiện cho những hành vi phạm pháp, đặc biệt là tham nhũng và các loại tội phạm nguy hiểm khác. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát tài sản, thu nhập của công dân thì mục tiêu chống tham nhũng hãy còn xa lơ xa lắc nếu không nói là không tưởng, chẳng khác gì một đằng thì đuổi bắt kẻ trộm, nhưng đằng khác lại mở ra một lối thoát thênh thang cho chúng, cho nên chỉ bắt được những tên “trộm vặt” mà thôi.

Hiện tượng tiền “bẩn” tự do,tự tại là một kẽ hở lớn của hệ thống pháp luật, đang rất cần những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để chấn chỉnh. Những đồng tiền “bẩn” có thể vô hiệu hoá cả pháp luật và làm hoen ố đạo đức xã hội.

Nhà nước ta đã có Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng và Nghị định phòng, chống rửa tiền, Bộ luật Hình sự cũng có điều khoản về “Tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có”. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc minh bạch hoá thu nhập của công dân, lành mạnh hoá nền kinh tế và đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, qui trình phổ biến (nếu không nói là duy nhất) của chúng ta là “Từ điều tra vụ việc phạm pháp đến điều tra nguồn gốc tiền và tài sản liên quan”, trong khi ở nhiều nước, việc kiểm soát tài sản, thu nhập được tiến hành theo hai chiều: một chiều như của ta và một chiều ngược lại, được tiến hành thường xuyên: từ nguồn gốc tài sản điều tra về hành vi phạm pháp liên quan. Cũng cần nhận thấy chế tài, nghiệp vụ, kinh nghiệm điều tra, kiểm soát tài sản của chúng ta còn có một khoảng cách khá xa so với nhiều nước. Hiện đề án đánh thuế thu nhập cá nhân đang được xây dựng, song vấp phải một lực cản rất lớn đó là chỉ thực hiện được đối với công chức hưởng lương theo kiểu “nắm thằng có tóc”, còn những đối tượng khác thì chưa có phương án khả thi.

Dĩ nhiên, cần phải có một lộ trình mới mong xoay chuyển được tình hình. Trong khi chờ đợi hiệu lực của những chế tài pháp luật, chúng ta hãy xây dựng “văn hóa đồng tiền” trong cộng đồng với quan niệm việc lao động kiếm tiền hay sử dụng đồng tiền cũng phải có văn hóa, tạo cho người dân thái độ trân trọng, tôn vinh tiền “sạch” và lên án, tẩy chay tiền “bẩn”. Các thầy cô cũng cần dạy cho học sinh biết phân biệt tiền “sạch”, tiền “bẩn” và truyền cho các em niềm say mê lao động, ý thức về lẽ công bằng, tình yêu đối với lao động và thái độ trân trọng những giá trị chân chính của cuộc sống.

Trọng Nghĩa

LTS Dân trí - Trong thời kỳ hội nhập và đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường, việc quản lý tiền tệ đặt ra nhiều yêu cầu mới. Bên cạnh việc đẩy mạnh lưu thông, quay vòng nhanh những đồng tiền “sạch”, cần ngăn chặn kip thời việc phát sinh những đồng tiền “bẩn”, nhất là việc “rửa tiền” dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy đây là công việc mới mẻ nhưng đã được thể chế hóa thành luật pháp ở nước ta.

Đi đôi với việc đẩy mạnh thực thi luật pháp, đúng như ý kiến đóng góp của tác giả bài viết trên đây, chúng ta cần xây dựng thái độ có văn hóa đối với đồng tiền, biết trân trọng những giá trị lao động chân chính để làm ra những đồng tiền “sạch” và ngược lại, biết tẩy chay và lên án những hành vi bất chính để làm ra những đồng tiền “bẩn”.