Bạn đọc viết:

Lá phiếu và trách nhiệm của công dân

“Chúng ta đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Mỗi cử tri khi được cầm lá phiếu bầu cử là quyền lợi thiêng liêng, quý giá nhất. Còn việc đi bầu và bầu ai là trách nhiệm của mỗi công dân”.

Ngày chủ nhật 22/5/2011, tất cả cử tri cả nước thực hiện quyền làm chủ đất nước Xã hội chủ nghĩa bằng việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Lá phiếu là chứng chỉ, chứng minh quyền công dân của một nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ, là quyền lợi chính trị chính đáng. Ai không có, không nhận được lá phiếu trong ngày bầu cử để thực hiện quyền công dân của mình, bầu ra những người có đức, có tài, thay dân gánh trọng trách của đất nước, là những người bị tước quyền công dân, mất hết quyền tự do, dân chủ, mất quyền chính trị thiêng liêng của công dân.

Để có được lá phiếu trong tay trong ngày bầu cử, chúng ta phải mất hơn 30 năm đấu tranh tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân và phải mất 30 năm kháng chiến đánh đuổi hai tên thực dân, đế quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân.
 
Để ngày hôm nay được cầm lá phiếu đi bầu cử mới thấy hết ý nghĩa, khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Từ đó mỗi cử tri phải nhận thức đầy đủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình sao cho khỏi hổ thẹn với công sức của bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để hôm nay mình có được quyền thiêng liêng ấy!
Lá phiếu còn là lòng tin, sự gửi gắm trách nhiệm của hàng triệu cử tri trong cả nước, thông qua lá phiếu, chọn mặt gửi vàng, tìm người thay dân gánh vác trọng trách mới, đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, như cương lĩnh xây dựng đất nước và mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc khoá XI, nhiệm kỳ 2011 - 2015 đã đề ra.
 
Người cầm lá phiếu đi bầu xác định rõ trách nhiệm một, người nhận được lá phiếu bầu mình phải có trách nhiệm mười, để vừa làm tròn trách nhiệm của công dân và trách nhiệm trước lòng tin của nhân dân của dân tộc.
 
Cầm lá phiếu đi bầu là quyền lợi và trách nhiệm của công dân. Trách nhiệm làm chủ đất nước, trách nhiệm chọn lọc và xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bởi vậy, trước khi nhận được lá phiếu, trách nhiệm của cử tri là phải đi bầu cử đúng giờ, phát huy tối đa quyền làm chủ của mình, có trách nhiệm sáng suốt lựa chọn người có đức, có tài, có tâm, có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Trước khi cầm bút phải tự hỏi mình rằng nên bầu ai, bầu để làm gì, không được gạch đại cho xong. Càng không nên vì cục bộ, địa phương hay vì cá nhân mà bỏ sót người có tâm, có tài, có năng lực.
 
Bầu rồi công dân còn có trách nhiệm phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, hiến kế cho đại biểu qua tiếp xúc cử tri, qua phản ảnh bằng văn bản… để đại biểu mình bầu ra tiếp thu, phản ảnh với Đảng, Nhà nước.
 
Đồng thời còn phải có trách nhiệm giám sát đại biểu trong quá trình công tác, kịp thời phát hiện ai không xứng đáng, để thông qua bỏ phiếu tín nhiệm sau này, đề nghị miễn nhiệm, thay thế. Phát hiện ra kẻ tham nhũng, lãng phí quan liêu, sa đoạ, phẩm chất, lối sống xa dân, xa rời mục tiêu lý tưởng… để kiến nghị xử lý, kỷ luật.
 
Trách nhiệm ủng hộ người mình bầu, mình tin tưởng bằng quyết tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, kế hoạch chương trình, biến kế hoạch chủ trương, nghị quyết thành hiện thực trong cuộc sống. Thực hiện bằng được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thực hiện tốt tất cả những nhiệm vụ trên ngoài hoàn thành trách nhiệm của công dân trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, còn hoàn thành trách nhiệm cao cả, vinh quang , có tính chất thời đại hơn là “đập tan”âm mưu “diễn biến hoà bình” của kẻ địch lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để nói xấu chế độ ta". Quyết tâm xây dựng nước Việt nam hoà bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, tiến bước vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản.

Phùng Văn Mùi