Kỷ niệm xưa và điều trăn trở hôm nay

(Dân trí) - Tôi đi học giữa chiến tranh chống Mỹ, nhưng thành phố Sài Gòn lúc ấy chưa đầy hai triệu dân, tình người vẫn ấm... Tựu trung, tôi vẫn giữ những kỷ niệm rất đẹp về làng tôi, về gia đình, về tình người, về những năm mà tôi sống ở bên nhà…

Tuy đã sống, làm nghề dạy học và nghiên cứu từ hơn bốn mươi năm nay ở Bỉ nhưng cứ mỗi khi ai đó bàn về sự khác biệt văn hóa Âu Á, tự nhiên tôi lại cảm nhận một điều ... “khó ở” trong mình.

Chúng ta đều ở ngã tư của nhiều văn hóa là điều tôi vẫn dạy học trò tôi. Có lúc hứng khởi lên,  tôi còn “minh chứng” với chúng là tôi thể hiện nhiều và sành văn hóa Bỉ hơn chúng dù tôi là người gốc da vàng (tôi đã sống lâu năm ở Bỉ hơn chúng, văn hóa Bỉ là phạm vi nghiên cứu của tôi, ...).

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Đúng ra, văn hóa đối xử thì ở đâu cũng thế thôi, có cái hay mà cũng có cái không hay... Hai vợ chồng không cùng quốc tịch không có nghĩa là cuộc sống của họ sẽ khó khăn hơn.

Thế nhưng, từ cái gốc “bài ngoại” hay “theo ngoại” quá đáng, nhiều người vô tình đưa ra những khác biệt rất phiến diện, làm người du khách có khi phải cười mỉm. Nhưng xét cho cùng, không có một văn hóa nào đủ thuần nhất để cho phép ta nói “đó là cách đối xử theo Âu hay theo Á”, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa mà chúng ta đang sống hiện nay.

Tôi nấu cơm Việt Nam ở nhà ? Đúng, chúng tôi thường ăn cơm hơn ăn khoai tây vì nấu cơm nhanh hơn là gọt khoai tây cho cả nhà (rõ ràng đúng là định nghĩa của văn hóa: chọn ra giải pháp thích hợp nhất trong một hoàn cảnh nào đó). Thậm chí lúc bé, các con tôi hay đòi cơm. Không những ăn cơm với nước mắm mà cả với bơ, với thịt bò chiên, cá sốt sữa, ... chúng bảo rằng “một ngày không có cơm như một ngày không có mặt trời”. Nhưng tuy ăn cơm mỗi ngày, các con tôi vẫn sống ... như Tây với những thuận hòa và nghịch lý của một văn hóa hậu công nghiệp.
Kỷ niệm xưa và điều trăn trở hôm nay - 1

(nguồn ảnh theo internet)

Tôi sinh ra trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ba tôi vắng nhà, “thắng về nội, thối về ngoại”, tuổi thơ tôi lận đận sống nhờ bên họ mẹ, thấm nhuần cái văn hóa phụ hệ, trọng nam khinh nữ và là nạn nhân của cái văn hóa đó. Lớn lên, nhờ Ba tôi trở về nên dễ thở hơn, nhưng lại là lúc thấy rõ cái “tam tòng tứ đức” của mẹ tôi, sự hi sinh cao quí của người đàn bà thời ấy... Tôi đi học giữa chiến tranh chống Mỹ, nhưng thành phố Sài Gòn lúc ấy chưa đầy hai triệu dân, tình người vẫn ấm... Tựu trung, tôi vẫn giữ những kỷ niệm rất đẹp về làng tôi, về gia đình, về tình người, về những năm mà tôi sống ở bên nhà.

Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, ... Quê hương tôi có con đê dài thẳng tắp, bóng đa ôm đàn em bé, nắng trưa im lìm trong lá ... Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc màu (Tình hoài hương, Phạm Duy).

Những hình ảnh thanh bình, nhân hậu, đẹp và yên ả. Tôi yêu Hà Nội với những bờ hồ thơ mộng, với những hàng cây cao hơn nhà cửa, với cái thanh lịch nhã nhặn uyên bác của một số người ở thủ đô. Tôi yêu Sài Gòn với cái thật thà tận lòng cởi mở của người miền nam, với những nơi đi chốn về của tôi thời học trò.

Các con tôi, sinh ra và lớn lên bên này, khi lần đầu được về thăm quê mẹ, các cháu trở lại châu Âu, lâng lâng ấm trong tim với những tình cảm mà họ hàng chia sẻ lúc đón các cháu ...những kỷ niệm đẹp, rất đẹp.

Đó là ở những năm cuối thế kỷ trước.

Gần đây, ở Sàigòn cũng như Hà Nội, cao ốc mọc lên như nấm sau mưa, giao thông quá tải, kẹt đường suốt ngày, ô nhiểm đủ thứ... và cái “bạo lực” hình như trở thành “tính đặc thù” trong nhiều mối liên hệ, liên hệ với chính mình, liên hệ với thiên nhiên hay liên hệ với người khác. Có thể ta đang sống trong một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn về văn hóa?

Bạo lực với chính mình
?

“Bạo chi” là một hình thức bạo lực với chính mình.
 
1. Nước ta còn nghèo, còn biết bao nhiêu người không có cái ăn, cái mặc trong khi có những người chi tiền không suy nghĩ, để khẳng định “đẳng cấp” ? Mặc kệ ngày mai ? và nhất là mặc kệ tiếng nói của chính lương tâm mình khi cái lương tâm ấy biết là đồng hương chung quanh còn đói khổ ?

2. Các bà và các chị ta đã đấu tranh giành bình đẳng nam nữ, nhất định từ chối vai trò “làm cảnh làm kiểng” của phụ nữ (femme objet). Hay phụ nữ và vai trò đồ vật giới tính (objet sexuel). Thế nhưng gần đây, một quí bà thành đạt là một quí bà có địa vị xã hội và có vòng 1, vòng 2 và vòng

3 “chuẩn”. Tôi rất quí các thiếu nữ và thật tình đau lòng khi các thiếu nữ ấy bị đo đạc kiểm định quan sát như người ta kiểm định một con ngựa giống trong các cuộc bán đấu giá quốc tế. Giá trị nhân bản của các cô ấy, xin tôn trọng một tí. Đó là một “bạo lực” được xã hội chấp nhận. Các thiếu nữ dự thi sắc đẹp không có trách nhiệm hoàn toàn vì các cô ấy bị ảnh hưởng của một xã hội tôn vinh những hào nhoáng bề ngoài, bất thường (cao 1 mét 75 hay 1 mét 80 đối với một phụ nữ Việt Nam là ... bất thường).  Chịu đau để làm đẹp (giải phẩu thẩm mỹ) cũng là một bạo lực với chính mình vì giải phẫu là một thương tổn đến cơ thể.
 
Kỷ niệm xưa và điều trăn trở hôm nay - 2

(nguồn ảnh theo internet)


3. Người nghệ sĩ, thông thường là những tinh hoa của xã hội, vì họ sáng tác, vì họ có tài ca hát diễn xuất, ... Thế nhưng, một số nữ nghệ sĩ hiện thời tự thấy cần phải khoe khoang thân thể, ăn mặc hở hang, ... Có cần không nhỉ ? Có phù hợp với định nghĩa cao quý của nghệ thuật không nhỉ? Bán hình ảnh mình là tự xem mình như một món hàng trên thị trường !

Bạo lực với thiên nhiên?

“Phát triển trước, môi trường sau”, tôi không nhớ ai đã nói câu đó. Nhưng ta đang khai thác tài nguyên xứ sở một cách quá đáng. Tàn bạo với thiên nhiên, sau này con cháu ta sẽ phải trả cái nợ đó. Xin lỗi, tôi biết dân Mỹ là dân gây ô nhiễm nhiều nhất (họ đã từ chối ký hiệp định Kyoto về môi trường), kế đến là Trung Quốc, ... nhưng đổ lỗi cho người khác để tự do yên tâm tàn phá môi trường ư ? Tha hồ xả rác, làm ô nhiễm môi trường khắp nơi. Còn ngang nhiên gây ô nhiễm về tiếng ồn (bóp còi xe inh ỏi) trong các thành phố làm đinh tai nhức óc người đi đường, rồi phá giấc ngủ buổi trưa buổi tối mà đã có ai để ý đến chưa ? Mai mốt phát hiện ra nhiều bệnh tâm thần, hay bệnh điếc thì e là hơi chậm trễ. Phát triển đô thị quá tải là một trong những lý do gây ngập lụt vì cả thành phố thành bê tông, không còn đất trống, sông hồ, ... có chỗ chứa nước và ngẩm thấu. Phá rừng để khai thác gỗ cũng là một trong những lý do gây lụt lội nặng hơn, ... đó là chưa nói tới ô nhiễm không khí và nguy cơ ung thư đường phổi, ...

Bạo lực trong giao tiếp

Xin hãy đến một công sở hay một bệnh viện ở bên nhà để thấy cái cách biệt giữa người có quyền và ... dân đen. Ở kia, chính mỗi người dân đen là người góp phần sản xuất cho xã hội có cái ăn cái mặc ; chính người dân đen là người đóng thuế để trả lương cho công nhân viên.
 
Kỷ niệm xưa và điều trăn trở hôm nay - 3

Đọc báo thấy đầy rẫy những tin giết người, cướp của, hãm hiếp, đánh nhau, ... Trong một xã hội như thế ta không có quyền ngạc nhiên khi giới trẻ không nghe lời, bạo hành, quấy nhiễu ở trường.


“Thương người như thể thương thân”, ông bà ta đã dạy hồi xưa, có thể bây giờ lỗi thời rồi chăng. Đọc báo thấy đầy rẫy những tin giết người, cướp của, hãm hiếp, đánh nhau, ... Trong một xã hội như thế ta không có quyền ngạc nhiên khi giới trẻ không nghe lời, bạo hành, quấy nhiễu ở trường, tung lên mạng những hình ảnh phản cảm (à, lại hình ảnh phản cảm, vai trò của báo chí trong việc đưa các hình ảnh về thân thể của người nổi tiếng có ai phân tích chưa ? ... ).

Tôi đang lo đến một nguy cơ : những sự việc, những hình ảnh…nếu nó cứ lập đi lập lại mãi, dù có “chướng tai gai mắt” lúc đầu nhưng lâu dần thành quen, thành  cái “thông thường”, chừng đó khó chửa lắm! Trong xã hội học, chúng tôi biết là 30 năm hay một thế hệ là một thời gian đủ để một sự việc, lúc đầu là “bất thường”, trở thành “bình thường”, thậm chí trở thành “khuôn vàng thước ngọc”, được mọi người chấp nhận ...

Tôi chỉ mong rằng những sự kiện như : mặc ai nấy sống, ai giàu nghèo mặc ai, tiền bạc cao hơn lễ nghĩa, bất bình đẳng xã hội, hối lộ, gian trá, người đẹp và đại gia được nâng lên hàng "thượng thặng" và muôn vàn cái "bất ổn" khác... chỉ là những bất ổn tạm thời. Sau đó, ta tỉnh ra và có cách tiếp cận thông minh, khôn ngoan, biết giữ lấy cái tinh hoa của mình và biết chủ động hội nhập vào trào  lưu văn minh của nhân loại.

Cái khó ở của tôi là tâm trạng của một người hàng ngày phải đối xử với những giằng co văn hóa của mình, chẳng hạn như thờ chồng và nuôi con theo khuôn mẫu của mẹ tôi đồng thời đòi nam nữ bình quyền như một phụ nữ có học ở Âu tây.

Cái “khó ở” của tôi cũng đi từ sự thiết tha của những người thuộc thế hệ tôi trước những biến đổi “quá nhanh” về bộ mặt đô thị cũng như cách ứng xử của con người trong các mối liên hệ xã hội ở các thành phố bên nhà.

Bây giờ, đã viết xong và coi như đã bộc bạch được cái “ khó ở trong mình”; tôi có thể trình bày thoải mái một vài điểm về văn hóa ứng xử mà tôi đã có dịp quan sát ở Bỉ, với những phân tích “nguyên nhân và hậu quả” của các điểm ấy. Mong rằng sẽ còn dịp gặp lại bạn đọc yêu quý của tôi ở bên nhà.
                                                    Nguyễn Huỳnh Mai

 
LTS Dân trí - Đọc bài viết của nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai ở tận bên Bỉ, nhưng chắc không ít bạn đọc thấy đồng cảm và chia sẻ những nỗi niềm tâm sự vừa thương nhớ quê nhà vừa trăn trở về những đổi thay không đáng có trong “giai đoạn chuyển tiếp khó khăn về văn hóa” của thời kỳ hội nhập.

Bài viết còn đem lại sự lý thú cho người đọc những suy nghĩ mới mẻ về khái niệm cũng như nội hàm của “bạo lực”: Bạo lực với chính mình; Bạo lực với thiên nhiên; và Bạo lực trong giao tiếp. Thực chất đấy cũng là những điều nổi cộm trong Văn hóa ứng xử hôm nay, tạo nên nỗi niềm trăn trở của tác giả cũng như mọi người Việt Nam nặng lòng với đất nước.  

Quả thật đấy là những vấn đề thật sự đáng quan tâm và đáng bàn cho ra lẽ để góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở biết kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa dân tộc tốt đẹp cũng như chủ động tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chúng tôi rất hoan nghênh và trân trọng những ý kiến tham gia trao đổi về chủ đề này trên Diễn đàn Dân trí.