Khuất tất dự án đường làng nghề tại Nghệ An:

Kỳ I: Bắt trẻ 1 tuổi đóng phí để làm đường

(Dân trí) - Để có kinh phí xây dựng đường làng nghề ở xóm Bắc Vực, UBND xã Đô Thành đã quyết định thu các nhân khẩu không kể người già, trẻ em (từ 1 - 100 tuổi) đều phải đóng tiền làm đường theo quy định của xã, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Bắt trẻ 1 tuổi đóng phí để làm đường
Đơn khiếu nại và tố cáo của ông Hồ Đức Dinh về những sai phạm trong quá trình triển khai dự án đường làng nghề mây tre đan Bắc Vực của UBND xã Đô Thành.

Đường làng nghề khảo sát một đằng, thi công một nẻo

Trong đơn thư của ông Hồ Đức Dinh, ở xóm Bắc Vực, xã Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An) gửi tới PV Dân trí thường trú tại Nghệ An phản ánh: Làng nghề mây tre đan xuất khẩu Bắc Vực được UBND tỉnh Nghệ An công nhận vào năm 2009. Cùng với việc công nhận làng nghề, xóm Bắc Vực được hưởng các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế theo quy định hiện hành của Nhà nước và UBND tỉnh Nghệ An. 

Trong đó làng nghề Bắc Vực sẽ được hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống đường, kho chứa nguyên liệu, nhà xưởng, và giải quyết vấn đề về môi trường. Tháng 3/2012, UBND huyện Yên Thành phê duyệt dự án xây dựng đường làng nghề mây tre đan xuất khẩu xóm Bắc Vực, với chiều dài 1.877,17 m, tổng vốn đầu tư hơn 5,8 tỷ đồng, theo tiêu chuẩn đường đồng bằng cấp V. Mặt đường được làm mới đổ nhựa rộng 5m, hai bên có lề 2m, có mương tiêu nước, dọc tuyến hình chữ V. Địa điểm xây dựng tại xóm Bắc Vực, chủ đầu tư là UBND xã Đô Thành chịu trách nhiệm về công trình.

Ngay sau khi nhận được quyết định UBND xã Đô Thành tiến hành khảo sát, lập hồ sơ giải phóng mặt bằng. 100% hộ dân nằm trong quy hoạch có đường đi qua đều tình nguyện hiến đất để làm đường, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư sớm hoàn thành con đường theo đúng kế hoạch. Nhà thầu được UBND xã Đô Thành “chỉ định” tiến hành thi công dự án đường làng nghề Bắc Vực là công ty TNHH T.N (có trụ sở ở huyện Yên Thành).

Bắt trẻ 1 tuổi đóng phí để làm đường
Sau khi chuyển dự án đường làng nghề sang cải tạo và nâng cấp tỉnh lộ 205. UBND xã Đô Thành cùng ban cán sự xóm Bắc Vực đã “ép” các hộ dân trong xóm đổ bê tông hóa con đường làng nghề tại địa điểm đã khảo sát, giải phóng mặt bằng trước đó.

Tuy nhiên đến tháng 6/2012 chủ đầu tư không tiến hành thi công tại địa điểm đã khảo sát, giải phóng mặt bằng trước đó. Thấy vậy, người dân xóm Bắc Vực ngỡ ngàng khi chủ đầu tư và nhà thầu lại tiến hành thi công tại một địa điểm hoàn toàn khác với dự kiến ban đầu. Địa điểm tiến hành thi công lại được xác định là con đường 205 chạy qua địa bàn xóm theo hình thức cải tạo và nâng cấp khiến người dân trong xóm Bắc Vực vô cùng bức xúc.

Trước khi tiến hành thi công người dân xóm Bắc Vực hoàn toàn không nhận được bất kỳ một thông báo gì về việc UBND xã Đô Thành chuyển dự án đường làng nghề xóm Bắc Vực sang cải tạo nâng cấp con đường 205. Một tháng sau khi khởi công nhà thầu và chủ đầu tư đã hoàn thành với nhiều điểm hoàn toàn sai với thiết kế ban đầu. Như mặt đường chỉ nâng cấp và đổ nhựa lại, hoàn toàn không có hệ thống mương thoát nước.

Bắt trẻ 1 tuổi đóng phí để làm đường
Ông Phạm Văn Năm: “Người dân chúng tôi chẳng được hưởng bất lỳ một ưu đãi gì khi được công nhận là làng nghề. Chỉ thấy dân thêm khổ thôi”.

Tuy nhiên tổng kinh phí vẫn được UBND xã Đô Thành phê duyệt là 5,8 tỷ đồng. Bằng với mức kinh phí làm mới đường làng nghề mây tre đan Bắc Vực trước đó. Ông Hồ Đức Dinh bức xúc: “Đến khi tiến hành khởi công xây dựng chúng tôi mới biết là đường làng nghề được chuyển ra để cải tạo, nâng cấp 205 (đường liên huyện). UBND xã đã tiến hành giải phóng mặt bằng một địa điểm rồi lại tiến hành thi công tại một nơi khác, không thông báo gì cho nhân dân được biết”.

Trẻ 1 tuổi cũng phải đóng tiền làm đường làng nghề

Trước những thắc mắc của người dân chưa được UBND xã Đô Thành giải thích thỏa đáng. Tháng 11/2012, “tranh thủ” việc được UBND tỉnh Nghệ An đầu tư xi măng để làm đường nông thôn cho 14 xóm trên địa bàn xã. Lãnh đạo xã Đô Thành và ban cán sự xóm Bắc Vực “ép” người dân xóm Bắc Vực đổ bê tông con đường làng nghề tại địa điểm đã được giải phóng mặt bằng trước đó. Để có đủ kinh phí hoàn thành con đường theo dự kiến, kế hoạch đề ra.

UBND xã Đô Thành đã chỉ đạo cho ban cán sự xóm tiến hành thu kinh phí xây dựng đường làng nghề theo hình thức “bổ” đầu nhân khẩu. Theo đó, trẻ giới 1 tuổi đến cụ già nhất, những người thuộc diện chính sách đều phải đóng tiền xây dựng đường với mức thu là 100.000 đồng/nhân khẩu vào năm 2011, 2012. Và 130.000 đồng/nhân khẩu vào năm 2013. (gần 1.000 nhân khẩu). đã nạp 80%, nếu gia đình nào nợ thì lên xã xin giấy khai sinh, vay vốn… thì xã không xác nhận.

Bắt trẻ 1 tuổi đóng phí để làm đường
Ông Hồ Đức Dinh cũng như nhiều hộ dân trong xóm Bắc Vực đã làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan có thẩm quyền tuy nhiên đến thời điểm này chưa được giải quyết thỏa đáng.

Gia đình bà Phạm Thị Nhuận - hội phó Hội người cao tuổi xóm Bắc Vực có hai cháu là Nguyễn Trần Xuân Bảo (SN 2009) và Nguyễn Nhất Trung (SN 2011) cũng nằm trong diện phải thu tiền làm đường làng nghề. Gia đình bà cũng đã phải còng lưng đóng các khoản thu cho các cháu của mình từ lúc mới lọt lòng. Bà Nhuận bức xúc: “Không những trẻ em dưới 6 tuổi, mà người già cả neo đơn cũng phải đóng tiền làm đường theo quy định của xã. Năm 2011 cháu tôi mới chào đời cũng đã nằm trong diện phải thu tiền làm đường”.

Cùng chung cảnh, chị Phạm Thị Quy (ở xóm Bắc Vực) - hiện đang nuôi một mẹ già ốm đau, cưu mang một đứa cháu (con chị gái), và con gái chưa đầy 1 tuổi. Chồng chị qua đời từ lâu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Tuy nhiên tất cả 4 nhân khẩu trong gia đình đều phải đóng góp tiền xây dựng đường làng nghề theo quy định của xã. Chị Quy phân trần: “Nếu xã có thu thì thu mình tôi là được, đàng này mẹ tôi đau ốm nằm một chỗ, con chưa tròn một tuổi cũng phải đóng góp tiền làm đường. Gia đình quá khó khăn tôi cũng không biết lấy tiền đâu để nộp cho xã nữa”.

Bắt trẻ 1 tuổi đóng phí để làm đường
Đường làng nghề được chuyển sang dự án cải tạo nâng cấp đường liên huyện 205 có chiêu dài 1,7 km, đoạn qua địa bàn xóm Bắc Vực. Tuy chỉ là cải tạo và nâng cấp, không có hệ thống thoát nước như thiết kế ban đầu của dự án đường làng nghề nhưng vẫn được UBND xã Đô Thành quyết toán kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng.

Nhận thấy những quy định truy thu quá vô lý, năm 2013 nhiều hộ dân trong xóm Bắc Vực đã kiên quyết không đóng góp các khoản thu của ban cán sự xóm, xã Đô Thành đề ra. Ông Hồ Đức Dinh ngao ngán: “Chúng tôi thấy quá vô lý, bức xúc trước hình thức thu của xã và xóm. Nên đa phần các hộ dân chỉ đóng tiền vào năm 2011/2012 với số tiền 100.000 đồng/nhân khẩu/năm. Còn năm 2013 thì hầu hết các hộ dân kiên quyết không đóng”.

Trước những thắc mắc kiến nghị của người dân đề nghị UBND huyện Yên Thành nên sớm có phương án kiểm tra xử lý, trả lại công bằng quyền lợi chính đáng cho người dân làng nghề Bắc Vực. Tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.
Bắt trẻ 1 tuổi đóng phí để làm đường
Bà Phạm Thị Nhuận (hội phó hội người cao tuổi xóm Bắc Vực): “Các cháu tôi từ lúc lọt lòng đã phải đóng tiền kinh phí xây dựng đường làng nghệ. Liệu có nơi nào bắt trẻ sơ sinh phải đóng tiền như ở xã tôi không?”.
 
Bắt trẻ 1 tuổi đóng phí để làm đường
Bản kê số tiền phải nộp của gia đình bà Nhuận (ông Trầm chồng bà là chủ hộ) của ban cán sự xóm Bắc Vực trong đó gia đình bà có 6 khẩu. 2 đứa cháu sinh năm 2011, 2009 đều phải đóng tiền làm đường bê tông. Đã 2 năm nay bà đều phải đóng tiền làm đường cho các cháu của mình, dù chúng mới chỉ lọt lòng.
 
Để làm sáng tỏ vấn đề trên chiều ngày 1/8, PV Dân trí đã liên hệ trước với ông Bùi Chí Cường - Chủ tịch UBND xã Đô Thành để đăng ký làm việc. Tuy nhiên, ông Chủ tịch xã báo bận họp không thể tiếp. Tiếp đến, trưa ngày 2/8, PV Dân trí tiếp tục điện thoại cho ông Bùi Chí Cường để đăng ký làm việc, nhưng ông ấy cũng bảo đang bận họp và không trả lời. Trong cuộc gọi ngắn ông Cường thẳng thắn: "Cái chỗ ông Dinh gửi đơn ấy à, tôi không có thời gian tiếp đâu anh ạ. Anh (PV Dân trí - PV) cứ tự tìm hiểu lấy". Khi PV Dân trí hỏi tại sao không tiếp? Ông Cường nói: Tôi đang bận họp và có bao nhiêu việc.
 
Sáng ngày 3/8, trao đổi với ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành xác nhận hiện huyện đang tập trung giải quyết và đã có kết luận.
 
Điều 41, Nghị định 85 của Chính phủ quy định chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Sự cố bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay thì chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó được chỉ định ngay nhà thầu để thực hiện; trong trường hợp này chủ đầu tư hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý công trình, tài sản đó phải cùng với nhà thầu được chỉ định tiến hành thủ tục chỉ định thầu theo quy định trong thời hạn không quá mười lăm ngày kể từ ngày chỉ định thầu;

b) Gói thầu do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài;

c) Gói thầu thuộc dự án bí mật quốc gia; dự án cấp bách vì lợi ích quốc gia, an ninh an toàn năng lượng do Thủ tướng Chính phủ quyết định khi thấy cần thiết;

d) Gói thầu mua sắm các loại vật tư, thiết bị để phục hồi, duy tu, mở rộng công suất của thiết bị, dây chuyền công nghệ sản xuất mà trước đó đã được mua từ một nhà thầu cung cấp và không thể mua từ các nhà thầu cung cấp khác do phải bảo đảm tính tương thích của thiết bị, công nghệ;

đ) Gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới năm trăm triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá gói thầu dưới một tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển; gói thầu mua sắm hàng hóa có giá gói thầu dưới một trăm triệu đồng thuộc dự án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên; trường hợp thấy cần thiết thì tổ chức đấu thầu.

2. Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn một nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của gói thầu và phải tuân thủ quy trình thực hiện chỉ định thầu do Chính phủ quy định.

3. Trước khi thực hiện chỉ định thầu quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này, dự toán đối với gói thầu đó phải được phê duyệt theo quy định.

Nguyễn Duy - Nguyễn Tình

Kỳ II: Chủ tịch xã bị tố nhờ người đánh dân vì... khiếu kiện