Bài 11:

Kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án: Dư âm phản biện tại nghị trường Quốc hội

(Dân trí) - Một vụ ly kỳ án kéo dài hơn một thập niên (14 năm) điều tra, truy tố mới xét xử với 18 lần trả hồ sơ ở giai đoạn điều tra,truy tố và 4 lần ở giai đoạn xét xử được ĐBQH nêu ra là vụ Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy bị Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, Hà Nội kết án về tội “Cố ý gây thương tích”. Trong khi cácc bị cáo kêu oan, nhiều ý kiến tranh luận được đưa ra xoay quanh vụ án này.

Trong các ngày 06 và 07/11/2017 vừa qua, các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận, tranh luận phản biện sôi nổi về một số vụ án được đưa ra tại nghị trường nhằm đóng góp ý kiến cho các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ.

Một vụ án với kỳ tích kéo dài hơn một thập niên (14 năm) điều tra, truy tố mới xét xử với 18 lần trả hồ sơ ở giai đoạn điều tra,truy tố và 4 lần ở giai đoạn xét xử được ĐBQH nêu ra là vụ Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy bị Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, Hà Nội kết án về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS vào tháng 5/2017 vừa qua.


Kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án giữa thủ đô được ĐBQH Nguyễn Văn Chiến nêu công khai tại Quốc hội.

Kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án giữa thủ đô được ĐBQH Nguyễn Văn Chiến nêu công khai tại Quốc hội.

Sau khi trực tiếp theo dõi ý kiến tranh luận của một số ĐBQH ngày 07/11/2017 đối với ý kiến của ĐBQH Nguyễn Chiến đánh giá vụ án có dấu hiệu oan được Đại biểu này nêu ra tại nghị trường chiều ngày 06/11/2017, phóng viên Dân trí đã có buổi trao đổi với ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn luật sư TP Hà Nội về vụ án để rộng đường dư luận về sự thật khách quan của vụ án và sự tuân thủ pháp luật về tố tụng trong việc giải quyết vụ án.

PV: Thưa ông, hoạt động điều tra, truy tố và đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đều có thời hạn và số lần trả hồ sơ nhất định. Tuy nhiên vụ án Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy mà Đại biểu nêu kéo dài thời hạn tố tụng gần 1,5 thập kỷ là rất bất thường và có đên 22 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung có thể nói lập kỷ lục về số lần trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án hình sự nhằm khắc phục những sai phạm tố tụng và củng cố chứng cứ buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng. ĐBQH Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND thành phố Hà Nội xác định và cho rằng đây là một vụ án phức tạp, có sai phạm về tố tụng nhưng những sai phạm này có làm ảnh hưởng, thay đổi bản chất của vụ án không cần phải làm rõ. Tòa án cấp phúc thẩm đang xem xét và có kế hoạch đưa ra xét xử vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2017. Ông có ý kiến gì về việc này?

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến: Trên 30 năm hoạt động nghề nghiệp luật sư, tôi chưa gặp vụ án nào có thời hạn điều tra kéo dài và lập kỷ lục về số lần trả hồ sơ nhiều như vậy. Chỉ khi là ĐBQH khóa XIV này với chương trình hành động giúp cơ quan tiến hành tố tụng“chống oan, giảm sai” thì cử tri có những vụ việc thấy bị oan ức, phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh mệnh của bản thân thì họ đã gửi đơn thư, tài liệu đến tôi. Có những việc tôi phải trực tiếp tham gia với suy nghĩ thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình để thực hiện chức năng giám sát của ĐBQH, từ đó mới có những vụ án thực tế, điển hình kiến nghị nhằm góp phần thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Vụ án Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy bị TAND huyện Hoài Đức kết án sơ thẩm về tội “Cố ý gây thương tích” tôi đã nêu trong phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội hôm 06/11/2017 có hai bị cáo đều kháng cáo kêu oan và vụ án đang thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP Hà Nội theo quy định.

Tôi và các Đại biểu Quốc hội khác như bà Trần Thị Quốc Khánh, ông Dương Trung Quốc và cả Ban dân nguyện của Quốc hội đều nhận được nhiều đơn kêu oan của các bị cáo và đều đã có Phiếu chuyển đơn đến đồng chí Chánh án TAND Hà Nội để xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Giải quyết kháng cáo của bị cáo kêu oan là trách nhiệm của cơ quan xét xử, còn thời gian đưa vụ án hình sự ra xét xử phúc thẩm pháp luật đã có quy định thời hạn cụ thể.

Tuy nhiên, trong những vụ án có bị cáo kêu oan thì cần có sự nghiên cứu, xem xét cẩn trọng hơn. Đồng chí Chánh án TAND TP. Hà Nội cũng là Đại biểu quốc hội và cũng nhận được đơn kêu oan chuyển đến từ các Đại biểu Quốc hội nên đưa ra nhận định vụ án này phức tạp là có căn cứ vì chỉ xét đến 22 lần cơ quan tiến hành tố tụng trả hồ sơ điều tra bổ sung do không đủ chứng cứ để xét xử, vụ án xảy ra từ năm 2003, sau hơn cả thập kỷ (14 năm) vụ án mới xét xử sơ thẩm lần đầu (tháng 5/2017) nhưng sau khi xử xong, các bị cáo có đơn kháng cáo kêu oan và tiếp tục gửi đơn đến các ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội.


ĐBQH Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND thành phố Hà Nội xác định và cho rằng đây là một vụ án phức tạp, có sai phạm về tố tụng.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính - Chánh án TAND thành phố Hà Nội xác định và cho rằng đây là một vụ án phức tạp, có sai phạm về tố tụng.

Đồng thời, cán bộ thôn Vân Côn và nhân dân trong thôn - nơi xảy ra hành vi xô sát, nơi các bị cáo cư trú cũng gửi đơn đến đại biểu đề nghị minh oan cho bị cáo. Qua tài liệu được công khai ở phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo và người dân (chứng kiến sự việc) được cung cấp, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án này. Xét về tố tụng, vấn đề thu thập và đánh giá chứng cứ vụ án này còn nhiều vấn đề chưa được xem xét thấu đáo, chứng cứ chứng minh tội phạm chưa được làm rõ nên dư luận cử tri cho rằng phiên tòa xét xử sơ thẩm buộc tội các bị cáo là chưa đủ căn cứ vững chắc.

PV: Tại nghị trường, ĐBQH Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng có ý kiến tranh luận cho rằng các bị cáo Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy không oan?

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến: Nghị trường là nơi các ĐBQH nói tiếng nói của cử tri mà mình đại diện. Đó không phải là phiên tòa để tranh luận, đối đáp vì chúng ta phải tôn trọng sự điều hành của chủ Chủ tọa phiên họp. Chủ tọa điều hành phiên họp tại nghị trường đã lưu ý về ý kiến tham luận trao đổi về những vấn đề lớn, vấn đề chung của công tác tư pháp và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, vì là vụ án cụ thể đòi hỏi hồ sơ, tài liệu rất đầy đủ, cho nên đại biểu sẽ trao đổi với cơ quan tố tụng và cơ quan tố tụng sẽ báo cáo lại UBTV Quốc hội để UBTV thông báo đến các vị ĐBQH.

Vì vậy tôi đã không xin tranh luận lại vì còn dành thời gian phát biểu cho các đại biểu khác. Đối với những vụ án có dấu hiệu oan, sai vi phạm tố tụng như thế này, tôi sẽ có những ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền đề nghị kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền vì mục tiêu góp phần bảo vệ công lý, quyền con người.

Tuy nhiên, không ai có thể vội vàng kết luận bị cáo oan hay không oan khi trách nhiệm này thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm, phiên tòa xét xử phúc thẩm còn chưa diễn ra. Nếu những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị cáo trong hồ sơ vụ án không được khắc phục thì chưa thể chứng minh tội phạm, dẫn đến việc buộc tội có dấu hiệu oan.

Chúng ta không thể để vào tình trạng “sự đã rồi” mới lên tiếng khi vụ án này ngay sau phiên xét xử sơ thẩm vụ án tháng 5/2017 đã có rất nhiều cựu cán bộ thôn, người dân thôn Vân Côn phản đối kết quả xét xử gửi đơn đến chúng tôi và cơ quan chức năng nhằm góp thêm tiếng nói xác định sự thật vụ án.


Hai anh em Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thuý gửi đơn kêu oan khẩn thiết đến Báo Dân trí và các cơ quan chức năng.

Hai anh em Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thuý gửi đơn kêu oan khẩn thiết đến Báo Dân trí và các cơ quan chức năng.

Theo Đơn đề nghị gửi ĐBQH có gửi đến đồng chí Chánh án TAND TP Hà Nội, Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội và các cơ quan ngôn luận ngày 08/7/2017, ông Quản Đắc Lâm, cựu công an viên (là người trực tiếp nghe, làm việc với những người có mặt tại hiện trường xảy ra vụ xô sát chiều ngày 19/7/2003), ông Lê Minh Đức - cựu trưởng thôn (là người trực tiếp đo và ký hợp đồng giao đất cho gia đình các bị cáo), ông Quản Tiến Đức - Tổ trưởng Tổ Mặt trận (là người có mặt tại hiện trường chứng kiến vụ xô sát), ông Nguyễn Văn Sinh - Cựu Bí thư thôn Vân Côn, bà Nguyễn Thị Áp - Chi hội trưởng Hội nông dân thôn Vân Côn, ông Nguyễn Đình Mậu - Cựu trưởng thôn những năm sau khi xảy ra vụ xô sát cùng rất nhiều những người dân có đất xung quanh nơi xảy ra sự vụ được trực tiếp chứng kiến chiều ngày 19/7/2003… đã cam đoan và khẳng định rằng không có hành vi chém nhau, người bị hại không bị chém mà chạy và bị ngã.

Họ đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng nếu cần làm sáng tỏ sự thật vụ án.

Hiện nay, vụ án này VPLS Hoàng Hưng cũng thiện nguyện cùng các đồng nghiệp của một số tổ chức hành nghề luật sư khác thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bào chữa miễn phí cho các bị cáo tại cấp phúc thẩm.

Tôi cũng như các ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Dương Trung Quốc và Ban Dân nguyện của Quốc hội đều thực hiện trách nhiệm của người đại biểu trước nhân dân. Còn vấn đề xét xử thuộc thẩm quyền Tòa án, chúng tôi không can thiệp và cơ quan xét xử sẽ có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho đại biểu chúng tôi, theo quy định.

Kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án: Dư âm phản biện tại nghị trường Quốc hội - 4
Kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án: Dư âm phản biện tại nghị trường Quốc hội - 5
Kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án: Dư âm phản biện tại nghị trường Quốc hội - 6

Nguyên cán bộ và nhân dân thôn Vân Côn đồng loạt đề nghị minh oan cho các bị cáo và sẵn sàng ra làm chứng trước tòa.

Nguyên cán bộ và nhân dân thôn Vân Côn đồng loạt đề nghị minh oan cho các bị cáo và sẵn sàng ra làm chứng trước tòa.

PV: ĐBQH Đào Thanh Hải phát biểu trong phần tranh luậncủa mình cho biết thương tích của người bị hại một người 34,16%, một người 21% là rất nghiêm trọng do đó Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa ánh nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã quyết tâm và làm rõ vụ án đó và kết luận “hành vi gây thương tích của đối tượng cho người bị hại là có thật,không hề có sự oan sai ở đây”, mong ông có thể làm rõ hơn quy định của pháp luật về nhận định này?

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến: Đây là vụ án thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) cấp huyện và việc điều tra, truy tố và xét xử phải độc lập nên theo pháp luật tố tụng thì cơ quan viện kiểm sát và Tòa án thành phố Hà Nội không có thẩm quyền can thiệp trước cấp phúc thẩm.

Hiện nay, Tòa án thành phố Hà Nội mới đang chuẩn bị xét xử phúc thẩm thì không ai có thể khẳng định trước là không oan, còn quá trình tố tụng có sai thì Đại biểu Nguyễn Đức Chính đã xác định có sai và thời hạn tố tụng đã kéo dài 14 năm mới đưa vụ án ra xét xử đã nói lên điều đó.

Pháp luật, người dân đòi hỏi lẽ công bằng, người bị hại bị thương tích tổn hại trên 34% sức khỏe là nghiêm trọng. Tuy nhiên, hậu quả thương tích này do đâu mà có, có phải do các bị cáo gây ra hay nguyên nhân khác như đơn của các cựu cán bộ thôn Vân Côn và nhân dân trong thôn chứng kiến sự việc đã gửi đến chúng tôi và Tòa án hay không? Vấn đề này phải thận trọng xem xét và phân tích tổng hợp, đánh giá kỹ lưỡng!

Nếu có thương tích và tổn hại sức khỏe thực tế của người bị hại thì cơ quan tố tụng buộc tội phải chứng minh được thương tích gây ra hậu quả đó là do các bị cáo gây ra. Có nghĩa, yếu tố quan hệ nhân quả giữa hành vi của các bị cáo có gây ra hậu quả thương tích tổn hại sức khỏe cho người bị hại hay không là vấn đề mấu chốt để xác định trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

Các bị cáo có tội hay không thuộc trách nhiệm chứng minh của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 10 BLTTHS, đặc biệt là khâu xét xử Tòa án phải thẩm tra công khai các chứng cứ cũ và chứng cứ mới, xem xét quan điểm của đại diện VKS, ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, đánh giá, tổng hợp chứng cứ để nghị án và quyết định bản án theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, nếu có chứng cứ chứng minh hành vi của các bị cáo tác động vào người bị hại thì kết quả khám thương và trưng cầu giám định, giám định phải tuân thủ quy định của pháp luật mới có có giá trị pháp lý chứng minh. Theo đó, cần xem xét quá trình cấp giấy khám thương và tiếp nhận kết quả khám thương có khách quan hay không, bệnh án và quá trình điều trị của người bị hại có phù hợp không.

Vì theo xác nhận của lãnh đạo UBND xã Vân Côn thì bản kết luận giám định pháp y về thương tích của người bị hại năm 2003 là do gia đình người bị hại tự đi làm và nộp cho công an xã có tuân theo quy định bắt buộc của Tố tụng hình sự? Nghiên cứu tài liệu hồ sơ vụ án cho thấy kết luận tỷ lệ thương tích tại Bản kết luận giám định pháp y còn đang gây tranh cãi vì người bào chữa của các bị cáo kiến nghị cho rằng giám định viên đã áp dụng không chính xác Thông tư Liên tịch số 12 ngày 26/7/1995 của liên Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH để kết luận tỷ lệ thương tích cho người bị hại (thương tích vùng trán áp dụng tỷ lệ thương tật vùng hàm, kết luận suy nhược sau chấn thương sọ não thể nhẹ nhưng kết quả chụp X- Quang không có tổn thương sọ não…).

Nếu có thật việc chấn thương sọ não sẽ làm cho tỷ lệ thương tích tăng cao là chủ yếu. Đối với Kết luận giám định, pháp luật quy định Hội đồng xét xử có quyền xem xét chấp nhận hay không chấp nhận. Vấn đề này cần được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét khách quan, đánh giá thận trọng!


Kết luận giám định pháp y được gia đình bị hại tự đi làm và nộp cho công an xã.

Kết luận giám định pháp y được gia đình bị hại tự đi làm và nộp cho công an xã.

PV: Ông có suy nghĩ gì khi tiếp nhận ý kiến của cử tri và người dân gửi đơn thư kêu oan cho các bị cáo về vụ án này?

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến: Sau phiên tòa xét xử hồi tháng 5/2017, phát sinh thêm nhiều chứng cứ mới, nội dung văn bản làm chứng của người dân thôn Vân Côn chứa đựng những tình tiết quan trọng xác định các bị cáo không phạm tội thì Tòa án cấp phúc thẩm cần xem xét kỹ lưỡng để xác định có đủ chứng cứ vững chắc chứng minh thương tích của người bị hại là do các bị cáo gây ra hay không?

Vụ án có cả đến 22 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung rồi, 14 năm mới đưa ra xét xử thì các chứng cứ buộc tội cần kiểm tra tính hợp pháp và giá trị pháp lý để chứng minh tội phạm. Rõ ràng còn những vấn đề chưa rõ, mâu thuẫn nên đã được điều tra bổ sung, khắc phục rất nhiều lần nhưng kết quả điều tra có bảo đảm đầy đủ và là căn cứ vững chắc chứng minh tội phạm, buộc tội các bị cáo hay không?

Sau khi xét sử sơ thẩm, nhiều người làm chứng gửi văn bản đến các đại biểu và Tòa án thành phố Hà Nội khẳng định các bị cáo không gây ra thương tích cho người bị hại. Chứng cứ này rất quan trọng, thiết nghĩ tới đây tòa án cấp phúc thẩm cần lưu tâm xem xét. Theo tinh thần cải cách tư pháp, kết quả thực chất của việc điều tra bổ sung nếu không làm rõ được thì cần được đánh giá khách quan trên cơ sở nguyên tắc “suy đoán vô tội”, tức là khi xét xử, Tòa án không đủ căn cứ chứng minh bị cáo có tội thì phải tuyên vô tội.

Để cho khách quan, toàn diện thì cả chứng cứ cũ và mới đều cần được thẩm tra, đối chất trực tiếp công khai tại phiên tòa, xem xét công tâm, nghiêm túc những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo nhằm bảo đảm việc xét xử không làm oan người vô tội nhưng không bỏ lọt tội phạm.

Xin cảm ơn Đại biểu!

Anh Thế (thực hiện)