Kiên Giang:
“Kỳ án” cái bè và con sò điệp ở huyện đảo Phú Quốc
(Dân trí) – Đang yên ổn nuôi sò điệp để cấy ngọc trai, anh Quá bất ngờ bị chủ cũ đến lấy trộm bè về giao cho con gái khai thác. Gần 5 năm qua, khi vụ án “đưa qua, đẩy lại”, thì anh Quá gánh chịu nhiều thiệt thòi vì không có phương tiện để kinh doanh.
Lấy bè của “lính cũ” cho con gái kinh doanh
Hình như ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, nói đến vụ án cái bè và con sò điệp của anh Quá thì ít có một ai không biết. Vụ án “cũng thường thường” lại kéo dài gần 5 năm, nhiều lần điều tra, xét xử nhưng kết quả trắng đen vẫn chưa rõ ràng. Có 5 luật sư tham gia bảo vệ cho bị cáo lẫn bị hại và 27 nhân chứng, người liên quan được triệu tập là một trong những con số “kỷ lục” trong vụ án ở huyện đảo xa xôi này.
Theo cáo trạng số 17/KSĐT-KT ngày 24/4/2013 của VKSND huyện Phú Quốc, ngày 25/11/2009, anh Lê Văn Quá thuê anh Lê Văn Tửng đóng mới một chiếc bè với tiền công là 15 triệu đồng. Ngày 7/12/2009, khi bè được đóng xong, anh Quá đưa ra neo đậu tại vùng biển Bãi Bùi, ấp Bãi Chướng, Hòn Thơm (Phú Quốc) để mua bán hải sản và nuôi điệp cấy ngọc trai.
Ngày 8/12/2009, anh Quá dùng xuồng máy đến bè của anh Hà Văn Gần tại thị trấn An Thới lấy 25 vĩ điệp, mỗi vĩ 6 con, tổng cộng 150 con. Đây là loại điệp nuôi cấy ngọc trai mà trước đó anh Quá gửi anh Gần nuôi hộ khi đóng mới bè. Anh Quá chở số điệp này ra cột vào bè của mình đang neo đậu tại ấp Bãi Chướng.
Sáng 9/12/2009, anh Quá về nhà tại thị trấn An Thới làm sinh nhật cho đứa con trai. Lợi dụng lúc bè không có người trông coi, ông Lê Văn Các (SN 1946, ngụ khu phố 1, An Thới, Phú Quốc) nhờ một số người và tàu “đột nhập” và kéo chiếc bè cùng với số sò điệp của anh Quá đi.
Anh Quá trở ra thì tá hỏa khi không thấy bè mình ở đâu. Qua trình báo, công an huyện Phú Quốc phát hiện chiếc bè cùng số sò điệp của anh Quá đang được ông Các cho neo đậu ở ấp Đường Bào (Dương Tơ, Phú Quốc) và giao cho con gái của mình sử dụng, khai thác.
Tụt dần giá trị con sò điệp trong vụ án
Vụ án nhỏ, nhưng đang dần trở thành “kỳ án” vì tính chất phức tạp của nó khiến cơ quan điều tra, tố tụng… lúng túng.
Ngay sau đó, vụ án được khởi tố điều tra. Kết luận điều tra của công an huyện Phú Quốc công bố ngày 23/12/2010 xác định: “Bản thân Lê Văn Các đang tranh chấp với Lê Văn Quá chiếc bè nuôi điệp, đáng lẽ Các phải đưa vụ việc ra chính quyền địa phương yêu cầu giải quyết cho thỏa đáng, nhưng ở đây Các đã lợi dụng vào sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu để lén lút thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa phương”.
Theo đó, cơ quan điều tra xác định, hành vi của Lê Văn Các đã phạm vào khoản 2, điều 138 của Bộ Luật Hình sự có khung hình phạt từ 2-7 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, trên cơ sở thẩm định tài sản trong tố tụng hình sự, cơ quan điều tra đề nghị buộc Lê Văn Các phải trả lại chiếc bè cho Lê Văn Quá và bồi thường số con điệp bị mất trị giá là 135 triệu đồng, bồi thường số tiền thiệt hại trong thời gian anh Quá bị chiếm đoạt bè không sản xuất, kinh doanh là 252 triệu đồng.
Ngày 26/4/2011, trong phiên xử sơ thẩm, TAND huyện Phú Quốc đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau khi có kết luận điều tra lần 2 của cơ quan điều tra, ngày 24/8/2011, VKSND huyện Phú Quốc đã có cáo trạng (lần 2) truy tố Lê Văn Các về tội “Trộm cắp tài sản”. Nhưng lần này, Lê Văn Các chỉ bị truy tố theo khoản 1, Điều 138 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt thấp nhất là án treo.
Một điều lấy làm lạ nữa là cáo trạng lần này xác định trị giá chiếc bè chỉ có 12,7 triệu đồng, còn số con điệp, vĩ điệp cũng “rớt giá” còn 11,4 triệu đồng. Đồng thời, cáo trạng không chấp nhận yêu cầu bồi thường mất thu nhập của anh Lê Văn Quá trong khoảng thời gian chiếc bè bị chiếm đoạt.
Phiên tòa sơ thẩm lần 2 được tiến hành vào ngày 5/10/2011. Tuy nhiên, HĐXX lại quyết định hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung, trong đó có nội dung xác định xem ông Các có gọi cho ông Quá vào ngày đi lấy chiếc bè hay không và xác định lại giá trị của 150 con sò điệp. Trong cáo trạng mới nhất ban hành ngày 24/4/2013, VKSND Phú Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Lê Văn Các theo khoản 1, điều 138 Bộ luật Hình sự và xác định chiếc bè bị chiếm đoạt giá trị 13.032.000 đồng, 150 con điệp nuôi giá trị 10.500.000 đồng, 25 vĩ nuôi điệp giá trị 950.000 đồng và tiền bị mất thu nhập của anh Quá trong thời gian chiếc bè bị chiếm đoạt là 240 triệu đồng.
Anh Lê Văn Quá cho rằng, trong gần 5 năm vụ án kéo dài, trong khi chiếc bè của anh vẫn bị Lê Văn Các chiếm đoạt giao con gái nuôi cấy ngọc trai thu lợi, còn anh phải thất thu vì không có phương tiện để kiếm sống. “Việc giải quyết cái bè cũ của tôi và ông Các đã mua bán sòng phẳng với nhau lâu rồi. Chiếc bè có tuổi thọ khoảng 8 năm thôi nhưng mãi 11 năm sau ông Các mới đi đòi, điều này rất lấy làm khó hiểu. Nếu ông Lê Văn Các biết là cái bè của ông thì tại sao phải đi hỏi người khác. Không thông báo, lại còn lợi dụng lúc tôi đi vắng để kéo trộm bè của tôi thì không lén lút trộm cắp thì gọi hành vi này là gì?”, anh Quá bức xúc.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trương Quốc Triều, Chánh án TAND huyện Phú Quốc cho biết việc xác định tội danh của Lê Văn Các trong vụ án này có nhiều ý kiến. Tuy nhiên, đã trộm cắp thì phải xác định cho được hành vi đó phải có yếu tố “lén lút” và xác định được chủ sở hữu tài sản bị mất trong vụ án này.
Được biết, TAND huyện Phú Quốc đã lên lịch đưa vụ án này ra xét xử vào đầu tháng 8 tới. PV Dân trí sẽ thông tin tiếp diễn biến vụ án này đến bạn đọc.
Công Quang