Khuyến cáo người dân không về quê ăn tết là cực đoan và thiếu nhân văn
Việc một số địa phương có thư ngỏ, khuyến cáo người dân không trở về quê dịp tết cổ truyền là cực đoan, thiếu nhân văn, trái với chỉ đạo của Chính phủ.
Chỉ còn vài tuần nữa là bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, với những người đi làm xa thì đây có lẽ là thời điểm mong chờ nhất, khao khát được về đoàn tụ với gia đình ở quê. Thế nhưng, những ngày qua, nhiều địa phương đã phát đi thư ngỏ, khuyến cáo người dân sinh sống ở vùng dịch không về quê trong dịp tết cổ truyền.
Ngày 30/12/2021, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Thanh Hóa có thư ngỏ với nội dung khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết, chung tay cùng thành phố phòng chống dịch.
Cũng trong ngày 30/12/2021, ông Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống ký ban hành thư ngỏ về việc cùng chung tay với các cấp ủy, chính quyền huyện Nông Cống thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo nội dung thư ngỏ, trước tình hình trên, với phương châm "Bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân là trên hết, trước hết", Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Cùng nội dung trên, thông tin trên VTC cho biết, ông Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 an toàn, vui tươi, lành mạnh, nghĩa tình và tiết kiệm.
Ông Lê Trí Thanh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các địa phương tuyên truyền nhân dân vận động người thân đang sinh sống, làm việc ở nơi có dịch không trở về tỉnh khi không thật sự cần thiết; kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về địa phương phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định.
Chia sẻ về việc các địa phương khuyến cáo người dân không về quê ăn tết, TS.LS Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, các địa phương phải tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, thích ứng an toàn. Hạn chế đến mức thấp nhất những cản trở, phiền hà đến hoạt động, đời sống của nhân dân, đó là tinh thần phải phương hướng chống dịch của chúng ta giai đoạn hiện nay.
Chủ trương của Chính phủ là: "Bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; y tế là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an,... nhưng phải huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội. Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn."
"Tết Nguyên đán là tết cổ truyền của dân tộc, rất nhiều người con xa quê mong muốn được về quê gặp lại cha mẹ, ông bà, được sống những khoảnh khắc ngắn ngủi với nơi chôn rau, cắt rốn. Đó là mong mỏi của cả năm xa quê, là tình cảm của con người Việt Nam đối với ngôi nhà của mình.
Với nhiều người thì chỉ có quê hương nơi có cha, có mẹ mới là nhà. Bởi vậy, chỉ có những người có quê hương, có cha mẹ già đang ngày đêm mong ngóng thì mới hiểu hết được nỗi lòng của những người xa xứ, của những đứa con xa quê mong ngày tết để được sum vầy", luật sư Cường chia sẻ.
Cũng theo luật sư Cường, căn cứ vào tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương trong những thời điểm nhất định mà địa phương đã ban hành các quy định chung về phòng chống dịch bệnh và phòng chống dịch bệnh trong dịp tết nguyên đán. Theo đó các quy định về phòng chống dịch bệnh ở địa phương phải phù hợp với luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, phù hợp với văn bản của chính phủ, của ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh để đảm bảo thích ứng an toàn, tăng cường công tác phòng ngừa nhưng hạn chế tối đa những cản trở đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, hiện nay một số lãnh đạo địa phương đã có tư tưởng không muốn cho người dân về quê ăn tết nguyên đán, đã đưa ra các quy định có tính chất ràng buộc, rào cản, gây khó và có những thông báo mang tính chất khuyến cáo, động viên người dân không về quê. Đây là những quy định có tính chất cực đoan, những suy nghĩ có phần ích kỷ, thiếu nhân văn trong dịp tết nguyên đán lần này.
Bởi vậy, để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, đảm bảo hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh, trên tinh thần phòng chống dịch bệnh theo Nghị quyết của chính phủ, các quyết định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thì các địa phương cần rà soát lại các văn bản pháp quy, văn bản dưới luật của mình. Đồng thời xem xét lại các quy định về phòng chống dịch bệnh có tính chất nội bộ đặc thù địa phương để đảm bảo hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, đảm bảo cho người dân đón tết nguyên đán vui tươi, an toàn, lành mạnh.
"Những khuyến cáo về việc người dân không nên về quê ăn tết cần phải bãi bỏ để thể hiện tính nhân văn, để tết nguyên đán năm nay là dịp người dân sum vầy, đầm ấm, an toàn đồng thời đảm bảo các yêu cầu nhất quán, thống nhất về phòng chống dịch bệnh", TS.LS Cường nói.