Không thể hiểu được đề án thu phí… ùn tắc

Khi đưa ra đề án giảm ùn tắc, tại sao Sở GTVT TPHCM không cùng nhau nhìn lại xem, nguyên nhân gây ra ùn tắc là gì!

Người gửi: Nguyễn Thùy Dung

Đúng, lưu lượng xe hoạt động ở TPHCM và các địa bàn xung quanh đổ vào rất đông nhưng cái quan điểm “người sử dụng phương tiện phải trả phí cho việc sử dụng đường tương ứng với việc ùn tắc do chính phương tiện gây ra” hoàn toàn đúng sao!?

Phương tiện gây ra ùn tắc, vậy nếu đường thông thoáng, không có những vật cản, những lô cốt, những công trình trì trệ rùa bò, thì việc ùn tắc có lên đến mức dộ như vậy không? Đó là câu hỏi thứ nhất.

Câu hỏi thứ 2 là nếu gắn thiết bị, các cổng ERP kiểm soát lưu thông đặt trên các tuyến đường hay xảy ra ùn tắc, ai là người sẽ chi ra khoản thu này, Nhà nước chi ra rồi lại thu từ dân à?

Câu hỏi thứ 3 là nếu thiết bị thu phí gắn trên phương tiện và thẻ nạp tiền, vậy Sở sẽ cử người đến từng nhà gắn cho dân, hay bắt dân tụ tập ở đâu đó rồi ngồi chờ hàng giờ để gắn "máy rút tiền".

Ở Singapo người ta làm được vì hệ thông giao thông của đất nước họ ổn định và chặt chẽ, còn hệ thống của nước ta, lỏng lẻo, lộn xộn, luôn luôn quá tải.

Người gửi: Shun Nguyễn 

Theo tôi thấy, ý tưởng cho hệ thống thu phí giao thông ERP là rất tốt, nếu làm được sẽ là một thành công lớn đối với ngành GTVT của TPHCM và sẽ giảm được lượng xe cộ lưu thông ở các tuyến đường chính cũng như đem lại một số tiền thu không nhỏ cho TP.

Tuy nhiên, mức độ khả thi của ý tưởng này khá là mong manh đối với thực trạng giao thông của TP nói riêng và VN nói chung. Ngoài việc đầu tư cho hệ thống thu phí ERP, mỗi cá nhân sở hữu xe cần phải trang bị thêm một thiết bị được gọi là IU với giá khoảng 200 SGD và các chi phí phát sinh khác.

Thêm vào đó, một số vấn đề phát sinh nữa là gắn ở đâu trên xe máy để khỏi bị tháo trộm, việc kiểm soát việc có bỏ thẻ nạp tiền vào IU hay không?... Thứ hai, ta không thể áp dụng một cách máy móc mô hình của Singapore. Việc áp dụng mô hình này sẽ hạn chế xe cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.

Tuy nhiên, Singapore là một trong những nước có hệ thống phương tiện giao thông công cộng tốt nhất thế giới trong khi hệ thống giao thông công cộng ở TPHCM chưa được đầu tư phát triển đúng mức (xe buýt có mà cũng như không, xe điện thì vẫn còn đang nằm trên giấy) thì thử hỏi làm sao khuyến khích người dân chuyển qua sử dụng phương tiện giao thông công cộng?

Theo tôi TPHCM cần có những biện pháp để đẩy nhanh việc phát triển một hệ thống giao thông công cộng đủ tốt để khuyến khích người dân chuyển qua sử dụng nó truớc khi nghĩ đến việc làm thế nào để hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.