Hiện tượng quan chức bị kỷ luật vẫn được tái bổ nhiệm ở Trung Quốc:

Không thể che mắt nhân dân!

Gần đây, ở Trung Quốc liên tiếp xuất hiện những trường hợp quan chức bị kỷ luật được tái bổ nhiệm ở cơ quan khác, thậm chí còn được thăng cấp. Dù bị lên án, nhưng những vụ việc tương tự vẫn tiếp diễn, khiến người dân nước này bắt đầu giảm sút lòng tin vào chính quyền.

 

Lùi 1 bước, tiến… vô số bước

 

Tháng 5/2008, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông, ông Thiệu Lập Dũng đi khảo sát Phúc Kiến, dù đang trong những ngày quốc tang nạn nhân động đất Vấn Xuyên nhưng vẫn đến núi Vũ Di du lịch bằng tiền công quỹ. Khi sự việc này được báo chí công khai, ông Thiệu Lập Dũng bị cách chức. Sau đúng 1 năm, tháng 5/2009, người ta lại thấy ông Thiệu Lập Dũng ngồi vào chiếc ghế Giám đốc Sở Công Thương thành phố Uy Hải.

 

Tháng 9/2008, vụ việc sữa Tam Lộc nhiễm bẩn gây sạn thận cho trẻ sơ sinh được công khai. Ông Bảo Tuấn Khải, nguyên Phó thủ trưởng cơ quan Quản lý chế biến thực phẩm, Tổng cục Kiểm định chất lượng Trung Quốc do chịu trách nhiệm chính về việc quản lý an toàn chất lượng thực phẩm sản xuất trong nước nên bị kỷ luật và xử lý hành chính. Tuy vậy, ngày 10/4/2009, một số trang web tiết lộ ông Bảo Tuấn Khải mới nhậm chức Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Kiểm dịch xuất nhập cảnh tỉnh An Huy, chức vụ mà nếu tính về cấp bậc thì tăng nửa cấp so với vị trí cũ.
Không thể che mắt nhân dân! - 1

Trong khi hàng chục em nhỏ vẫn phải nằm viện vì uống sữa Tam Lộc, ông Bảo Tuấn Khải, người chịu trách nhiệm chính đã được thăng quan

 

Được biết, ông Bảo Tuấn Khải không phải là người duy nhất trong vụ sữa Tam Lộc “thăng quan” sau khi bị kỷ luật. Tháng 1/2009, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Bắc - Lưu Đại Quần dù bị xử lý hành chính vẫn nghiễm nhiên được điều chuyển nhận chức Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng thành phố Hình Thái, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

 

“Phục chức cũng cần nói rõ cho dân biết”

 

Khi một quan chức bị kỷ luật, đó sẽ là sự kiện “nóng” thu hút sự quan tâm của các giới trong xã hội. Chính vì vậy, khi họ được phục chức, cũng cần phải công khai và nói rõ cho dân biết. ít nhất, việc phục chức của họ cũng phải được đem ra cho ủy ban đại biểu nhân dân thảo luận, chất vấn, bỏ phiếu thông qua.

 

Nhà báo Từ Liên Hoan (Báo Nhân dân điện tử Trung Quốc)

 

“Phải qua con đường công khai”

 

Quan chức “có vấn đề” không phải là không thể phục chức, nhưng việc phục chức phải qua con đường công khai. Sợ dư luận tức là không đủ tự tin, không giải thích được về việc làm của mình. Đã như vậy thì khó có được sự tín nhiệm của dân, mà không được tín nhiệm thì làm sao có thể được dân ủng hộ?

 

Nghê Minh Thắng (Giáo viên trường Đảng thành phố Thiên Tân)

Ngày 28/6/2008, tại Úng An, Quý Châu xảy ra sự kiện bạo động, do những mâu thuẫn với chính quyền, gần 1 vạn người dân đã biểu tình, sau đó xung đột với cảnh sát, đập phá nhiều trụ sở cơ quan, gây hậu quả nghiêm trọng, chấn động dư luận trong ngoài Trung Quốc. Vì vụ việc này, ông Vương Cần - Bí thư Huyện ủy bị kỷ luật tước hết chức vụ đảng và chính quyền. Nửa năm sau, ông Cần lặng lẽ “tái xuất”, được điều chuyển tới Kiềm Nam Châu làm Cục phó Cục Tài chính.

 

Hàng loạt vụ điển hình nói trên khiến người ta liên tưởng đến những vụ việc xa hơn trước đó: ông Vương Chấn Tuấn, người bị kỷ luật cách chức phó huyện trưởng trong vụ “Lò gạch đen” ở Lâm Bồn, Sơn Tây năm 2007 lại được bổ nhiệm chức trợ lý huyện trưởng tại chính huyện này đầu năm 2009; ông Chu Cự Long và Tôn Thừa Khiên, nguyên Phó Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Thiểm Tây bị cách chức sau vụ chụp ảnh hổ giả; ông Trương Chí Quốc - Bí thư Huyện ủy Tây Phong, Liêu Ninh… đều “tái xuất” một cách rất ngoạn mục trên quan trường.

 

Theo quy định của “Điều lệ sử dụng, đề bạt cán bộ chính đảng” và “Pháp lệnh công chức” của Trung Quốc, trước khi cán bộ nhận chức đều phải công bố công khai, hơn nữa đối với cán bộ bị kỷ luật ít nhất cũng phải 2 năm sau mới được đề bạt. Trong khi đó những trường hợp nêu trên, không những chưa đủ thời gian thử thách mà việc đề bạt lại cũng được tiến hành trong im lặng cho đến khi bị người dân phát hiện.

 

“Kỷ luật nghiêm khắc” hay màn kịch che mắt nhân dân

 

Mấy năm trở lại đây, cùng với việc phổ cập mạng Internet và liên tục xuất hiện những hình thức truyền thông mới, sự tham gia giám sát của người dân Trung Quốc vào tình hình chính sự cũng được mở rộng hơn. Chính vì vậy mà hiện tượng quan chức “ngã ngựa” trong những vụ bê bối lớn sau đó không lâu đã bí mật trở lại quan trường liên tục bị đưa ra ánh sáng, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

 

Nhìn bề ngoài, các “ông quan” này bị nhận hình thức kỷ luật cao nhất: cách chức, nhưng thực tế chỉ là nghỉ ngơi một thời gian, chờ dư luận lắng xuống, sau đó tiếp tục đổi những chức vụ khác với đãi ngộ không hề thay đổi hoặc tốt hơn.

 

Theo đó, cơ chế “truy cứu trách nhiệm lãnh đạo” vốn là cơ chế rất tốt nhằm hoàn thiện bộ máy chính quyền lại trở thành ngôi nhà cho nhiều quan chức “tránh bão”, chờ khi vụ việc lắng xuống lại ngồi lên chiếc ghế quyền lực và coi như không có chuyện gì xảy ra. Thực tế, đó chỉ là màn kịch nhằm che mắt nhân dân và là cách để các “ông quan” bảo vệ lẫn nhau.

 

Tuy vậy, cùng với sự phát triển của xã hội, trình độ của người dân cũng được nâng cao và rõ ràng những màn kịch như vậy không thể che mắt nhân dân. Trái lại, về lâu dài, nó sẽ gây ra những hậu quả rất nặng nề: Đầu tiên, sẽ là sự giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.

 

Mỗi khi một hiện tượng “tái xuất” được công khai, dư luận đều hết sức quan tâm theo dõi, và không khó để nhận ra những khuất tất trên con đường trở lại của những quan chức đó. Tự nhiên, người dân sẽ nghi ngờ có sự hậu thuẫn của các cấp chính quyền cao hơn, dần dần sẽ tổn hại đến lòng tin của nhân dân với Nhà nước.

 

Bên cạnh đó, việc quan chức bị kỷ luật liên tiếp được phục chức dù bị lên án sẽ dần dần làm giảm nhiệt tình giám sát của người dân trong cuộc đấu tranh với các tệ nạn trong quan trường, họ sẽ cảm thấy việc làm của mình là vô ích và nhạt dần niềm tin vào chính quyền. Hơn nữa, hiện tượng này sẽ khiến tinh thần “pháp trị” bị nhạt mờ và sẽ có nhiều hơn nữa quan chức coi nhẹ trách nhiệm, ngang nhiên làm những việc sai trái, tiêu cực.

 

Theo Bảo Trâm
An ninh thủ dô