Bài 3:

"Không phải bạn đẹp, kết hôn với người giàu có là bạn sẽ có tài sản"

Khả Vân

(Dân trí) - "Qua việc hành nghề luật sư, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện rớt nước mắt khi một bên lấy được người rất giàu có, nhưng rất xót xa và khổ sở khi ly hôn vẫn phải ra đi với hai bàn tay trắng...".

Bạn có từng nghĩ lấy được người vợ hoặc chồng giàu có thì mình cũng sẽ giàu có, được sở hữu tài sản và sẽ có cuộc sống tiện nghi sung sướng không? Tuy nhiên, sự thật về pháp luật quy định rằng "tài sản tự mình làm ra hoặc cùng với vợ, chồng làm ra hoặc cùng nhận được trong thời kỳ hôn nhân thì mới là của mình" và được gộp chung vào gọi là tài sản chung của hai vợ chồng.

Khi đó vợ chồng mới có quyền thỏa thuận để chia khối tài sản chung này trong quá trình chung sống hoặc chia khi ly hôn. Còn tài sản của vợ, của chồng hoặc của nhà vợ, nhà chồng hình thành trước khi kết hôn hoặc được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, thì vẫn là tài sản riêng của họ và bạn sẽ không có quyền gì đối với các tài sản riêng này.

Cái gì vợ chồng cùng nhau làm ra, tạo lập hoặc cùng nhận được trong thời kỳ hôn nhân (tức từ lúc đăng ký kết hôn) thì mới là tài sản chung của vợ chồng

Do vậy, Luật sư Vũ Văn Tiến (Đoàn Luật sư TPHCM, Công ty Luật TNHH Olypmpic) cho rằng, không nên ảo tưởng và nhầm lẫn về vấn đề tài sản khi kết hôn với quan niệm rằng "cứ lấy được người giàu có thì sẽ bảo đảm cho bạn có cuộc sống về kinh tế tốt hơn", nghĩa là "không phải bạn đẹp, bạn kết hôn là bạn có tài sản".

Không phải bạn đẹp, kết hôn với người giàu có là bạn sẽ có tài sản - 1

Luật sư Vũ Văn Tiến.

Trong khi rất nhiều người cùng quan điểm rằng khi lấy vợ, lấy chồng thì nên "tìm và lấy cá nhân con người cùng chung sống với mình chứ không phải lấy tài sản và cơ thể của họ". Vậy nên, khi quyết định chốt và cưới, thì bạn phải tách biệt hai vấn đề này ra (tách biệt con người và tài sản), chứ đừng nhìn vào khối tài sản trước mắt của một bên hay gia tài của gia đình họ hay lời họ khoe khoang về tài sản mà cưới là dễ dẫn đến sai lầm. Bởi vì pháp luật đã quy định tách biệt tài sản chung, riêng của vợ chồng rất rõ ràng, cụ thể Điều 33 của Luật HNGĐ của Việt Nam quy định: 

"Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng 

  1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."

Theo điều luật trên, cách hiểu đơn giản nhất là "cái gì mà vợ chồng cùng nhau làm ra, tạo lập hoặc cùng nhận được trong thời kỳ hôn nhân bằng một sự kiện/thỏa thuận/giao dịch hợp pháp và phải chứng minh được thì mới là tài sản chung của vợ chồng, còn lại là tài sản riêng của người khác".

Không phải bạn đẹp, kết hôn với người giàu có là bạn sẽ có tài sản - 2

Do vậy, cho dù là các bạn đẹp trai hay xinh gái, thì hãy nhớ rằng đừng bao giờ nghĩ mục đích kết hôn là để có được tài sản hoặc để chuyển tài sản của người yêu thành của mình

Người nào giàu có, nhiều tài sản thì họ phải là người giỏi và có tài, nên họ cũng đủ thông minh và biết cách để bảo vệ tốt tài sản của họ, và họ sẽ không để cho bạn có cơ hội dụ dỗ nhằm chuyển giao tài sản của họ cho bạn. Thật đó, nên tôi khuyên các bạn chỉ có thể có được tài sản hợp pháp bằng cách phải tự làm việc và tự tạo lập tài sản cho các bạn hoặc phải trả giá bằng cả cuộc đời bạn cùng với người bạn đời đi kèm với nếp nhăn và mất tuổi thanh xuân thì mới có được tài sản.

Chưa hết, nếu suy nghĩ ở chiều ngược lại của người giàu/có nhiều tài sản là bạn. Thì nếu bạn giàu có, còn người yêu của bạn nghèo hoặc có hoàn cảnh kinh tế kém hơn hoặc cả hai bên dự định kết hôn đều giàu có. Khi đó, vì bạn giàu có nên có thể bạn đang lo lắng là khi kết hôn thì tài sản của bạn sẽ phải chia cho người bạn đời, bị mất hoặc bị giảm sút bằng cách nào đó theo thời gian,… (Vì đây có thể là suy nghĩ và sự tính toán của người giàu); Tuy nhiên, bạn giàu, bạn rất yêu một người mà lo lắng việc này là hoàn toàn vô nghĩa bởi vì pháp luật cũng có các quy định để bảo vệ tài sản hợp pháp của người giàu cho bạn trước người bạn đời, cụ thể như sau:

1) Tài sản riêng của bạn và gia đình bạn sau khi kết hôn vẫn là của bạn trừ khi bạn tự nguyện tặng cho hoặc đồng ý bằng văn bản để nhập vào khối tài sản chung của vợ, chồng;

2) Nếu phải chia tài sản thì bạn chỉ phải chia những tài sản nào được xác định là khối tài sản chung của vợ chồng và khối tài sản chung này đã được hình thành trong thời kỳ hôn nhân như tôi nêu trên;

3) Nếu bạn vẫn không tự tin để bảo vệ được các tài sản riêng này của bạn trước khi kết hôn như tôi nêu trên, thì hãy thực hiện theo cách thức mà các diễn viên, doanh nhân và những người giàu có ở nước ngoài vẫn thường hay làm trên phim ảnh, mà người ta gọi là ký "Hợp đồng hôn nhân" để bảo vệ tài sản của bạn.

Luật HNGĐ Việt Nam thì cũng cho phép làm việc này nhưng không gọi là "Hợp đồng hôn nhân" mà gọi là "Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn" được quy định tại Điều 47, Điều 48, Điều 49 và Điều 50 của Luật HNGĐ.

 4) Ngoài ra, pháp luật cũng quy định trường hợp một người có thể bị truất và tước quyền thừa kế, kể cả quyền nhận thừa kế tài sản riêng của vợ, chồng sau khi chết theo quy định của pháp luật về dân sự. Nên không chắc chắn rằng cứ vợ, chồng là được nhận thừa kế tài sản của nhau nhé.

Như vậy, bạn không thể lợi dụng việc kết hôn để lấy tài sản của người khác được đúng không? Nên sau khi kết hôn và tiến đến hôn nhân, tốt nhất là các bạn vẫn phải làm việc để tạo lập tài sản và độc lập/chủ động về tài chính để ít nhất nuôi được chính mình và con cái và đừng bị phụ thuộc hay chỉ chờ đợi và nhìn vào khối tài sản của một bên vợ, chồng.

"Thực tế, thông qua việc hành nghề luật sư, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện rớt nước mắt khi một bên lấy được chồng, vợ rất giàu có, nhưng rất xót xa và khổ sở khi ly hôn vẫn phải ra đi với hai bàn tay trắng mà chỉ người trong cuộc mới biết. Ngược lại, tôi cũng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng đến với nhau với hai bàn tay trắng nhưng đến nay đã có tất cả và có đời sống hôn nhân viên mãn. Vì vậy, các bạn nhớ câu nói của ông bà ta là khi tìm bạn đời nên lấy người, không lấy của", Luật sư Vũ Văn Tiến chia sẻ.

Với mong muốn giúp các bạn đang yêu nhau và có ý định kết hôn hiểu thêm về pháp lý trong đời sống hôn nhân sau kết hôn, Luật sư Vũ Văn Tiến (Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc Công ty Luật TNHH Olympic) chia sẻ một số kiến thức pháp lý thực tế về hôn nhân và gia đình căn bản. Mong rằng ít nhiều giúp các bạn tự tin hơn để đi đến quyết định cuối cùng là nên kết hôn hoặc không và khi nào kết hôn.

Cũng lưu ý rằng, kiến thức và kinh nghiệm trước, trong và sau khi kết hôn rất đa dạng, nhiều vô kể không ai giống ai vì mỗi gia đình là một câu chuyện. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết, Luật sư chỉ chia sẻ kiến thức dưới góc độ "pháp lý căn bản cần biết về hôn nhân" mà không đi sâu vào các khía cạnh khác của quan hệ hôn nhân và gia đình của vợ chồng.

Như đã chia sẻ ở những bài viết trước, các kiến thức pháp luật thực tế về hôn nhân và gia đình mà bạn cần biết, gồm: Ranh giới là một tờ giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; Luật chỉ quy định về "tình nghĩa vợ chồng", không quy định về "tình yêu lãng mạn"; Hôn nhân chịu sự ràng buộc và phải thực hiện nghĩa vụ nhiều hơn là quyền.