Không để ngưng trệ dự án xây dựng Bệnh viện K

Lâu nay cứ nghe nói đến bệnh ung thư là nhiều người “ khiếp sợ”, trong đó có tôi - trước khi đưa mẹ vào mổ tại Bệnh viện K ở số nhà 43, phố Quán Sứ, Hà Nội. Song có người nhà nằm viện K tôi mới hiểu, không phải ai bị ung thư là chết.

Bởi vì nếu phát hiện sớm, phẫu thuật triệt để, cộng với máy điều trị tia COBALT (máy tia xạ - quà tặng của tổ chức Tầm nhìn Thế giới), thì hoàn toàn có thể chữa khỏi bệnh. Thậm chí phụ nữ ung thư vú giai đoạn 2 và 3a, theo bác sỹ chuyên khoa vẫn có thể chữa khỏi.

 

Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, đến nay vẫn vô phương cứu chữa và lại đang phổ biến tại Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Y tế thì số người chết hàng năm do bệnh ung thư luôn đứng “đầu bảng”- với 75.000 người, gấp hơn 2 lần so với bệnh lao (khoảng 30.000 người chết mỗi năm) và hơn 6 lần so với tai nạn giao thông (khoảng 12.000 người chết mỗi năm).

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Mặc dù ở phía Bắc nước ta có bệnh viện “nổi tiếng, lá cờ đầu” chuyên chữa ung thư là Bệnh viện K nêu trên. Song khuôn viên Bệnh viện K (tại 43 Quán Sứ, Hà Nội) quá chật chội, trong khi bệnh nhân đến khám, chữa tại đây đông như “kiến”.

 

Do cả nước hàng năm có tới 20 vạn người mắc bệnh ung bướu cần khám và điều trị (theo số liệu Bộ Y tế). Vì vậy thông thường bệnh nhân nằm viện K phải ghép từ hai đến ba người/ một giường cá nhân. Ngoài ra máy móc, hoá chất xét nghiệm cho người bệnh cũng hay hỏng hóc và thiếu.

 

Thí dụ có bệnh nhân (ở Bệnh viện K) do máy hỏng, nên phải sang Bệnh viện Lao trung ương để kiểm tra chức năng hô hấp; đến Quân y viện 108 để xạ hình tưới máu phổi. Có bệnh nhân phải đợi 10 ngày vẫn chưa có hoá chất xét nghiệm thụ cảm nội tiết

 

Nhằm khắc phục tình trạng “quá tải” tại Bệnh viện K, Bộ Y tế đã triển khai dự án xây dựng viện K mới, với quy mô 1.000 giường bệnh ở xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nhưng đến nay kinh phí giải ngân chỉ đủ giải phóng mặt bằng. Dự án đang “giậm chân tại chỗ” vì dự toán ban đầu hơn 600 tỷ đồng, nay lên tới 1.000 tỷ đồng và giải ngân rất chậm, dự kiến phải sau năm 2010 mới xây dựng xong bệnh viện.

 

Đề nghị Bộ Y tế nên trình Chính phủ cho chủ trương thực hiện “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bệnh viện. Cụ thể 1.000 tỷ đồng, xin nhà nước đầu tư bao nhiêu tỷ? Cần huy động, kêu gọi vốn tư nhân bao nhiêu tỷ? Để đầu tư xây dựng bệnh viện hoàn thành vào năm 2010 (theo kế hoạch ban đầu), đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh - giảm số người chết do ung thư hiện nay cho nhân dân.

 

Về phương thức khai thác bệnh viện, chúng tôi cho rằng cũng không sợ nửa công, nửa tư, vì so với các tổ chức cổ phần doanh nghiệp, công ty TNHH nhà nước một thành viên… thì việc tổ chức quản lý bệnh viện “kiểu này” cũng khả thi.

 

Về chế độ bảo hiểm y tế bệnh viện “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đương nhiên những người bệnh cũng phải đóng một phần kinh phí, để hoàn vốn tư nhân đầu tư.

 

                                                                                       Nguyễn Thành Lập
(Hà Nội)

 

LTS Dân trí: Xây dựng mới Bệnh viện K là một nhu cầu cấp bách. Đây là bệnh viện tuyến cao nhất điều trị bệnh ung thư của cả nước mà đặt tại địa điểm quá chất hẹp và trang bị quá thiếu thốn như hiện nay là không thể chấp nhận.

 

Đảng và Nhà nước ta luôn có chủ trương nhất quán là tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với tiến bộ xã hội, trong đó việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân được dặt ở vị trí quan trọng hàng đầu. Dự án xây dựng Bệnh viện K mới (với quy mô 1.000 giường bệnh) phải trở thành một trong những công trình xây dựng trọng điểm tại thủ đô Hà Nội.

 

Đề xuất của tác giả bài viết nói trên là một gợi ý đáng được nghiên cứu áp dụng để khắc phục tình trạng thiếu vốn đầu tư cho công trình xây dựng mới Bệnh viện K.