Không có luật nào cho CSGT quyền gửi thông báo về cơ quan người vi phạm!

Khả Vân

(Dân trí) - Luật sư cho rằng, không có bất cứ quy định pháp luật hiện hành nào trao cho CSGT quyền hạn gửi thông báo về cơ quan của công chức, đảng viên, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm luật giao thông.

Liên quan đến quy định mới đây của Cảnh sát giao thông (CSGT) về việc các trường hợp là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang,… khi vi phạm luật an toàn giao thông, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ phải gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định, bạn đọc Dân trí đã gửi về nhiều ý kiến băn khoăn.

Theo đó, người vi phạm luật giao thông đã chịu mức xử phạt hành chính rồi, tại sao phải chịu thêm một hình thức xử phạt nữa của cơ quan? Văn bản nào cho phép lực lượng CSGT làm việc đó? 

Độc giả Hoàng Điền cho rằng: "Không lẽ khi đo nồng độ cồn còn yêu cầu kiểm tra thẻ Đảng nữa à? Làm sao biết ai là đảng viên, công chức mà gửi thông báo khi không có luật nào yêu cầu người vi phạm phải khai cả nghề nghiệp, chức danh hết? Vi phạm giao thông có thể do cố ý hoặc vô ý, khi đó phạt là hình thức tương xứng hành vi vi phạm. Nếu vi phạm do vô ý, việc gửi về cơ quan sẽ không có nghĩa lí gì, và về cơ quan thì sẽ xử lý thế nào?, chắc chắn mỗi nơi sẽ xử một kiểu vì chưa có chế tài chung".

"Theo tôi được biết thì người vi phạm luật Giao thông chỉ bị xử lý một lần duy nhất về hành vi vi phạm đó - vi phạm hành chính, về cơ quan mà xử lý nữa thì không biết sẽ như thế nào, liệu có bị lạm dụng quá không, có trái các luật khác không?", độc giả Hoàng Minh Hằng băn khoăn.

Không có luật nào cho CSGT quyền gửi thông báo về cơ quan người vi phạm! - 1

Đảng viên vi phạm nồng độ cồn khi lái xe sẽ bị gửi thông báo về cơ quan. (Ảnh: Tâm An).

Không có luật nào trao cho CSGT quyền hạn làm việc này!

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị khẳng định, không có bất cứ quy định pháp luật hiện hành nào trao cho CSGT quyền hạn làm việc này!

Theo đó, Hiến pháp năm 2013 quy định tại điều 16 như sau: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Như vậy cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên cũng bình đẳng như người dân thường. Trước pháp luật họ không được hưởng đặc quyền đặc lợi gì hơn người dân thì cũng không có căn cứ, cơ sở gì bắt buộc họ phải chịu những thiệt hại, ảnh hưởng quyền lợi hơn khi họ có cùng hành vi vi phạm giao thông.

Với đề xuất: Các trường hợp là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang,… vi phạm luật giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ phải gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành thì hoàn toàn không có căn cứ pháp lý. Không có quy định pháp luật nào hiện hành trao cho CSGT quyền hạn gửi thông báo công chức, đảng viên, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm pháp luật giao thông về cơ quan quản lý.

Nguyên tắc pháp luật hiện nay thừa nhận rằng: Công dân được làm những điều pháp luật không cấm; công chức, viên chức, đảng viên… chỉ được làm những điều pháp luật, quy định cho phép. Bản thân CSGT cũng là công chức, đảng viên nên càng không có căn cứ để gửi thông báo vi phạm vi phạm pháp luật giao thông của công chức, đảng viên về cơ quan quản lý.

Dù pháp luật không quy định nhưng để thực hiện được mong muốn trên của cơ quan CSGT thì cần căn cứ vào các quy định có tính tiền lệ, thực tiễn, dẫn chiếu, nội bộ từng cơ quan, đơn vị từng vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang… để thực hiện việc gửi thông báo công chức, đảng viên, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm pháp luật giao thông về cơ quan quản lý.

Các quy định như sau:

Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm: Điều 18: … sử dụng các chất ma túy; sử dụng rượu, bia không đúng quy định hoặc đến mức bê tha... 

Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định: Điều 8. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân: 4. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Luật Viên chức năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định: Điều 5. Các nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức: 1. Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp. 3. Tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử.

Việc gửi thông báo công chức, đảng viên, viên chức, lực lượng vũ trang vi phạm pháp luật giao thông về cơ quan quản lý chỉ được coi là việc làm phối hợp giữa các cơ quan tổ chức để đảm bảo giám sát tuân thủ các quy định nội bộ hoặc quy định pháp luật tham chiếu.

Luật sư Lực cho rằng, đề xuất CSGT gửi thông báo vi phạm vi phạm pháp luật giao thông của công chức, đảng viên về cơ quan quản lý là một giải pháp hữu hiệu để giảm tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang… sử dụng chất kích thích vẫn tham gia giao thông. Tuy nhiên để đảm bảo triển khai trên thực tế, thiết nghĩ cần sửa đổi đồng bộ quy định pháp luật, sửa đổi quy định nội bộ các cơ quan, tổ chức đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, tạo hành lang pháp lý, cơ sở thực tiễn cho hoạt động này.